Hoảng loạn tâm lý sau khi bị đánh và bị tung clip lên mạng, Quang Huy đã tự tử. Ảnh internet. |
Ngay sau khi bị đánh hội đồng, Quang Huy đã có dấu hiệu hoảng loạn tâm lý. Em được bác sĩ kết luận có dấu hiệu chấn động về tâm lý và nằm viện 1 tuần để theo dõi. Tuy nhiên, sau khi ra viện, Quang Huy vẫn có biểu hiện hoang mang, lo sợ. Em đã treo cổ tự tử ngay sau hôm xem được clip quay cảnh mình bị đánh.
Theo thạc sĩ Mai Hương, trẻ em có những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có những khó khăn trong các bước giải quyết vấn đề khác nhau, bao gồm: Xác định một vấn đề, tư duy về một loạt các giải pháp, lựa chọn 1 giải pháp có khả năng thành công cao, áp dụng giải pháp và đánh giá kết quả đạt được. Hiện nay, nhiều cha mẹ còn hạn chế trong việc ứng xử với con cái, đặc biệt là việc áp đặt, không biết cách hướng dẫn con nhận diện cảm xúc.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ không được học kỹ năng nhận diện cảm xúc. Cha mẹ không tôn trọng cảm xúc của con khi con khóc, cha mẹ bắt con nín, cấm con khóc. Khi con buồn, cha mẹ dè bỉu. Khi con xúc động, cha mẹ chê bai rằng ủy mị, mít ướt… Chỉ khi cha mẹ yêu thương và tôn trọng con thì con mới cảm nhận được tình yêu của cha mẹ và dễ dàng chia sẻ với cha mẹ những cảm xúc của mình. Khi đó, cha mẹ mới biết con đang gặp khó khăn gì và cần cha mẹ như thế nào. Thường thì, những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc (tốt) hiếm khi đánh mất sự kiểm soát và ít khi gặp rắc rối trong vấn đề cư xử.
Cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc của con để con có kỹ năng nhận diện cảm xúc. Ảnh minh họa internet. |
Sai lầm của cha mẹ hiện nay là quá bao bọc con, làm hộ, giải quyết hộ con mọi khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, để con đương đầu với khó khăn, tự giài quyết mâu thuẫn của mình sẽ giúp con trưởng thành hơn. Căng thẳng là một phần trong cuộc sống. Trẻ vị thành niên cần có khả năng nhận biết sự căng thẳng, nguyên nhân và hậu quả cũng như cách ứng phó với nó.
Ngoài ra, chị Mai Hương cho biết, cha mẹ và thầy cô cần cung cấp cho con những nguy cơ con có thể gặp phải trong và ngoài nhà trường. Cần cho con biết đâu là nơi con có thể đến, đâu là nơi con không nên xuất hiện (chỗ vắng vẻ). Nhận diện những nguy cơ này còn có thể giúp con tránh bị bắt cóc, bạo lực…
Tâm lý tuổi dậy thì rất dễ khủng hoảng. Thế nhưng, sức khỏe tâm thần của trẻ em chưa được chăm sóc đầy đủ. Nhiều cha mẹ thiếu kỹ năng, thiếu sự nhạy cảm trước sự thay đổi của con và chỉ biết mọi thứ về con khi quá muộn. Trong khi đó, các trường học ở Việt Nam chỉ chú trọng dạy kiến thức mà không chú trọng vấn đề tâm lý cho học sinh.
Chị Mai Hương cho rằng, trong các nhà trường, rất cần các chuyên viên tâm lý học đường. Những chuyên gia này sẽ cung cấp cho trẻ những kỹ năng nhận diện cảm xúc, giải quyết vấn đề, tổ chức những buổi tham vấn nhóm để học sinh có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tránh khủng hoảng tâm lý lứa tuổi…
Với những trẻ vị thành niên được cho là có nguy cơ tự sát cao, cần đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Chuyên viên tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội trường học phải ở cùng trẻ cho đến khi trẻ được đảm bảo an toàn (nhập viện, hoặc bố mẹ đến và hiểu được mức độ nguy hiểm, cam kết theo dõi, điều trị tâm lý cho trẻ).