pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ cho con tiếp xúc sớm với AI

Ảnh minh họa
Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, White đã dạy James nhiều điều về AI tạo sinh như tạo trò chơi từ ảnh chụp hay nhận diện những lỗi AI mắc phải. Sau hơn 2 năm, James, đang học lớp 5, đã học được cách tích hợp AI vào nhiều hoạt động hàng ngày, từ tạo ra tài liệu học tập đến ước tính giá giày khi không có nhãn giá. "Mục tiêu của tôi không phải là biến con thành một chuyên gia AI tạo sinh mà là trang bị cho con nền tảng để sáng tạo, khám phá và nâng cao trải nghiệm học tập thông qua AI", White chia sẻ.
White chỉ là một trong số nhiều phụ huynh đang hướng dẫn con cách sử dụng chatbot AI, giúp trẻ tiếp cận công cụ này một cách có trách nhiệm, nhằm phục vụ học tập, công việc và cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Một cuộc khảo sát của Ipsos năm 2023 cho thấy, gần 1/3 phụ huynh muốn cấm AI trong trường học vì lo ngại tình trạng gian lận thi cử, khi ngày càng nhiều học sinh dựa vào chatbot để làm bài tập.
Dù tác động của AI đến tư duy phản biện của trẻ vẫn đang được nghiên cứu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức giáo dục đã bày tỏ quan ngại về việc quá phụ thuộc vào chatbot có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em. Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của AI lại đặt ra thách thức cho các bậc cha mẹ ít am hiểu công nghệ. Một cuộc thăm dò cho thấy, chỉ 16% phụ huynh tự tin hiểu rõ khả năng của AI.

Con trai của Kunal Dalal sử dụng Dall-E
Dạy con cách sử dụng trí tuệ nhân tạo
Nhiều phụ huynh tin rằng, việc cho trẻ tiếp xúc với AI từ sớm có thể kích thích sáng tạo, rèn luyện tư duy phản biện và cải thiện kỹ năng giao tiếp. Năm 2023, Ola Handford, chuyên gia tư vấn AI, bắt đầu giới thiệu ChatGPT cho hai con của mình, khi đó 9 tuổi và 12 tuổi. Mỗi tối thứ Sáu, gia đình Handford cùng nhau tìm hiểu về AI. Giờ đây, hai đứa trẻ sử dụng AI để nghiên cứu, tìm công thức nấu ăn, tranh luận và lên kế hoạch du lịch.
Không chỉ vậy, Handford còn tận dụng các hoạt động này để thảo luận về mặt trái của AI, như deepfake hay sự phụ thuộc cảm xúc. Cô cũng dạy con rằng, chatbot không phải con người mà chỉ là sản phẩm của máy móc. "Deepfake và AI là những vấn đề tôi đặc biệt quan tâm, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các con và gây ra nhiều tác hại", Handford chia sẻ. Cô tin rằng, việc khám phá AI từ sớm sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức về công nghệ này.
Tương tự, White cũng đặt trọng tâm vào việc sử dụng AI có trách nhiệm. Anh không muốn con trai 11 tuổi của mình chỉ coi ChatGPT là công cụ tra cứu hay cách để né tránh việc suy nghĩ. Thay vào đó, White thiết kế các hoạt động để James thấy AI có thể mở ra những khả năng sáng tạo, như tự xây dựng trò chơi để hỗ trợ học tập. Anh cảnh báo rằng, nếu không có sự hướng dẫn, trẻ em có thể lạm dụng AI để gian lận trong học tập, dần dà trở nên phụ thuộc và mất đi khả năng tư duy độc lập. "Nếu chỉ sao chép và dán câu trả lời từ ChatGPT, bạn không thực sự tạo ra giá trị cho xã hội", White nói. Anh mong muốn con trai mình nhìn nhận AI như một khả năng mới để tiếp cận thị trường lao động, nơi nhu cầu về kỹ năng AI đang gia tăng.

James, con trai của Jules White
Ngoài việc đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm, một số phụ huynh còn coi AI là công cụ giúp họ kết nối với con tốt hơn. Kunal Dalal, quản trị viên AI tại Sở Giáo dục quận Cam, sử dụng AI hàng ngày để gắn kết với cậu con trai 4 tuổi. Hai cha con cùng sáng tác nhạc với ChatGPT, tạo hình ảnh bằng DALL-E, thậm chí tái hiện những ký ức thời thơ ấu của Dalal ở Kolkata, Ấn Độ.
Một trong những điều Dalal thấy hữu ích nhất là sử dụng AI như cầu nối để cải thiện giao tiếp với con trai. Nếu anh thấy mình quá nghiêm khắc hoặc nhận thấy con đang buồn, anh nhờ ChatGPT đưa ra lời khuyên về cách xử lý tình huống. AI sẽ giúp anh tìm cách lắng nghe con tốt hơn, đồng thời đưa ra những chiến lược giảm căng thẳng. Dalal gọi cách tiếp cận này là "tam giác giao tiếp", gồm 3 yếu tố: anh, con trai và AI. "ChatGPT nói gì không quan trọng. Điều quan trọng là nó đã giúp tôi và con trai hiểu nhau hơn", người cha nói.
Tiếp cận trí tuệ nhân tạo một cách phù hợp
Dù nhiều phụ huynh đón nhận AI một cách nồng nhiệt, công nghệ này cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái nếu không được sử dụng đúng cách. Theo Phó giáo sư tại Đại học Harvard Ying Xu, người đã giới thiệu ChatGPT cho đứa con 10 tuổi của mình, AI có thể làm xói mòn lòng tin của trẻ vào cha mẹ. Nếu trẻ xem AI như một nguồn tri thức tối thượng, chúng có thể tìm đến AI để xin lời khuyên thay vì trò chuyện với cha mẹ. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi nhiều bậc phụ huynh không biết con mình sử dụng AI thường xuyên đến mức nào, một thực tế mà Xu quan sát được trong nghiên cứu của bà.
Xu cũng cảnh báo về việc các công ty công nghệ quảng bá AI như một "người bạn đồng hành" thân thiện với trẻ em. Ngoài ra, sự phụ thuộc quá mức vào AI cũng có thể khiến trẻ khó phân biệt giữa những tương tác thực của con người và phản hồi do máy móc tạo ra. Tuy nhiên, Xu không phủ nhận những lợi ích của AI tạo sinh. Khi được hướng dẫn đúng cách, AI có thể mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin của trẻ và giúp chúng dễ dàng thích nghi với công nghệ trong tương lai. Nhưng theo bà, việc cho trẻ tiếp xúc với AI cần diễn ra trong môi trường có chủ đích và được kiểm soát.
Nhiều phụ huynh cũng nhận thức được điều này và ưu tiên giám sát chặt chẽ. White và Dalal chỉ cho con sử dụng ChatGPT trên thiết bị của chúng khi được cho phép. Handford hạn chế con mình dành thời gian cá nhân cho AI thoải mái như mạng xã hội. Trong khi đó, Dalal cũng đặt giới hạn về tần suất con trai được sử dụng ChatGPT.
Nhìn về tương lai, White và nhiều phụ huynh khác có kế hoạch nâng cấp các hoạt động liên quan đến AI khi các con lớn hơn. Các công cụ mới nổi như "tác nhân AI" (AI agent) - hệ thống có khả năng nhận thức môi trường xung quanh, tiếp nhận phản hồi và tự động đưa ra hành động - mang đến những cơ hội học tập mới. "Tôi rất hào hứng với tác nhân AI. Chúng tôi vẫn chưa khám phá công cụ này nhưng đó chắc chắn là mục tiêu tiếp theo trong danh sách", White chia sẻ.