Đến bây giờ, dù đã hết tuổi học trò, Vũ Hạnh Nhi, cựu học sinh (HS) trường THPT chuyên ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) vẫn không khỏi xúc động khi nhớ lại lần mẹ em đã đưa em sang tận Indonesia để dự đám tang một thành viên ban nhạc MBLAQ – thần tượng của em - không may tử nạn.
Ngày đó, như các bạn, Nhi cũng thần tượng ban nhạc trẻ MBLAQ. Nhiều bạn của Nhi phải “đào sâu chôn chặt” thần tượng trong lòng vì biết rằng, nếu để lộ ra sẽ bị bố mẹ mắng. Chỉ riêng Nhi là có thể tự do bày tỏ cùng mẹ.
Ở tuổi trung niên, gu âm nhạc của mẹ Nhi tất nhiên không phải là dòng nhạc trẻ. Mẹ cũng chẳng biết MBLAQ gồm những ai, đến từ đâu nhưng vì con gái, mẹ Nhi đã tập nghe nhạc của con. Nhi nhớ lại, mỗi khi MBLAQ có bài hát mới, Nhi đều rủ mẹ đi cùng. Hai mẹ con ngồi bên nhau, nghe nhạc và mẹ còn hát theo nữa.
Nhi tâm sự: "Nếu mẹ không ủng hộ Nhi và thần tượng MBLAQ, chắc chắn, Nhi sẽ không vì mẹ mà từ bỏ. Ngược lại, rất có thể, Nhi sẽ hành động theo cách của riêng mình, cho dù phải làm cả những việc sốc nổi".
Trần Hải Hùng là trưởng một nhóm tuổi teen hâm mộ nam ca sĩ Quang Dũng. Để con trai vừa hoàn thành trách nhiệm điều hành nhóm, vừa không bị xao nhãng học tập, chính bố mẹ Hùng đã tự nguyện trở thành “trợ lý” cho con.
Mẹ dẫn Hùng đi may đồng phục cho nhóm, còn người bố sẵn sàng bỏ tiền mua những đĩa nhạc mới nhất của thần tượng về cho con và các bạn nghe.
Fan nhóm T-Ara ra đón thần tượng tại sân bay. Ảnh: Ngôi sao |
Mẹ Hùng kể: Tuổi teen sáng nắng chiều mưa, rất dễ bảo mà cũng rất dễ tự ái. Muốn kéo con về phía mình thì cha mẹ phai trở thành bạn của con. Tuyệt đối cha mẹ đừng chế giễu, nói xấu thần tượng của con. Thay vì lo lắng, cấm cản con, cha mẹ hãy dùng chính thần tượng đó để làm động lực tích cực giúp con sống tốt hơn.
Chẳng thế mà mẹ Hùng đã đưa ra quy tắc: Nếu Hùng đảm bảo học tốt thì cuối tuần, Hùng có thể mời cả nhóm đến nhà sinh hoạt. Bố mẹ sẵn sàng mua nước, kem, đồ ăn vặt cho nhóm. Thành tích học của Hùng càng tốt thì mức khen thưởng của bố mẹ càng tăng lên. Bố mẹ Hùng cũng có lần hứa chi tiền triệu để Hùng mua vé đi xem ca sĩ này hát trực tiếp.
Vừa qua, tòa án thành phố Bắc Kinh đã xét xử vụ án gây chấn động cha chém chết con gái 13 tuổi chỉ vì con quá cuồng mộ thần tượng.
Châu Khải, bị cáo của vụ án cho biết: Ông thật sự mệt mỏi vì con gái Tiểu Nam quá hâm mộ nhóm EXO mà trở nên hỗn hào với cha.
Dù gia đình thuộc diện thu nhập thấp nhưng con gái ông lại chi tiền triệu để mua vé xem ca nhạc EXO cũng như mua túi xách, áo quần, ảnh, album của nhóm này treo khắp phòng. Cô bé xấu số cũng từng khẳng định yêu thần tượng hơn cha mẹ mình và luôn trách cứ người cha nghèo không giúp cô có nhiều tiền để... theo đuổi thần tượng.
Trong cơn quẫn bách, người cha đã cầm dao chém con rồi cắt cổ tay tự tử nhưng không chết.
Theo ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa tâm lý giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tuổi teen một khi đã hâm mộ ai đó, thì có thể sẵn sàng làm tất cả vì người đó.
Việc giới trẻ hâm mộ thần tượng có trở nên đáng lo ngại hay không phụ thuộc vào thái độ, quan niệm của bạn trẻ đó với thần tượng. Nếu bạn trẻ hâm mộ thần tượng chỉ vì sự hào nhoáng bề ngoài thì đó là hâm mộ nông cạn. Nếu thần tượng vì tài năng, ý chí, nghị lực của họ thì đáng trân trọng. Tương tự, nếu vì thần tượng mà sẵn sàng xem rẻ gia đình là hâm mộ đáng trách. Còn hâm mộ thần tượng nhưng biết giới hạn, biết nhìn vào những điểm tốt của họ để vươn lên là hâm mộ nên khuyến khích.
Cha mẹ cần đánh giá xem con hâm mộ thần tượng ở “dạng” nào để có điều chỉnh kịp thời. Cha mẹ đừng phủ nhận hay mặc kệ con với thần tượng cũng không được chu cấp tiền để con theo đuổi thần tượng một cách vô điều kiện để rồi tới lúc hối hận thì đã muộn.
Với tuổi học trò nếu được uốn nắn và hướng dẫn ngay từ đầu và qua mỗi ngày thì cả con, cha mẹ và thần tượng hoàn toàn có thể “hợp tác tích cực” để cùng bước về phía trước.