Cha mẹ vẫn quá chủ quan?
Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, đã có rất nhiều phụ huynh giật mình. Trên trang cá nhân, anh Đăng Nhật (sống ở Đà Nẵng) nhanh chóng lên tiếng cảnh báo, phụ huynh có con nhỏ không nên để các cháu vào thang máy một mình. “Tôi thấy ở các khách sạn lớn, các bé cứ mặc đồ tắm quàng khăn chạy từ bể bơi về phòng một mình. Điều này quá nguy hiểm!”, anh Nhật chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thu Hà (ngụ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rất bối rối thừa nhận, việc chị để cho con gái 8 tuổi một mình vào thang máy là điều xảy ra liên tục. “Có khi nhờ con đi mua mớ rau dưới siêu thị, lúc lại chạy xuống nhận hàng hộ. Con đi chơi nhà bạn ở tòa nhà bên cạnh, tôi cũng để cháu đi một mình. Giờ nghĩ lại thấy giật mình quá! Không thể chủ quan được vì kẻ xấu có thể ở khắp mọi nơi!”, chị Hà cho biết.
Nữ phụ huynh này cũng cho rằng, việc để con gái đi một mình trong thang máy, cầu thang bộ thoát hiểm, hoặc đi về vào buổi tối, chắc chắn là điều chị sẽ tránh hoặc hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, chị cũng lưu ý không để bé ăn mặc các phục trang quá ngắn, hở hang, hoặc có thể tự vệ bản thân bằng một số kỹ năng cơ bản nếu gặp người lạ đụng chạm vào người mình.
“Không phải ai cũng ý thức được điều này, thậm chí nhiều phụ huynh rất chủ quan vì cứ nghĩ môi trường xung quanh mình có thể an toàn. Đây là suy nghĩ sai lầm mà bản thân tôi cũng từng nghĩ như vậy. Sai một ly, đi một dặm, hành vi xâm hại, sàm sỡ có thể chỉ diễn ra trong vài giây, vài phút thôi nhưng chắc chắn các con sẽ mất cả cuộc đời trong sự ám ảnh, sợ hãi về điều đó”, chị Thu Hà bộc bạch.
Dạy trẻ kỹ năng tự vệ: Không chỉ làm trong một ngày, một giờ
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, kỹ năng phòng chống tự vệ cho trẻ không thể làm trong một ngày, một giờ mà phải thực hiện nhiều lần đến thuần thục tại gia đình và nhà trường. Bố mẹ và thầy cô đều có thể hướng dẫn và cùng trẻ thực hành tập luyện mỗi ngày để khi gặp kẻ xấu, trẻ sẽ phản ứng nhanh nhạy.
Để phòng các trường hợp con bị sàm sỡ, hoặc kẻ xấu tiếp cận với ý định muốn đụng chạm, xâm hại, cha mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc. Bao gồm:
- Tuyệt đối không đi theo người lạ. Nếu đi trên đường có người rủ rê thì tuyệt đối không được đi theo.
- Chạy tới chỗ chú công an, người lớn tuổi nếu bị kẻ lạ đi theo, nói chuyện với họ và nhờ họ đưa con về nhà. Kẻ có ý định làm hại trẻ sẽ nghĩ là trẻ gặp người thân và bỏ đi.
- Hét thật to khi bị người lạ động vào cơ thể, “vùng kín”.
“Rất nhiều người lớn coi việc động chạm vào các bộ phận, đặc biệt là vùng kín của bé trai là cách bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, hành động này diễn ra thường xuyên sẽ khiến con không biết mình có nguy cơ bị xâm hại mà có ý thức phòng tránh”, TS Vũ Thu Hương lưu ý.
Lấy ví dụ trong một trường hợp cụ thể, bà Thu Hương hướng dẫn, cha mẹ hãy dạy con trong trường hợp bị người lạ động vào “vùng kín”, con nên phản ứng như sau: Hét váng lên thật to để bày tỏ sự không hài lòng. Nói với họ thật cương quyết: “Con không thích bị sờ vào người, cô/chú/bác/ông/bà còn làm thế, con sẽ mách công an”. Dù người quen hay người lạ, khi nghe con hét lên họ cũng hoảng sợ và rụt tay lại ngay, thậm chí thôi ngay ý định xâm hại. Còn nếu con sợ hãi, im lặng, thì kẻ có ý định sẽ càng lấn tới.
Hoặc nếu con đang đi xe bus mà có người cứ tìm cách áp sát con, hoặc sờ mó, con rất cần phải hét thật to: “Anh/chú làm gì thế? Đừng có động vào người cháu!”. Trên xe bus, khi nghe thấy thế, mọi người sẽ bênh vực con nếu con phản ứng rõ ràng và quyết liệt. Kẻ xấu kia sẽ lủi đi mất.
Trong trường hợp con nhỡ bị kẻ xấu áp sát, sờ mó nơi công cộng, TS Vũ Thu Hương cho biết, thay vì hét “AAAA…”, các bé cần hô lớn là “CHÁY NHÀ!!!” kèm theo đó là hành động giãy giụa dữ dội để thoát thân. Câu hô này sẽ khiến những người xung quanh lao ra ngoài để xem… cháy nhà, chứ không lầm tưởng là ai đó đang đùa giỡn. Kẻ gian thấy thế sẽ giật mình sợ hãi và buông tay ra.
Một cách hữu hiệu nữa là trẻ khi bị sàm sỡ, hãy nhanh chóng cắn vào tay, đạp thật mạnh vào “vùng kín” của kẻ xấu. Đó là khu vực có nhiều dây thần kinh, hành động đạp thật mạnh làm kẻ có ý định hại con đau đến choáng váng. Như vậy, việc thoát ra sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đặc biệt, các địa điểm vắng vẻ nguy hiểm như thang máy, cầu thang bộ thoát hiểm, nhà vệ sinh công cộng…, cha mẹ tuyệt đối không để trẻ đi một mình, không được chủ quan dù chỉ trong tích tắc.