Cha mẹ không phân biệt nổi hiếu động và tăng động

01/08/2016 - 11:28
Thấy con nghịch luôn chân luôn tay, không tập trung học, không ít phụ huynh lo vì không hiểu con hiếu động hay tăng động.
Nhiều cha mẹ lo lắng, không phân biệt được con hiếu động hay tăng động giảm chú ý. Ảnh minh họa internet.

Chị Phan Anh Thư (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Con mình năm nay học lớp 1. Mình rất lo lắng và không biết phải dạy con như thế nào. Chỉ trừ giờ ngủ thì yên lặng, còn khi tỉnh là con nô đùa, hò hét, chạy vòng quanh nhà, quanh lớp mồ hôi nhễ nhại. Cô giáo phạt một lúc rồi đâu vào đấy. Khi con học mẫu giáo lớn, ngồi tập viết nhưng con luôn quay ngang quay dọc để nói chuyện. Còn bây giờ, ban đầu cô giáo cho con ngồi chung với một bạn, nhưng cháu luôn quay sang nói chuyện với bạn đó. Cô giáo phải xếp bạn sang ngồi bàn khác thì con lại với lên nói chuyện với bạn bàn trên. Cuối cùng cô đành bố trí cho con con ngồi một mình một bàn, cách các bạn khác một bàn.

Ngồi một mình không nói chuyện với ai thì con lại nói chuyện... một mình. Con nghịch luôn tay luôn chân và nói luôn mồm. Mình lo quá, không biết là con mình có bệnh tăng động giảm chú ý không?”.

Con 8 tuổi, thường xuyên không tập trung khi người lớn nói, ngồi học bài không tập trung được quá 15 phút (sẽ chuyển sang nghịch hộp bút, sách, vở… và quên mất việc học) nên chị Phạm Minh Hà rất lo lắng. Con còn hay quên bài học, nội dung câu chuyện vừa xảy ra ở lớp, ở nhà hoặc những trao đổi với ông bà, bố mẹ (trừ nội dung phim hoạt hình, nội dung các câu chuyện, trò chơi mà con thích); vụng về trong các hành động (xúc cơm, cầm cốc, cầm bút…); luôn nghịch luôn chân luôn tay; khi ngủ rất khó khăn, hay trằn trọc, nói mơ; diễn đạt không trôi chảy, chữ đầu câu hay nói lắp. Chị Minh Hà luôn cố gắng động viên, nhắc nhở con nhưng con vẫn không tiến bộ. Chị lo, không biết tình trạng của con có ảnh hưởng đến tương lai sau này?

Cha mẹ nên chơi đùa với con, chơi các trò chơi giao tiếp, dành thời gian dạy và chơi với con. Ảnh minh họa internet.

Trẻ con luôn hiếu động, tuy nhiên, nhiều cha mẹ không phân biệt được hiếu động ở mức nào thì được coi là bình thường, còn mức nào thì bị coi là rối loạn tâm lý, tăng động giảm chú ý. Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm Rồng Việt, Vũng Tàu), tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường hiếu động quá mức và khả năng tập trung kém nên dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Cách thử đơn giản để biết trẻ có bị tăng động giảm chú ý không là xem trẻ thích chơi trò gì thì cho trẻ chơi trò chơi đó, nếu trẻ có thể chơi trên 10 phút, hay nói chung là làm bất cứ điều gì mà trẻ thích trên 10 phút (nghịch cát, vẽ linh tinh, chơi ô tô, xếp hình…) thì đó là “bệnh nghịch ngợm, hiếu động”.

Còn nếu có những dấu hiệu sau: “Trẻ không thể tập trung vào bất cứ việc gì (học và chơi đùa) quá 5 phút. Trẻ vận động, di chuyển thường xuyên, không thể ngồi yên trên 5 phút. Tính khí rất bốc đồng, dễ thay đổi; trí nhớ kém; thường tỏ ra ương bướng; kém tự trọng; gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp; có những rối loạn về giấc ngủ; tỏ ra thèm ăn hoặc ngược lại, chán ăn hay chỉ ăn những gì trẻ thích; có những khó khăn về ngôn ngữ” thì có khả năng là có tình trạng tăng động - giảm chú ý, cần đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán, đánh giá mức độ (nặng - nhẹ) rồi đưa ra các biện pháp ứng xử, điều trị phù hợp”.  

Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là nên chơi đùa với con, chơi các trò chơi giao tiếp, dành thời gian dạy con, cho con vận động thoải mái trong một thời gian nào đó... Điều này không những làm gia tăng sự thoải mái, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn mà còn giúp cho trẻ phát triển nhiều về EQ (chỉ số cảm xúc). 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm