Cha mẹ ‘nô lệ’ và những đứa con không chịu lớn

18/07/2019 - 10:48
Quá chiều chuộng con hoặc muốn con chỉ biết “gọi dạ bảo vâng” không ít cha mẹ đã biến mình thành 'nô lệ' cho con, mà không biết rằng làm vậy là hại con.

Con ngoan quá cũng… khổ!

Bà Hà Vi (Bình Thạnh, TP.HCM) vốn rất hài lòng vế đứa con gái cưng – Vi Vi – từ nhỏ đã được rèn luyện thói quen “mẹ muốn sao con cũng làm theo ý mẹ”. Mẫu người nhu mì, dễ bảo của Vi Vi càng được mẹ ra sức uốn nắn để em út còn noi theo.

Độ ngoan ngoãn của cô con gái luôn khiến mẹ mình hãnh diện. Dù rất muốn mang áo quần xì - tin như bạn bè cùng lứa, nhưng do mẹ không hài lòng nên Vi Vi cũng đành ngậm ngùi. Tuy nhiên, đến khi con ở độ tuổi “băm đi băm lại” mà vẫn lẻ bóng vì không có người đàn ông nào Vi Vi đưa về ra mắt mà vừa ý mẹ thì bà Hà Vi lại rầu rĩ, sợ con gái ế chồng. Bà Hà Vi có lúc phải than thở: “Đúng là có con ngoan quá cũng khổ!”

Khổ vì con không muốn “cai sữa”!

Ngân An (Q. Gò Vấp, TP.HCM) nước mắt ngắn dài tâm sự: “Em lấy phải người chồng trẻ con đến khổ sở. Động đến việc gì anh ấy cũng bảo để anh hỏi mẹ đã. Cha mẹ em mua cho căn nhà mà anh không dám ra ở riêng cùng vợ vì không biết xoay xở thế nào. Càng ngày Ngân An có cảm giác cô lấy chồng chỉ để sinh con cho gia đình chồng, chứ không phải cùng chồng chia sẻ những nỗi niềm cuộc sống.

Mẹ chồng em an ủi: “Từ nhỏ tới giờ, chồng con chỉ biết lẽo đẽo quanh quẩn sau chân mẹ, nhờ thế mà nó rất ngoan, không hị hư hỏng. Con thương mẹ, cố gắng chấp nhận nó”. Nhìn thấy mẹ chồng phục vụ con mà Ngân An ngán ngẩm đến tận cổ. Chẳng lẽ cuộc đời cô sẽ gắn mãi với người con mãi mãi tuổi lên… ba này?”. 

Ngày nay, các bậc cha mẹ luôn phải chịu một áp lực vô hình. Gánh nặng nuôi dưỡng, giáo dục khiến cho tinh thần, tâm lý của họ vận hành quá tải, dù có chịu đựng được hay không họ cũng phải gánh lấy nó. Khi con bé bỏng, cha mẹ lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của con, cùng với rất nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Đến khi con lớn lên, cha mẹ lại phải chú ý đến vấn đề học tập và các mối quan hệ của chúng. Có không ít đứa con chỉ vì ngoan ngoãn quá, nên khi cha mẹ đến tuổi già mới nhận ra mình sai lầm, vì con không thể một ngày “sống thiếu sự chỉ bảo của cha mẹ”.

Trong tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, cha mẹ cần mẫn làm việc, bắt nhịp thời đại, còn phải không ngừng trau dồi tri thức, nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao địa vị của bản thân. Ngoài tám tiếng đó ra, cha mẹ dành toàn bộ thời gian cho con, bóp hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào nhà trẻ tư thục, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con, cha mẹ giống như "máy in tiền" thực thụ để con chi tiêu không biết suy nghĩ.

nuong-chieu-con-cai.jpg
Các bậc cha mẹ càng muốn con cái ngoan ngoãn, dễ bảo sẽ tự biến mình thành nô lệ của con, càng có khả năng tạo ra "thế hệ ăn bám" đúng nghĩa - Ảnh minh họa

 

Hễ thấy con bị chèn ép, cha mẹ lập tức ra mặt làm máy bay trực thăng bay lượn trên đầu con không để cho con phải chịu một chút uất ức. Các bậc cha mẹ làm "nô lệ của con" xuất phát từ tình yêu thương con cái vô bờ bến nhưng trên thực tế, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sinh tồn của con, kết quả là vừa làm hại con vừa rước khổ cho mình.

Các bậc cha mẹ càng muốn con cái ngoan ngoãn, dễ bảo sẽ tự biến mình thành nô lệ của con, càng có khả năng tạo ra "thế hệ ăn bám" đúng nghĩa. Rất nhiều bậc cha mẹ nói rằng, yêu con bao nhiêu cũng không đủ, họ cứ nghĩ cho con vào trường học tốt nhất, cung cấp những dưỡng chất tốt nhất, xây dựng lô cốt an toàn nhất, là chắc chắn sẽ tạo nên anh tài, tuấn kiệt.

Một số bậc cha mẹ nghiễm nhiên tự biến mình thành 'nô lệ' cho con, họ nhiệt tình phục dịch con không công đến hết cuộc đời. Kết quả người khổ nhất vẫn là cha mẹ và sau đó là đứa con, người không có cơ hội để 'trưởng thành'.

Giải phóng nhau

Những đứa trẻ dù yếu đuối, nhút nhát đến đâu cũng có những thời điểm bộc lộ ý muốn của mình. Cha mẹ đừng tước đi quyền được tự lập, chủ động của con. Tùy vào kiểu khí chất khác nhau của con linh hoạt hay ưu tư, bình thản hay nóng nảy để cha mẹ xây dựng chương trình giáo dục, dạy dỗ con lối suy nghĩ và hành động tự lập riêng. Tuyệt đối không được dựa vào nỗi sợ của con để ép buộc con phải ngoan một cách thụ động. Cha mẹ không thể ăn đời ở kiếp với con nên hãy giúp trẻ biết chủ động trong cuộc sống cũng là cách để giải phóng con cũng như bản thân.

500px-ky-luat-mot-dua-tre-buong-binh.jpg
Cha mẹ nào cũng băn khoăn “Làm sao để con vừa ngoan ngoãn, biết gọi dạ bảo vâng, lại vừa biết độc lập, tự chủ?” - Ảnh minh họa

 

Một vấn đề mà cha mẹ nào cũng băn khoăn là: “Làm sao để con vừa ngoan ngoãn, biết gọi dạ bảo vâng, lại vừa biết độc lập, tự chủ?”. Cho dù đó là điều mâu thuẫn, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều đứa trẻ vừa ngoan, lễ phép vừa lại biết tự chủ cuộc sống của mình. Do đó, các bậc phụ huynh hãy trao cho con cơ hội lựa chọn thái độ và cách sống theo sự định hướng của mình. Luôn trao đổi với con nhiều phương án và cho trẻ lựa chọn kiểu phù hợp với mình hơn. Dạy trẻ tự lập ngay từ tuổi đi mẫu giáo như tự lựa chọn áo quần, tự vệ sinh những thao tác đơn giản… khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, chúng sẽ chủ động, độc lập hơn, không còn phụ thuộc dựa dẫm vào cha mẹ một cách thái quá nữa. Nếu gia đình thấy trẻ không dám tự quyết định, cha mẹ nên bình tĩnh, kiên trì theo con, phát hiện ra nỗi lo lắng của con để cùng nhau tháo gỡ và giúp con vượt qua.

Đối với những đứa con đã vào tuổi trưởng thành mà vẫn chưa thể tự quyết, cha mẹ cũng nên mạnh dạn xử lý bằng cách “tách riêng” ra khỏi môi trường quản lý của người lớn. Chẳng hạn, trường hợp vợ chồng chị Ngân An nên ra ở riêng, anh chồng nên tập cách tổ chức cuộc sống và chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ và hành động của mình. Anh ta có thể hỏi ý kiến mẹ, trao đổi thêm với vợ, nhưng phải tự đưa ra các quyết định. Chắc chắn không tránh khỏi những va vấp, sai lầm dẫn đến thất bại, nhưng đó là những bài học kinh nghiệm.

Cha mẹ chồng chị Ngân An cũng nên chấm dứt dần việc suy nghĩ và quyết định thay con, mà đòi hỏi con trai phải tự lo toan cho tổ ấm nhỏ của mình và có trách nhiệm hơn với cha mẹ già. Khi đã trưởng thành mới rèn thói quen sống tự lập thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, vì thế cần sự động viên, chia sẻ kịp thời để những người này không bị hẫng hụt và mang tâm lý bị đẩy ra rìa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm