Cha mẹ sai lầm khiến con bị thủy đậu nặng hơn

01/04/2017 - 10:53
Khi trẻ bị thủy đậu, nhiều phụ huynh vì quá lo lắng, chưa tìm hiểu kỹ mà tự điều trị nên đã mắc phải một số sai lầm khiến bé nặng hơn, thậm chí tử vong.
Mới đây, bé Nguyễn Trung Đức (4 tháng tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã bị nhiễm độc toàn thân phải vào BV Nhi TƯ Cấp cứu. Nguyên nhân là bởi khi phát hiện con bị thủy đậu, mẹ bé đã dùng nước lá tắm cho con. Sau khi tắm, bé bị lở loét toàn thân, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, quấy khóc liên tục do tổn thương vùng miệng khiến bé không thể bú mẹ. 

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trường khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), cho biết, đó chỉ là một trong số những sai lầm mà phụ huynh mắc phải khi chăm sóc bé bị thủy đậu. Nhiều trẻ khi bị thủy đậu, thay vì đưa bé đến BV kiểm tra, phụ huynh đã tự điều trị cho con theo hiểu biết của mình. Không ít trong số đó trẻ đã bị bệnh nặng hơn. Bác sĩ Cường cho biết, những sai lầm mà phụ huynh thường gặp phải khi chăm sóc con bị thủy đậu, cụ thể:
 
Tắm nước lá: Khi bé bị thủy đậu, nhiều phụ huynh thường lấy các loại lá về tắm cho bé. Tuy nhiên, da bé rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, chỉ bằng 1/5 da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm. Ngoài ra, hơn 90% các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó, các loại lá do mọc ở bờ bụi bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn là rất cao.
ban-da-biet-benh-thuy-dau-la-gi-chua.jpg
Khi trẻ bị thủy đậu, phụ huynh không nên tắm nước lá cho bé vì trẻ có thể bị nhiễm độc
Uống gốc lúa: Thủy đậu (còn gọi lại trái rạ). Một số phụ huynh cho rằng, gốc rạ (gốc lúa) và trái rạ có liên quan với nhau nên dùng gốc rạ nấu nước cho trẻ tắm hoặc uống. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu và gốc rạ không có mối liên quan nào. Hơn nữa, gốc rạ chẳng những không điều trị được bệnh mà còn có nguy cơ khiến người bệnh bị nhiễm trùng hoặc chậm trễ điều trị bằng những phương pháp đúng.

Kiêng tắm rửa: Nhiều phụ huynh khi thấy con bị bệnh thủy đậu thì kiêng nước, không cho con tắm rửa. Thực tế, nhiều trẻ vì kiêng quá kỹ dẫn đến nhiễm trùng ở các vết mụn nước (do ngứa, gãi nhiều dẫn đến xước, các mụn nước bong vẩy sớm). Khi bị nhiễm trùng nặng, virus sẽ tấn công vào bên trong cơ thể qua chỗ da xước, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Bôi quá nhiều Xanh methylen: Khi thấy con bị thủy đậu, nhiều phụ huynh đã bôi Xanh methylen chi chít vào các nốt phỏng của con. Có người còn chọc cho nốt phỏng vỡ ra và bôi thuốc vào để “diệt tận gốc”. Tuy nhiên, bác sĩ Cường cho biết khi nốt phỏng chưa vỡ, bôi thuốc là không cần thiết, trẻ không thích vì nhem nhuốc, thậm chí còn gãi thêm.

Ăn kiêng: Khi con bị bệnh thủy đậu, nhiều bậc phụ huynh áp dụng chế độ ăn uống của con kiêng khem rất khắt khe. Tuy nhiên, chính lúc này trẻ cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C và kẽm… để nâng cao hệ miễn dịch.

Nghĩ nốt phỏng mọc càng nhiều càng tốt: Một số phụ huynh cho rằng, bé bị thủy đậu thì phải nổi nhiều bóng nước mới tốt. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, sức đề kháng của trẻ yếu thì trẻ mới bị nổi nhiều. Bệnh này bóng nước nổi càng ít càng tốt. Vì vậy, phụ huynh cần điều trị sớm để không nổi nhiều bóng nước.

Cách kiêng cho con khi bị bệnh thủy đậu:

- Kiêng chỗ đông người để giúp người bệnh ổn định, không lây nhiễm các loại bệnh khác, vì sức đề kháng lúc này rất kém; đồng thời tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh.

- Không sờ, gãi mụn nước, làm vỡ các mụn nước, để tránh để lại sẹo và lây lan sang các vùng da xung quanh.

- Kiêng đồ nếp, đồ tanh vì những thực phẩm này có thể làm các nốt mụn sưng tấy nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và chất cay nóng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm