Thứ nhất, có thể do cha mẹ quá thiên vị và kỳ vọng vào thế mạnh của một đứa con trong gia đình. Khi những đứa trẻ còn lại nhìn thấy sự ưu ái nhiều hơn của cha mẹ dành cho anh (chị/em), nó sẽ cảm thấy mình bị lạc lõng hoặc thiếu đi sự gần gũi của người lớn. Nó sẽ có những phản ứng từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ tùy theo tính cách, suy nghĩ, độ tuổi.
Vì thế, cách cư xử thiếu công bằng, gây áp lực của cha mẹ sẽ vô hình trung làm cho ranh giới giữa các anh chị em càng xa nhau.
Tương tự, chỉ cần một đứa trẻ nào đó trong gia đình được bênh vực, quan tâm, chăm sóc nhiều hơn sẽ làm nảy sinh tính đố kỵ ở những đứa trẻ khác - căn nguyên, gốc rễ của sự xung đột giữa các trẻ. Cha mẹ đừng vội trách con so đo với cả anh em trong nhà, mà cần phải thay đổi cách tác động với các con để đừng gieo những ý nghĩ và thái độ nhỏ nhen khi chúng còn nhỏ.
Việc cưng chiều, bảo bọc đứa con này, hoặc so sánh các con mình, đề cao đứa này trước mặt đứa khác hoặc là phân chia việc nhà, phần thưởng giữa các đứa trẻ thiếu sự công bằng... cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ xung đột nhau.
Ngoài ra, tất cả những xích mích, cãi vã giữa các bé chỉ đơn giản vì chúng chưa biết cách làm thế nào để giải quyết vấn đề riêng tư và hòa nhập, thích ứng với nhau.
Vì thế, để giảm bớt những cuộc xung khắc giữa anh chị em ruột là cha mẹ xem lại cách ứng xử và thay đổi cho phù hợp với việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục giữa các con hợp lý. Đồng thời, cha mẹ cần dạy con cách giải quyết các xung khắc giữa anh chị em, trên cơ sở đó hình thành cho trẻ kỹ năng xử lý các vấn đề của mình.
8 cách kéo sự đồng thuận của con trẻ
- Cần có sự thay đổi: Không bậc cha mẹ nào có thể hoàn hảo, nhất là trong cách cư xử với các con. Hãy nhanh chóng nhận ra vấn đề này và cố thay đổi theo chiều hướng tích cực.
- Can thiệp đúng thời điểm: Nếu có xích mích, hãy can thiệp khi các cảm xúc đang dâng cao trước khi cuộc cãi vã leo thang. Dùng bất cứ những lời nói nào có tác dụng nhất để trấn an mọi người. Nếu cần, tách các trẻ ra cho tới khi chúng bình tĩnh và có thể giảng hòa.
- Rèn trẻ kỹ năng biểu đạt vấn đề: Sau khi trẻ đã nguôi ngoai, gọi chúng đến trình bày ý kiến của mình về những gì đã xảy ra. Cha mẹ giữ vai trò là trọng tài để làm sáng tỏ các vấn đề. Qua đây, rèn cho trẻ kỹ năng dàn xếp và giải quyết vấn đề để nếu sau này có xích mích, chúng cũng sẽ tự giải quyết.
- Quan tâm và phát triển sở trường của từng trẻ: Chẳng hạn, trẻ vượt trội về môn bóng đá, hãy cung cấp bóng, giày thể thao, quần áo phù hợp và tạo điều kiện cho trẻ được tham gia câu lạc bộ đá bóng để khẳng định sở trường. Nhìn nhận năng khiếu, thế mạnh của mỗi đứa trẻ và phát huy chúng, làm tăng thêm lòng tự trọng của con sẽ giúp trẻ không ghen tỵ, đấu đá nhau mà chỉ tập trung phát triển sở trường của mình.
- Chia sẻ nỗi niềm với mỗi trẻ: Do trẻ muốn được cha mẹ quan tâm mình nhiều hơn anh chị em khác, nên cha mẹ cần bộc lộ thái độ cảm thông với những điều đã làm tổn thương đến trẻ.
- Khuyến khích quan hệ tình bạn bên ngoài: Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng, anh chị em ruột là phải thân thiết hơn tất cả các mối quan hệ khác. Tuy nhiên, trẻ con suy nghĩ chưa được sâu sắc, thấu đáo và thực tế mỗi trẻ cần có một nhóm bạn riêng và các mối quan hệ thân thiết khác ngoài gia đình. Đây là cách để trẻ học giữ cân bằng cảm xúc trong các mối quan hệ của mình.
- Khích lệ trẻ hợp tác: Nếu nhìn thấy các con yêu thương, chia sẻ nhau trên tinh thần hợp tác, hãy thể hiện cho chúng thấy cha mẹ rất tự hào về thái độ của chúng. Nếu trẻ biết cha mẹ đánh giá cao cách ứng xử của mình, chúng sẽ có khuynh hướng lặp lại nhiều lần thái độ và cách ứng xử đó. Dần dần trở thành thói quen và có nhu cầu quan tâm, bao bọc, chia sẻ với nhau.
- Dành thời gian cho mỗi trẻ: Cha mẹ hãy khéo léo tranh thủ dành riêng thời gian cho từng đứa để chúng thấy mình quan trọng và luôn được cha mẹ yêu thương. Hãy nói với con một cách chân thành rằng, dù cha mẹ có cách tác động đến mỗi con khác nhau nhưng tình yêu thương cha mẹ dành cho các con là không có sự phân biệt, hơn - thua, nhiều - ít...