pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ thường gặp sai lầm gì khi cho con ăn dặm?
Ảnh minh họa
Chia sẻ tại tọa đàm "Thấu hiểu cơ thể con để nuôi con cao lớn hơn" diễn ra ở TPHCM ngày 3/1, BS CKI Trần Văn Công cho biết, thực tế cho thấy có nhiều ông bố, bà mẹ bối rối không biết thời điểm nào thì thích hợp để cho con ăn dặm.
Theo bác sĩ Công, giai đoạn cho trẻ ăn dặm phụ hợp là khi trẻ từ 4-6 tháng tuổi, không trễ hơn 8 tháng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, thời điểm cho trẻ ăn dặm không chỉ hoàn toàn dựa vào tuổi mà còn phải dựa vào sự sẵn sàng, sự phát triển về kỹ năng tâm thần vận động của em bé. Trong đó, bé phải tự ngồi hoặc ngồi được dưới sự kiểm soát của bố mẹ; bé có khả năng bốc đồ ăn…
Cũng theo bác sĩ, việc cho con ăn dặm theo phương pháp nào, về lý thuyết các bố mẹ thường nắm rất vững nhưng thực tế mỗi đứa trẻ lại rất khác nhau. Trên hành trình này, thậm chí nhiều ông bố bà mẹ còn mắc phải những sai lầm thường gặp như sợ con ăn không đủ sẽ bị suy dinh dưỡng. Từ đó dẫn đến những hành động có thể gây hại như ép ăn, nuông chiều hoặc lạm dụng thuốc bổ.
Bên cạnh đó, trong quá trình ăn dặm, trẻ thường trải qua rất nhiều giai đoạn biếng ăn, từ biếng ăn sinh lý đến mọc răng, chích ngừa, bệnh… "Các mẹ rất sợ giai đoạn này con sẽ không ăn đủ, con sẽ bị suy dinh dưỡng; đặc biệt khi bị bệnh con không ăn được sẽ không đủ sức chống lại bệnh tật. Từ đó sẽ dẫn đến nuông chiều hoặc là ép ăn", bác sĩ Công chia sẻ.
TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết, khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian đầu, các bậc cha mẹ cần phải hết sức kiên trì. Điều quan trọng là phải đảm bảo được những nguyên tắc căn bản như đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn, tạo được thói quen ăn uống tốt.
Cũng theo bác sĩ Thùy Dương, 1.000 ngày đầu đời được coi là quãng thời gian vàng, quyết định sự phát triển của trẻ sau này. Một chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp cho trẻ trong thời gian này sẽ là nền tảng vững chắc cho trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt nên các yếu tố về gen di truyền, dinh dưỡng, giáo dục, gia đình sẽ ảnh hưởng lên quá trình hình thành nhân cách và phát triển của trẻ một cách khác nhau.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ y sinh, xét nghiệm gen là một công cụ giúp phụ huynh hiểu con một cách chính xác và khoa học, từ đó tự tin hơn trong quá trình nuôi con đặc biệt là 1.000 ngày đầu đời.
Ví dụ dị ứng đạm sữa là dị ứng phổ biến ở trẻ nhỏ, liên quan đến sự thay đổi của các gen TLR1, TLR6, IL10. Trẻ có thể không ăn được thực phẩm làm từ sữa bò, chẳng hạn sữa, sữa chua, kem, bơ hoặc dị ứng với các loại sữa khác như sữa cừu, dê...
BS.CKI Trần Văn Công chia sẻ thêm, sau khi xét nghiệm gen cho con và phát hiện những tính trạng khác biệt như nhạy cảm vị đắng, dị ứng đạm sữa…, phụ huynh không cần tránh các loại thực phẩm đó hoàn toàn vì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Thay vào đó, khi biết con nhạy cảm với vị đắng, phụ huynh có thể cho con ăn dặm với vị ngọt trước, rồi đến vị đắng sau, theo cấp độ đắng từ ít đến nhiều.