Hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh đi du học ở mọi lứa tuổi, có những du học sinh 36 tuổi, chị Nguyễn Hồng Thư (Giám đốc Nhật ngữ tin học Redbook) rất tâm đắc khi học viên của mình tự lập, chủ động giải quyết việc của mình và biết cảm ơn, xin lỗi. Tiếp xúc nhiều với văn hóa Nhật Bản, chị Thư khâm phục cách người Nhật dạy con: Việc của mình mà không làm, phải phiền tới người khác chính là đã gây ra sự phiền toái. Vậy làm sao để trẻ Việt Nam hiểu được điều này?
Chị Hồng Thư chia sẻ:
Trong số hơn 200 học sinh của tôi, rất nhiều em mắc sai lầm lớn ở chỗ, các em mặc định những ai liên quan tới việc học tập của các em tại Việt Nam hoặc Nhật Bản là phải làm mọi việc cho các em. Vì mặc định như thế nên hễ ai không làm thì các bạn ‘giãy nảy’ lên, hễ ai giúp mình các bạn lại cho đó là đương nhiên, không hề cảm ơn, hàm ơn trong đầu mình về người đã giúp mình. Ví dụ, khi các bạn qua bên Nhật, bạn phải làm rất nhiều giấy tờ tùy thân cá nhân. Nhưng trường bên Nhật sợ các bạn không biết tiếng, họ cử một nhân viên đi theo để hỗ trợ, bạn mặc nhiên thấy đó là chuyện thường vì nghĩ ‘tôi đã đóng học phí nên phải giúp là nghĩa vụ của họ’.
Cha mẹ Việt 'đừng sống giùm con' (Nguồn: metro.co.uk) |
Chúng tôi giải thích như thế nào các bạn cũng không hiểu được, vì chính cha mẹ đã làm cho các bạn nghĩ rằng cha mẹ sẽ lo tất tần tật. Hôm trước, chúng tôi vừa tổ chức tiệc liên hoan mừng các bạn sẽ có chuyến du học vào tháng 4. Có 3 bà mẹ dứt khoát xin được tham gia. Họ như vậy bởi vì họ bất an vì con gái mình. Phải chi các con còn nhỏ, nhưng các con đã 26, 27 tuổi mà mẹ vẫn đi theo. Nhìn thấy mẹ là con "lỉnh ra" chỗ khác ngồi vì mắc cỡ.
Mẹ ngồi ở đây để làm quen với các phụ huynh khác, để qua ‘bên đó’ con của những phụ huynh đó giúp cho con của họ. Tại sao chúng ta không tự làm việc riêng của mình mà lại trông cậy người khác làm cho mình? Nếu người khác không làm cho mình thì lại hờn dỗi trách cứ là trường vô tâm chứ không quan tâm tới các em. Các em hầu như không nghĩ rằng đó là phần việc lẽ ra mình phải đảm trách.
Bởi vậy càng những phụ huynh có con nhỏ, càng dễ uốn nắn. Chúng ta hãy ưu tiên dạy con rằng, những gì liên quan đến bản thân con thì con có nghĩa vụ tự làm vì điều này rất quan trọng. Sau này nếu có người thấy con làm vất vả, họ giúp con thì con phải cảm ơn họ. Dạy con biết xin lỗi, cảm ơn từ những tình huống thực tế. Nếu cha mẹ không dạy mà luôn làm giúp con sẽ khiến con ỉ lại mãi mãi, con sẽ lớn lên trong sự ích kỷ, dựa dẫm.
Trẻ em Việt đa phần được dạy rất lạ: Thường thì các em ngại những chuyện không đáng ngại. Chẳng hạn tôi dặn học sinh rất cẩn thận rằng khi qua bên trường Nhật nếu có vấn đề gì khó khăn hãy đến trao đổi với những người có trách nhiệm, để họ giúp. Các em qua đó ngại không chịu trao đổi, trong khi việc em tự làm gây kết quả đáng ngại cho nhà trường thì em lại không thấy ngại.
Trong câu chuyện về đập đá thủy điện Danhim (Lâm Đồng) nhiều năm trước, khi những kỹ sư Nhật Bản vô ý trong kỹ thuật làm chết người, họ đã tự vẫn. Họ coi đó là tội lỗi không thể tha thứ được vì đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Người Nhật có tinh thần trách nhiệm từ những câu chuyện nhỏ đời thường khi dạy trẻ: Việc của con con phải tự làm thay vì nhờ người khác. Nếu con phiền tới người khác, con phải cúi đầu xin lỗi. Người Việt khi nghe xong câu chuyện này sẽ nhận xét là hành động của những kỹ sư Nhật là cực đoan khi phải tìm đến cái chết.
Cuối cùng, cha mẹ cần thấy rằng, nếu cho con tinh thần tự lập, sau này con sẽ trách nhiệm và chủ động trong cuộc sống. Nếu muốn con cái trưởng thành, cha mẹ đừng ‘sống giùm con’ quá nhiều!
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Hồng Thư |