So sánh con với những trẻ khác
Nhiều ông bố, bà mẹ có thói quen so sánh các con với nhau hoặc so sánh con mình với bạn bè của con. Thực tế, việc làm này rất dễ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Dần dần, trẻ có thể hình thành tâm lý tự ti, oán giận vì nghĩ rằng mình thực sự kém cỏi.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình, cha mẹ đừng nên so sánh trẻ với nhau để tránh làm tổn thương trẻ. Thay vào đó, hãy động viên con khám phá thế mạnh của bản thân và phát huy sở trường của mình.
Phớt lờ câu hỏi của trẻ
Trẻ nhỏ đang ở giai đoạn tìm hiểu và khám phá thế giới nên việc chúng thường xuyên đưa ra những câu hỏi là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng thờ ơ, trả lời qua loa hoặc thậm chí là phớt là những câu hỏi của trẻ. Nếu bạn thường xuyên lặp lại thái độ này thì trẻ sẽ cảm thấy tủi thân và có cảm giác như mình không được cha mẹ quan tâm. Theo thời gian, trẻ có thể nảy sinh tâm lý ngại hỏi, ngại tìm tòi.
Hãy luôn nhớ rằng, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của trẻ, là người kích thích sự tư duy, tìm tòi của trẻ. Thực tế thì không phải lúc nào bạn cũng phải trả lời ngay những câu hỏi của con, bạn có thể tạo cho trẻ cơ hội suy nghĩ bằng cách hỏi lại: “Vậy thì con hiểu thế nào?”. Điều quan trọng, bạn hãy là người tương tác và trò chuyện với con để giúp trẻ khám phá, học hỏi và mở rộng sự hiểu biết.
Nói rằng con làm cha/mẹ thất vọng
Trẻ rất dễ bị tổn thương tâm lý nếu thường xuyên bị cha mẹ chì chiết vô cớ. Ảnh minh họa: theo Xã luận |
“Con làm cha mẹ rất thất vọng” là câu nói cửa miệng của không ít bậc phụ huynh khi trẻ làm điều gì đó sai hoặc cư xử không đúng. Họ cho rằng nói vậy sẽ giúp con có động lực để sửa sai và trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, câu nói này rất dễ làm tổn thương cảm xúc của trẻ. Có thể bản thân trẻ đã nhận ra việc mình làm là chưa đúng và thất vọng về chính mình, khi đó câu nói: “Con làm cha mẹ rất thất vọng” chẳng những không tạo động lực cho trẻ thay đổi mà khiến chúng thêm tự ti, mặc cảm.
Trong thực tế cuộc sống, không thể tránh được những lúc trẻ mắc lỗi. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ thông minh luôn biết cách giúp con hiểu được việc làm của chúng vì sao sai và làm thế nào để sửa sai. Hãy giúp con đứng dậy từ chính sai lầm của mình.
Trút giận lên trẻ
Chồng bạn về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ và bắt đầu trút giận lên vợ. Bạn ôm trong lòng một “cục tức” rồi tiếp tục xả sang con. Con trẻ là thành viên nhỏ nhất trong gia đình vốn cần được thương yêu thì bỗng nhiên trở thành “bia đỡ đạn” của chính cha mẹ mình.
Mặc dù hầu hết các bậc phụ huynh đều không có ý định làm tổn thương con mình. Tuy nhiên, khi đang giận dữ thì bạn thường không kiềm chế được cảm xúc. Bạn dễ dàng la mắng con bởi những chuyện không đâu rồi sau đó lại cảm thấy hối hận vì hành vi của mình.
Lần tới, nếu bạn cảm thấy bực bội về một ai đấy hoặc một việc gì đó, hãy cho bản thân thời gian để bình tĩnh lại thay vì “giận cá chém thớt”. Trẻ cần từ cha mẹ tình yêu thương vô điều kiện và hãy là tấm gương cho trẻ về cách cư xử đúng mực.