Bà Nha chăm sóc chồng tại bệnh viện
Sài Gòn cuối tháng 3, mùa cao điểm của những ngày nắng nóng, trong phòng bệnh của khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, bà Nguyễn Thị Nha (vợ ông Đỉnh) tỉ mẩn kiểm tra lại từng thứ trong chiếc túi vải đã ngả màu. Quần áo, bàn chải đánh răng, khăn mặt, thuốc cao huyết áp… Như chợt nhớ ra điều gì, bà Nha chạy ra góc giường, lấy chiếc bịch nylon lỉnh kỉnh những mì gói, cháo ăn liền và một chiếc quạt giấy. Bà bảo: “Ổng mới mổ xong hôm qua, thằng Tư vừa từ quê mang thêm đồ cho tui với ổng. Thức ăn ở trên này mắc gấp bao nhiêu lần dưới quê, ăn tiết kiệm cũng hết cả trăm ngàn mỗi ngày mà vẫn không đủ no. Tui dặn sắp nhỏ gửi mì gói với cháo lên ăn đỡ”. Vừa nói, bà Nha vừa xếp từng thứ vô chiếc tủ inox cạnh đầu giường.
Đưa bàn tay nhằng nhịt những dây truyền dịch để lên trán, ông Đỉnh nhớ lại: “Tui có triệu chứng đau đầu và chóng mặt từ ngày mùng 1 Tết vừa qua. Tui không nghĩ là mình đang mắc bệnh gì nên chỉ nằm ở nhà và nghĩ có lẽ đấy là những triệu chứng của tuổi già. Sau đó, những cơn đau đầu kèm chóng mặt xuất hiện nhiều hơn, tiếp theo là ù lỗ tai, huyết áp tăng, khó thở và thỉnh thoàng tui thấy xung quanh tối sầm lại. Tui uống thuốc huyết áp nhưng không hạ, các con đưa tui vô nhập viện ở TP Bến Tre. Nằm đó điều trị 1 tuần, họ cũng không tìm ra bệnh, bác sĩ gợi ý tui nên đi Sài Gòn khám tổng quát. Sau khi làm vài xét nghiệm, họ nói tui bị Hẹp động mạch cảnh nặng, cần nhập viện để chỉ định ngày phẫu thuật. Cho đến bây giờ tui cũng không biết đây là bệnh gì”.
Nghe chồng kể, bà Nha cũng góp chuyện: “12 năm trước, ổng đã phải nhập viện để mổ khối u ở ruột. Hàng chục triệu đồng phải đi mượn cho lần đó vừa trả hết. Cứ nghĩ chắc sẽ được yên ổn mà làm ăn đến cuối đời, chưa kịp vui thì ai ngờ ổng lại đổ bệnh lần nữa”. Cũng theo bà Nha, sau khi chồng bà phải nhập viện chỉ vì “những cơn đau đầu lạ”, con trai của ông bà đã phải xin công ty cho nghỉ làm không thời hạn để lên thành phố với ba mẹ. “Cả đời đi mần thuê nên đâu có dư tiền. Hôm cả nhà quyết định đi thành phố, con trai tui phải ghé công ty xin ứng trước lương để có tiền đi. Nó xin nghỉ cũng đã 1 tuần, tới khi ổng được xuất viện, nó phải lai lưng làm trả nợ. Nghĩ tội sắp nhỏ ghê”, bà Nha nén tiếng thở dài.
Hy vọng là lần nằm viện cuối cùng!
Thấy vợ hí húi, ông Đỉnh lật mình rồi ra hiệu cho bà Nha kê chiếc gối vào sát mép giường để ông ngồi dậy. Theo lời kể của bà, sau lần mổ khối u, sức khỏe của ông không còn được như trước, nhưng ông vẫn có thể cùng vợ tiếp tục làm thuê tại các xưởng chế biến dừa khô. “Con cái cũng nhiều, mỗi đứa đều có gia đình riêng. Tui với bả ở riêng cho thoải mái, sáng dậy là vợ chồng đi tách vỏ dừa khô cho người ta, mỗi quả chỉ được có một trăm đồng. Làm cật lực từ sang tới tối, hai vợ chồng kiếm được hơn trăm ngàn, nghĩa là mỗi ngày phải tách trên một ngàn quả dừa khô. Tách miết từ bao nhiêu năm, tay tui, tay bả đều chai hết cả”, ông Đỉnh cười buồn.
Kể về những nguy cơ có thể dẫn tới căn bệnh Hẹp động mạch cảnh, ông Đỉnh thật thà: “Tui cũng không biết tại sao lại mắc bệnh này. Trước đây, khi chưa bị khối u, tui có hút thuốc và uống rượu. Nhưng từ sau lần phải nhập viện điều trị, tui bỏ luôn. Những năm gần đây tui bị cao huyết áp, nhưng tui có uống thuốc điều trị do bác sĩ kê. Mình lớn tuổi, lại ở quê, ăn uống còn phải chạy từng bữa thì làm gì có điều kiện để tìm hiểu về sức khỏe với bệnh tật”.
Ông Đỉnh miên man kể lại những câu chuyện về cuộc sống của 2 vợ chồng từ khi còn trẻ cho tới lúc đã “bước sang dốc bên kia của cuộc đời” mà vẫn không thoát khỏi kiếp chạy ăn từng bữa, chưa mua nổi một công ruộng để có thể thoát khỏi kiếp làm thuê. Lúc này, y tá lại gần giường ra hiệu đã đến giờ chích thuốc. Đưa bàn tay ngang dọc sẹo và sần sùi những vết chai về phía mũi kim, ông Đỉnh nhắm mắt, gồng người lên rồi nhìn vợ: “Tui ngán cảnh này quá. Hy vọng đây là lần nằm viện cuối cùng trong đời!”.
Bác sĩ Lê Thanh Phong (Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) Động mạch cảnh trong là một động mạch nằm ở vùng cổ, đi lên não và có nhiệm vụ mang qxy cần thiết đến nuôi dưỡng não. Khi động mạch cảnh bị hẹp, máu lên não không đủ sẽ gây thiếu máu não. Mặt khác, mảng xơ vữa hay cục máu đông từ chỗ hẹp động mạch cảnh có thể trôi lên não, làm tắc mạch não, gây đột quị. Hẹp động mạch cảnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch như: Hút thuốc lá, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, có bệnh tắc động mạch ở các vùng khác của cơ thể như tắc động mạch chi, hẹp động mạch vành nuôi tim... Bệnh có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng báo trước và bất ngờ gây nên đột quị hoặc có những triệu chứng báo trước được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua như: mù một bên mắt; khó nói hoặc không nói được; yếu liệt chân tay hoặc nửa người, cảm giác dị cảm, tê ở đầu ngón tay chân... Các dấu hiệu này hồi phục sớm trong 24 giờ và không để lại di chứng. Ngoài ra có những biểu hiện khác như đau đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, ngất... Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, đột quị hay nhồi máu não, gây tàn phế ở các mức độ khác nhau hoặc nặng có thể tử vong. Hẹp động mạch cảnh gây triệu chứng thiếu máu não thoáng qua hay nhồi máu não cần được chỉ định mổ. Điều trị bằng phẫu thuật sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ đột quị và tử vong so với điều trị bằng thuốc đơn thuần. Phương pháp đặt stent chỉ nên áp dụng cho một số ít bệnh nhân không đủ sức khỏe để mổ, vì theo nghiên cứu, nếu đặt stent tỉ lệ biến chứng nhồi máu não cao hơn và kết quả lâu dài không như mong đợi với tỉ lệ tái hẹp cao hơn gấp 3 lần so với mổ hở. Các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ hay có cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đã bị đột quị nhưng có hồi phục, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh và phải siêu âm Doppler động mạch cảnh. Nếu phát hiện bị hẹp động mạch cảnh, bệnh nhân cần được chuyển đến các trung tâm phẫu thuật mạch máu để được điều trị sớm nhằm ngăn ngừa nguy cơ đột quị gây tàn phế và tử vong. |