pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Chăm con cho mẹ đi làm" hỗ trợ phụ nữ có con bị bại não
Chị Đinh Thị Lan Anh và các tình nguyện viên nhí của lớp học
"Từ khi đến lớp, cháu nhanh nhẹn hơn"
Là 1 trong 2 giáo viên cốt cán ở lớp chăm sóc trẻ bại não thể nặng và đặc biệt nặng (thuộc Dự án "Chăm con cho mẹ đi làm") có địa chỉ tại số 1074 La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Nguyễn Vũ Thị Thủy cũng là một người mẹ có con bị bại não.
Trước khi tham gia lớp học này, chị phải ở bên con 24/24h, thời gian dành cho bản thân hầu như không có. Quãng thời gian hơn 10 năm chăm sóc con bị bại não là một hành trình đầy gian khó đối với chị.
"Khi tôi sinh con, tháng đầu, cháu vẫn bình thường nhưng đến tháng thứ 2 thì không có phản xạ gì, gọi cũng không phản ứng. Đến tháng thứ 3, cháu không lẫy, không đỡ được cổ, đầu và đến tháng thứ 10 thì bị run tay, run chân. Gia đình đã cố gắng chạy chữa cho cháu nhưng tình hình không được cải thiện. Hiện cháu chỉ ngồi một chỗ", chị Thủy cho biết.
Để chăm con, chị Thủy đành xin nghỉ làm cũng như gác lại những dự định khác của mình. Khi biết đến dự án "Chăm con cho mẹ đi làm", chị liền đến đăng ký gửi con rồi trở thành một trong những giáo viên của lớp.
Chị Thủy tâm sự: "Bản thân là một người mẹ có con bị bại não, tôi hiểu những người mẹ có khát khao được làm công việc mà mình yêu thích, được ra ngoài hòa nhập với xã hội. Nhưng tìm lớp để gửi con thì không ai nhận trông, nếu để con ở nhà thì người mẹ không yên tâm. Vì vậy, tôi muốn góp sức mình tham gia dự án, bởi những người đồng cảnh dễ chia sẻ với nhau hơn, lại có kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bại não".
Gửi trẻ ở lớp học được hơn một năm nay, chị Bùi Thanh Hằng, một nhân viên văn phòng, đã đi làm trở lại. Chị Hằng cho biết, khi chưa biết đến dự án "Chăm con cho mẹ đi làm", chị thường nhờ mẹ đẻ trông con giúp nhưng bất kể đi đâu, chị đều thấy không yên tâm, phải thu xếp để nhanh chóng về nhà. Từ khi gửi con ở dự án, chị đã có thể đi làm và yên tâm tập trung cho công việc.
"Từ khi đến lớp, cháu rất ngoan. Có môi trường mới, cháu nhanh nhẹn hơn, đáp ứng câu chuyện, giao tiếp, học theo anh chị trong lớp. Tôi nhận thấy từng sự thay đổi ở con, qua ánh mắt và sự phát triển khả năng giao tiếp. Tôi rất mừng", chị Hằng chia sẻ.
Vào mùa hè, ngoài cô giáo, lớp còn có gần 10 tình nguyện viên. Đây là những em học sinh đến để đọc truyện, phụ cô giáo chăm sóc các anh, chị. Các em luân phiên, chia nhóm 2-3 người/ngày, trải đều trong tuần.
"Tặng mẹ phút giây không có con"
Đó là slogan của lớp học "Chăm con cho mẹ đi làm" ở Hà Nội, thể hiện thông điệp sẻ chia với những người mẹ có con bị bại não khi họ gần như không có thời gian dành cho bản thân cũng như nhịp sống bình thường như bao người mẹ khác.
Bại não là một dạng khuyết tật vận động nặng trong các dạng khuyết tật. Theo số liệu của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, hơn 95% số trẻ bại não là thành viên của Hội (gần 4.500 trẻ). Các em cần có sự hỗ trợ hoàn toàn từ người chăm sóc trong các sinh hoạt thường ngày.
Chính vì vậy, cuộc sống của những người mẹ có con bị bại não dường như chỉ quẩn quanh với những công việc chăm sóc: cho ăn, làm vệ sinh cá nhân, đưa con đi điều trị. Với mong muốn san sẻ nỗi vất vả của các gia đình có con bị bại não, để các mẹ được hưởng nhịp sống bình thường như bao người mẹ khác, dự án "Chăm con cho mẹ đi làm" được Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam triển khai từ tháng 1/2023.
Chị Đinh Thị Lan Anh, người sáng lập dự án đồng thời là Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, cho biết, dự án hoạt động theo mô hình các mẹ thay phiên nhau trông con để những người còn lại có thời gian đi làm. Có nhiều mẹ làm tình nguyện viên. Số lượng học viên ở lớp là khoảng 10 bé, có 2 cô chăm sóc cùng các mẹ và các tình nguyện viên.
Theo chị Lan Anh, hành trình chăm sóc trẻ bại não là một chặng đường dài, đòi hỏi sức bền của người chăm sóc. "Mô hình này giúp giảm gánh nặng, tiếp sức cho các mẹ để họ được dừng chân nghỉ, tái tạo năng lượng rồi đi tiếp. Nhiều phụ huynh cho con đến đây để họ có thể đi làm, tăng thêm thu nhập. Buổi sáng, phụ huynh có thể gửi con, chiều đón con về, cho con đi tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Hiện tại, lớp học đang miễn phí hoàn toàn", chị Lan Anh cho biết.
Trước đây, chị Lan Anh là giảng viên của một trường đại học. Bản thân chị cũng là một người mẹ có con bị bại não. Vì vậy, chị thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người có con bị bại não. Theo người sáng lập dự án, mặc dù hoạt động hiệu quả từ năm 2023 đến nay nhưng dự án vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn hỗ trợ xã hội không có nhiều.
Các đơn vị tài trợ theo năm, theo gói. "Nếu có kinh phí thì dự án có thể đào tạo, thuê giáo viên trông trẻ vào ngày cuối tuần. Hiện nay, chúng tôi chưa làm được điều đó. Ở nước ngoài, những mô hình như thế này có thể trông trẻ được 1-2 tuần. Đồng hành cùng con không phải là ngày một ngày hai. Cha mẹ có con bị bại não cần có thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục đi cùng con cả đời", chị Lan Anh bày tỏ.
Hiện nay, dự án đang phát triển thêm cơ sở ở TPHCM, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đắk Lắk. Hy vọng, thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương để những người có con bị bại não bớt đi phần nào khó khăn, vất vả.