Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào để quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả?

HNL
26/12/2020 - 08:25
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào để quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả?
Sau khi bị đột quỵ có thể gặp một số di chứng, lúc này vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Hiểu biết về đột quỵ cũng như cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng.

Để việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cũng như việc phục hồi được hiệu quả, người nhà cần chú ý loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não, ngăn ngừa tái phát của bệnh như hút thuốc, tăng huyết áp, thói quen ăn mặn... Vậy cần phải chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào cho đúng?

1. Đặt tư thế nằm là lưu ý quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ 

Người bệnh cần được đặt ở tư thế đúng để giảm bớt sự co cứng, đề phòng biến dạng khớp. Có các tư thế đặt bệnh nhân sau:

Nằm ngửa:

Vai và hông bên liệt được kê gối mềm, khớp gối gập nhẹ; cổ chân được kê vuông góc với cẳng chân để tránh biến dạng gập bàn chân về phía lòng bàn chân.

Nằm nghiêng sang bên liệt:

 Vai bên liệt gập, cánh tay duỗi vuông góc với thân, thân mình nửa ngửa, chân liệt duỗi. Tay lành để trên thân hoặc gối đỡ phía lưng, chân lành gập ở háng và gối.

Nằm nghiêng sang bên lành:

 Vai và cánh tay bên lành để tự do. Chân lành để duỗi. Thân mình vuông góc với mặt giường. Tay liệt có gối đỡ để vuông góc với thân. Chân liệt có gối đỡ ở tư thế gập háng và gối.

  • Tham khảo thêm

    Di chứng sau đột quỵ: Có thể bị liệt vận động hoàn toàn

2. Cách lăn trở người bị đột quỵ

Nên hướng dẫn để người bệnh tự lăn trở, nếu khó khăn trong giai đoạn đầu người nhà có thể hỗ trợ người bệnh lăn trở, cách hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ lăn trở như sau:

- Lăn sang bên liệt:

 Nâng tay và chân lành lên. Đưa chân và tay lành về phía bên liệt. Xoay thân mình sang bên liệt.

- Lăn sang bên lành: 

Làm các động tác theo trình tự sau đây: Cài tay lành vào tay liệt. Giúp người bệnh, gập gối và háng bên liệt. Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành. Đẩy hông người bệnh xoay sang bên lành.

3. Hỗ trợ ngồi dậy là cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

Ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa:

Người nhà ngồi bên cạnh người bệnh. Người bệnh bám hai tay vào cánh tay của người thân. Một tay người nhà quàng và đỡ vai người bệnh. Đỡ người bệnh ngồi dậy từ từ.

Ngồi dậy từ tư thế nằm nghiêng: 

− Cách thứ nhất: Người bệnh nằm nghiêng về phía bên liệt, chân trên gập. Người nhà ngồi phía sau người bệnh. Một tay đỡ vai dưới, tay kia đỡ vai trên người bệnh. Người bệnh chống tay khoẻ để ngồi lên, trong khi người nhà nâng người bệnh nhân dậy. 

− Cách thứ hai: Người bệnh nằm nghiêng bên lành cạnh mép giường. Chân lành luồn dưới gót chân liệt đưa chân liệt ra ngoài mép giường. Thả cả hai chân xuống dưới cạnh giường. 

Chống khuỷu tay lành lên mặt giường, duỗi tay lành để đẩy thân mình ngồi lên. Khi đó người nhà đỡ vai dưới để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ ngồi dậy.

4. Những lưu ý khác khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

- Cửa đi cần mở đủ rộng để xe lăn qua được dễ dàng, đặc biệt là cửa thông phòng, cửa vào khu vệ sinh và bếp. Lối đi qua những cửa này không nên có bậc để xe lăn có thể qua được. 

- Chỗ ngồi để tắm có thể dùng một ghế tựa, đặt gần vòi nước cho dễ sử dụng. Khi tắm, người khuyết tật có thể dùng một que dài buộc vào rối cọ để kỳ cọ phần thân thể bên liệt.

- Nếu trong nhà không có bệ vệ sinh có thể chuyển bệ vệ sinh xổm thành loại bệt cho người bệnh dễ sử dụng. Trong trường hợp không có điều kiện lắp đặt, có thể dùng một ghế tựa đục lỗ ở giữa. Bệnh nhân ngồi trên ghế và đặt bô hoặc xô chứa dưới gầm ghế.

- Sau tai biến, người bệnh thường bị rối loạn cảm xúc như: trầm cảm, không ham muốn, thiếu động cơ tập luyện, không cố gắng. Do vậy, tuỳ theo tâm lý mà người nhà có cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ thích hợp. Hỗ trợ, nâng đỡ, động viên họ, giúp họ tham gia tích cực vào việc tập luyện và phục hồi chức năng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm