Chăm sóc người dưng, bỏ quên người thân

12/09/2015 - 15:52
Đồ công nghệ, mạng ảo khiến cuộc sống trở nên thuận tiện, thú vị hơn nhưng dường như nó đang dần trở thành kẻ thù âm thầm đáng sợ đối với tình cảm, hạnh phúc trong mỗi gia đình.

Chủ nhật tuần này, Thanh Tâm dậy muộn hơn thường lệ vì thức xem trận bóng đá quốc tế cùng ông xã đến gần 3 giờ sáng.

Rón rén ra khỏi phòng ngủ trong lúc ông xã vẫn say sưa trong giấc nồng, Thanh Tâm quyết định phần còn lại của buổi sáng hôm nay sẽ chỉ dành để chăm chút lại mấy chậu cây cảnh đang bị xuống cấp bởi cái nắng dữ dội của mấy ngày đầu hè. Đến công đoạn Thanh Tâm ưa thích nhất là tưới cây thì chuông điện thoại vang lên.

 Đồ công nghệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình hiện đại (Ảnh minh họa)

Đầu dây bên kia là một phụ nữ có giọng nói rất mệt mỏi. Chị cho biết mình đang ốm khá nặng. Tuy nhiên, khi Thanh Tâm gạn hỏi thì chị bảo thực ra chị cũng không biết mình bị bệnh gì, chỉ thấy luôn có cảm giác rã rời, đêm không ngủ được ngày thì lúc nào cũng uể oải, trống ngực luôn đập dồn dập. Theo sự hiểu biết của Thanh Tâm, chị ấy đang bị stress nặng, có thể gần đến mức trầm cảm. Căn bệnh này rất cần sự chia sẻ của những người xung quanh, đặc biệt là người thân. Vậy thì người thân, chồng và con của chị đang ở đâu lúc này? Họ ở trên “phây”. Câu trả lời của chị khiến Thanh Tâm giật mình, tưởng như đang gặp một ca mê sảng. Nhưng chị ấy tiếp tục nói, giọng bắt đầu có chút khí sắc, không bị hụt hơi như lúc vào đầu câu chuyện. Thì ra từ nhiều năm nay, nhà chị là một hình mẫu tiêu biểu của gia đình thời công nghệ. Vợ chồng mỗi người đều có máy tính bảng, điện thoại thông minh, có trang facebook riêng. Hai đứa con trai cũng được trang bị đủ các đồ công nghệ từ khi bắt đầu vào cấp 2. Mọi việc trong nhà hầu như khoán trọn cho người giúp việc. Vì thế sinh hoạt chung duy nhất của cả gia đình chỉ tập trung vào bữa cơm tối. Nhưng nhiều khi cũng mỗi người một máy, để cập nhật “phây”, có khi cả hai vợ chồng cùng “úp” một bức ảnh gần giống nhau “báo cáo phây” là nhà tôi đang ăn món gì.

Tuy nhiên, chị dần nhận ra facebook đang làm mất quá nhiều thời gian lẽ ra để dành cho những việc có ích hơn, vả lại công việc của chị cũng không cho phép “chơi phây” liên tục như vậy. Trái lại, chồng chị ngày càng nghiện nặng hơn. Sáng sáng, việc đầu tiên của anh là vớ ngay cái điện thoại, “úp” hình ly cà phê hay hoa lá gì đó “chào buổi sáng các bạn bè FB của tôi”. Buổi sáng mọi việc đều cần phải làm khẩn trương để còn kịp cho con ăn, chở con đi học nhưng anh cứ… vô tư như thế nên không muốn con bị phạt đứng ngoài cổng trường vì muộn học, chị đành chở cả hai đứa đến trường.

Công việc vất vả, cộng với những nỗi ấm ức từ những việc nhỏ nhặt như thế cứ dồn nén, đến một ngày chị lăn ra ốm. Lập tức chị được rất nhiều người hỏi thăm. Thì ra ông chồng quý hóa đã tung ngay lên “phây” về việc chị bị ốm, còn hỏi mọi người cách trị bệnh cho chị. Hơn thế, ngày nào anh cũng chúc vợ chóng khỏe trên… “phây” khiến thiên hạ râm ran là chị được chồng yêu quá thể. Ai biết rằng, mọi sự ân cần của anh chỉ dừng lại trên “phây”, còn bên ngoài anh chỉ hỏi han chị rất sơ sài. Mọi việc chăm sóc chị đều do một tay osin đảm nhận. Cả hai đứa con cũng chỉ hỏi mẹ qua quít lúc đi học về, rồi lủi ngay vào phòng riêng, chờ đến đúng bữa cơm mới ra ngoài. Nằm buồn một mình, chị đâm nghĩ ngợi nhiều, nên trong người ngày càng yếu mệt hơn.

Thanh Tâm vừa thương vừa giận người phụ nữ này. Chị đang phải gánh hậu quả sự thiếu hiểu biết của chính mình. Phụ nữ chính là người làm nên cái không khí ấm áp trong mỗi gia đình nhỏ. Vì nhiều lẽ, chị đã không tạo dựng được điều đó cho gia đình mình, để mặc cái “ảo” lấn át. Lâu dần, sự hấp dẫn của thế giới công nghệ đã cuốn cả chồng và con chị vào quỹ đạo của nó, biến họ trở thành những con người vô cảm với cả những người thân yêu nhất. Mặc dù phiền muộn về điều đó nhưng chị lại không có một biện pháp nào để thay đổi.

Biết rằng, để “cai nghiện” cho chồng và con chị là rất khó, nhưng Thanh Tâm khuyên chị hãy bình tĩnh thực hiện dần từng bước, để “lôi” họ trở về đời thường. Bằng thái độ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, chị cần nói chuyện nghiêm túc với chồng mình và sau đó cùng thống nhất “lộ trình” sinh hoạt mới của gia đình. Điều trước tiên là bữa cơm sum họp cả nhà không ai được “làm việc riêng”. Phải có những hoạt động chung, gây hứng thú cho cả nhà như đi chơi ở những trang trại ngoại thành, tham gia các hoạt động từ thiện, đi thăm các bảo tàng, cùng đi xem phim… Đôi khi, cả nhà cùng xúm lại để cùng làm một mẻ bánh pizza hay cùng đi cà phê trong buổi sáng cuối tuần cũng là cơ hội rất tốt để các thành viên cảm thấy gắn bó với nhau hơn, biết quan tâm và chăm sóc người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm