pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ như thế nào mới đúng cách?
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, các triệu chứng gây khó chịu nên thường quấy khóc. Chính vì vậy việc hiểu rõ những cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, phòng tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến thị lực của trẻ.
1. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Tìm hiểu biện pháp chăm sóc khi trẻ bị đau mắt đỏ đúng cách với những biện pháp dưới đây:
1.1. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý
Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% hằng ngày là một phương pháp tốt giúp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ ở trẻ. Phụ huynh có thể thực hiện nhỏ mắt cho trẻ từ 6 đến 7 lần 1 ngày.
Bên cạnh đó, nếu trẻ bị bệnh, người thân trong gia đình có thể nhỏ mắt từ 4 đến 5 lần một ngày để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ lây lan. Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi thành viên dùng riêng một lọ nước muối sinh lý khác nhau, không dùng chung kể cả những người không có bệnh.
1.2. Vệ sinh mắt cho trẻ
Bên cạnh nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, cha mẹ cũng có thể vệ sinh mắt cho trẻ mỗi ngày để làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm ở mắt. Để vệ sinh mắt cho trẻ hằng ngày, phụ huynh có thể thực hiện như sau:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi nhỏ mắt cho trẻ.
- Chuẩn bị 2 miếng gạc vô khuẩn sử dụng cho 2 mắt và nước muối sinh lý.
- Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt.
- Sau đó lau mặt lại cho trẻ bằng khăn ấm.
Có thể thực hiện vệ sinh mắt cho trẻ 3 lần vào sáng, trưa, tối sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý nên sử dụng khăn riêng cho trẻ và giặt sạch, phơi khô sau mỗi lần dùng.
1.3. Một số lưu ý khác khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Trẻ bị đau mắt đỏ thường rất khó chịu, quấy khóc, vì thế để cho trẻ nhanh khỏi và giảm khó chịu cho trẻ mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Giặt sạch và phơi khô đồ dùng của trẻ như chăn ga gối, khăn mặt.
- Khăn lau mắt, lau mặt và lau người cho trẻ nên là 3 khăn khác nhau.
- Nếu bé đang đi học, nên cho bé nghỉ học để tránh bệnh lây lan thành dịch.
- Nên hạn chế cho trẻ ra đường để tránh khói bụi vào mắt.
- Lau ghèn thường xuyên, không để ghèn bám nhiều lên mắt gây khó chịu, cộm ngứa cho trẻ. Nên lấy ghèn lúc ướt, tránh để ghèn khô mới lấy sẽ khiến trẻ đau rát.
- Cho bé ăn uống thêm các loại trái cây để giúp tăng sức đề kháng. Nếu bé đang bú mẹ, cho bé bú càng nhiều càng tốt.
- Không cho trẻ tiếp xúc với các loại màn hình điện tử, đọc sách báo để giúp mắt nghỉ ngơi.
- Tuyệt đối không chữa đau mắt đỏ cho trẻ bằng phương pháp dân gian như đắp lá, nhỏ sữa mẹ vào mắt.
- Nếu sau 1, 2 ngày điều trị ở nhà mà bé vẫn không khỏi, cha mẹ cần phải đưa bé đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị.
2. Xây dựng chế độ ăn uống tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Đau mắt đỏ ở trẻ em là một căn bệnh truyền nhiễm ở mắt do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị. Các biện pháp điều trị chỉ nhằm mục đích giảm triệu chứng và sự khó chịu do bệnh gây ra.
Vì vậy, để có thể điều trị và phòng tránh bệnh đau mắt đỏ ở trẻ đạt hiệu quả cao nhất, cần chú ý nhiều hơn tới chế độ ăn uống để có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi sức đề kháng của cơ thể yếu, trẻ sẽ mệt mỏi, uể oải tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh.
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nên có nhiều rau củ quả để tăng hàm lượng vitamin cần thiết. Đối với trẻ đang bú mẹ, nên cho trẻ bú càng nhiều càng tốt khi bé bị đau mắt đỏ.
Ngoài ra nếu đang cho bé bú, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giúp gia tăng sức đề kháng cho bản thân. Qua đó gián tiếp tăng sức đề kháng cho trẻ qua sữa mẹ.