Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý gì để tình trạng bệnh không tăng nặng?

Châu Anh
21/12/2022 - 11:22
Viêm tai giữa là tình trạng niêm mạc tai bị xung huyết và hóa mủ. Bệnh gia tăng thường là do bệnh viêm mũi họng, thường gặp ở trẻ nhỏ nên cần điều trị đúng cách, tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt sau này.

Trẻ em thường bị ốm trong mùa lạnh do hệ miễn dịch chưa được phát triển và trang bị đầy đủ. Trong đó cảm lạnh thông thường là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tai giữa phổ biến ở trẻ. Theo ước tính, có khoảng hơn 200 loại virus cảm lạnh và chúng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ. 

Sự viêm nhiễm bắt đầu từ viêm họng, viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp sau đó lan lên tai chiếm tới 98% các ca viêm tai giữa ở trẻ.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý gì để tình trạng bệnh không tăng nặng?

Đau tai là dấu hiệu chính của viêm tai giữa. Ngoài ra trẻ cũng có thể bị sốt, khó ngăn, ngủ khó do thay đổi áp suất tai gây ra quấy khóc. Thậm chí, nếu áp lực từ sự tích tụ chất lỏng này đủ cao có thể gây ra thủng màng nhĩ và chảy dịch từ tai. Khi trẻ bị thủng màng nhỉ, biểu hiện có thể thấy là trẻ bị chóng mặt, buồn nôn, có tiếng chuông hoặc tiếng ù trong tai.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý gì để tình trạng bệnh không tăng nặng? - Ảnh 1.

Đau tai là dấu hiệu chính của viêm tai giữa (Ảnh: Internet)

Khi trẻ bị chẩn đoán viêm tai giữa, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc để trẻ nhanh phục hồi và tránh các biến chứng tăng nặng do chăm sóc không đúng cách. Cụ thể:

1. Không tự ý sử dụng kháng sinh

Tùy vào loại viêm tai giữa, mức độ nghiêm trọng cũng như các yếu tố tăng nguy cơ liên quan mà lựa chọn điều trị sẽ khác nhau ở mỗi trẻ. Không phải trẻ nào bị viêm tai giữa cũng phải điều trị bằng kháng sinh. Bởi hầu hết các nhiễm trùng tai có thể tự khỏi, bác sĩ sẽ xem xét dùng thuốc giảm đau trong vài ngày nếu nhiễm trùng không nghiêm trọng.

Ngoài ra thì việc lạm dụng kháng sinh cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ và tăng nguy cơ kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Trong trường hợp bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, liệu trình thường kéo dài 10 ngày. Với trẻ lớn trên 6 tuổi không bị viêm nặng có thể có thời gian điều trị ngắn hơn từ 5 - 7 ngày. Nếu tai viêm kèm chảy dịch thì thuốc nhỏ tai bằng kháng sinh cũng có thể cần thiết.

Vì thế mà dù có hoặc không điều trị bằng kháng sinh, bạn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu bằng cách cho con bạn uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt khi cần thiết. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên sử dụng thuốc nhỏ tai giảm đau miễn là màng nhĩ của trẻ không bị thủng.

2. Để trẻ tránh xa khói thuốc

Khi trong nhà có trẻ bị nhiễm trùng tai, điều quan trọng là để trẻ tránh xa các loại khói thuốc lá và cả khói đốt lò sưởi bởi điều này có xu hướng khiến các triệu chứng kéo dài hơn.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý gì để tình trạng bệnh không tăng nặng? - Ảnh 3.

Tiếp xúc với các loại khói thuốc lá và lò sưởi có thể khiến tình trạng viêm tai giữa ở trẻ nghiêm trọng hơn (Ảnh: Internet)

3. Vệ sinh tai, mũi và họng cẩn thận

Như đã nói ở trên, đa phần viêm tai giữa ở trẻ xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng, viêm mũi rồi lan lên tai. Vì thế mà vệ sinh tai mũi họng cho trẻ sạch sẽ là đặc biệt cần thiết.

- Đối với tai

Nếu như tai trẻ bị chảy mủ, dịch thì cần làm sạch tai cho trẻ bằng tăm bông nhẹ nhàng ở bên ngoài, không đưa tăm bông vào sâu trong tai bởi có thể khiến tổn thương tăng nặng. Tuyệt đối không lấy bông bịt tai để ngăn dịch/mủ thoát ra ngoài.

Bạn có nên vệ sinh tai cho trẻ bằng nước muối sinh lý không? 

Câu trả lời là KHÔNG. Khi triệu chứng đau tại xuất hiện nghĩa là đã có viêm nhiễm thì nước muối sinh lý ít hỗ trợ nên không có tác dụng diệt khuẩn mà chỉ có vai trò làm sạch và trôi vi khuẩn trên bề mặt mà thôi.

- Đối với mũi

Để tình trạng dịch tai giữa giảm bớt thì việc rửa mũi hàng ngày cho trẻ cũng quan trọng để giảm nghẹt, tắc mũi, hạn chế được các tiến triển xấu của viêm tai giữa. Nếu trời lạnh, cha mẹ cần ngâm ấm nước muối sinh lý trước khi nhỏ để trẻ không bị kích ứng do lạnh. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, có thể sử dụng thêm thuốc co mạch như otrivin để làm thông mũi giúp việc hút rửa mũi được dễ dàng hơn.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý gì để tình trạng bệnh không tăng nặng? - Ảnh 4.

Để tình trạng dịch tai giữa giảm bớt thì việc rửa mũi hàng ngày cho trẻ cũng quan trọng để giảm nghẹt, tắc mũi, hạn chế được các tiến triển xấu của viêm tai giữa (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, không nên tự bơm rửa mũi cho trẻ, đặc biệt là sử dụng xi lanh bơm. Nếu muốn rửa mũi cho trẻ, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ rửa mũi chuyên dụng và có sự tư vấn từ bác sĩ về cách thức thực hiện bởi nếu không rửa đúng cách, áp lực từ bình rửa có thể khiến ống tai đã tổn thương của trẻ tổn thương nặng nề hơn thậm chí là bị sặc dịch. Ngoài ra, không rửa mũi khi trẻ vừa ăn no hay khi đang ngủ.

- Đối với họng

Trẻ sơ sinh, nhất là trẻ bú sữa mẹ cần được rơ miệng; trẻ nhỏ cần vệ sinh miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn họng phù hợp hàng ngày.

4. Có chế độ ăn uống hợp lý

Do cơn đau tai khiến trẻ quấy khóc, ngủ kém, chán ăn và cáu kỉnh nên dễ mệt mỏi. Cha mẹ nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đa dạng và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp hay cảm lạnh dễ mất nước nên cũng cần cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày, có thể là nước lọc, nước canh (súp) hoặc nước hoa quả. Với trẻ đang bú mẹ thì tăng lượng sữa hàng ngày.

5. Khi nào cần cho trẻ thăm khám bác sĩ?

Các trường hợp viêm tai giữa kéo dài hoặc nghiêm trọng lặp đi lặp lại có thể gây biến chứng (mặc dù hiếm). Vì vậy mà trẻ bị đau tai, cảm giác đầy - ù tai kèm theo sốt, trẻ li bì, bỏ ăn, bỏ chơi, nôn mửa hoặc tiêu chảy thì nên được thăm khám bác sĩ sớm nếu không thuyên giảm sau vài ngày. Đặc biệt với trẻ từng bị viêm tai giữa trước đây.

Một số nguyên nhân khác có thể khiến trẻ bị đau tai như có dị vật trong tai, mọc răng hoặc ráy tai bị cứng. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và có can thiệp phù hợp.

Nhìn chung, khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, giữ vệ sinh tai - mũi - họng cho con cẩn thận, không tự ý sử dụng các loại thuốc không được chỉ định. Nếu trẻ bị viêm tai giữa kèm theo sốt thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau để hỗ trợ.

Nguồn: Health
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm