Chặn "kẻ hại não" tấn công

26/08/2015 - 17:21
Ước tính Việt Nam có gần 20% dân số mắc viêm xoang. Theo Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 15 - 18 triệu bệnh nhân viêm mũi xoang phải đến chữa trị tại các cơ sở y tế

Viêm xoang có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt là hay tái phát trong những ngày lạnh, thời tiết giao mùa. 

Nguyên nhân do lúc này thời tiết hanh khô, niêm mạc mũi dễ bị khô. Bên cạnh đó, nhiều dị nguyên gây dự ứng như bụi, khói, phấn hoa… xuất hiện, khiến số người bị viêm mũi dị ứng tăng cao. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị dứt điểm thì dễ chuyển thành bệnh viêm xoang. Ngoài ra, trời lạnh còn khiến viêm xoang dễ tái phát và tiến triển nặng.

Theo Tiến sĩ Phạm Bích Đào, phòng khám Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, xoang mũi là cơ quan đảm nhận chức năng làm ấm, làm ẩm, làm sạch và điều hòa không khí trước khi đưa vào phổi. Thông thường, ở người khỏe mạnh, các chất xuất tiết trong xoang được đẩy ra ngoài qua lỗ thông mũi xoang nên tránh được tình trạng ứ đọng dịch gây viêm nhiễm xoang. Vào ngày lạnh, do yếu tố thời tiết bất lợi lẫn tác nhân gây bệnh gia tăng, nhiều người dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp… Khi mắc những bệnh trên, xoang sẽ bị tắc nghẽn, viêm, phù nề, khiến sự lưu thông không khí giữa các xoang bị ứ trệ, dịch nhầy theo đó đọng lại trong xoang. Điều này gây sung huyết mạch máu xoang và nhiễm trùng xoang.

Hại não nếu không điều trị dứt điểm

Theo các chuyên gia y tế, viêm xoang nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe não, mờ mắt, viêm màng não… Do đó, khi có các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi… cần kịp thời điều trị, tránh để viêm mũi kéo dài, dẫn đến viêm xoang. Ngoài ra, sau khi bị viêm mũi, họng mà có biểu hiện đau đầu, đau nhức vùng má, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh một số biến chứng nguy hiểm của viêm xoang.

Để phòng viêm xoang và tránh bệnh tái phát trong mùa lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, vùng mặt và chân; vệ sinh hốc mũi hằng ngày bằng cách nhỏ 2-3 giọt nước muối hoặc nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi; đeo khẩu trang khi đi đường và làm việc trong môi trường khói bụi hoặc có hóa chất; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ…

Nên tập thể dục hằng ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và đường hô hấp; làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; hạn chế ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn, nếu không có việc cần thiết. Do hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên thông với nhau nên vệ sinh răng miệng và họng hằng ngày bằng cách đánh răng trước khi đi ngủ và sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối loãng cũng là biện pháp phòng, tránh viêm họng ảnh hưởng tới xoang mũi. Mặt khác, cần tránh một số tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, hóa chất… để hạn chế viêm mũi dị ứng, lâu dần có thể dẫn đến viêm xoang.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm