Chăn nuôi tổng hợp - hướng mới cho phụ nữ nông thôn

PV
29/10/2022 - 13:53
Chăn nuôi tổng hợp - hướng mới cho phụ nữ nông thôn

Ao cá của gia đình chị Giang

"Nếu chăn nuôi thì phải làm có quy mô lớn, phòng bệnh tốt, như vậy gia súc, gia cầm mới tăng trường và phát triển. Từ đó, kinh tế gia đình mới đi lên. Còn chăn nuôi nhỏ lẻ vài con gà, con lợn thì chỉ mang tính tự cấp, tự túc", chị Giang chia sẻ.

Dám nghĩ, dám làm

Mô hình chăn nuôi tổng hợp đã và đang được nhiều hội viên, phụ nữ huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) lựa chọn. Bởi lẽ mô hình này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nhiều gia đình hội viên. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn thì hầu như gia đình nào cũng từng chăn nuôi, trồng trọt. Cũng nhờ đó, nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Giang (xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa). 

Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp, chị Giang cho biết, sau khi kết hôn, thu nhập của vợ chồng chị chỉ trông vào vài sào ruộng. Ngoài ra, gia đình chị cũng chăn nuôi thêm vài con lợn, con gà để duy trì cuộc sống.  

Tuy nhiên, chị Giang nghĩ rằng, nếu cứ làm như vậy thì chỉ đủ đủ ăn, không thể làm giàu được. Đó là chưa kể những lúc dịch bệnh, lợn gà chết thì có nguy cơ mất trắng. Chị tâm niệm, nếu chăn nuôi thì phải làm có quy mô lớn, phòng bệnh tốt thì gia súc, gia cầm mới lớn nhanh, kinh tế dần phát triển. 

Nghĩ là làm, năm 2019, chị bàn với chồng mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Ngoài ra, chị còn đào ao nuôi cá trê phi, nuôi ốc nhồi thương phẩm.

"Ban đầu chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm trong quá trình chăn nuôi nên dần mang lại hiệu quả cao hơn. Thấy trên báo đài đưa tin nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi nhờ phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, tôi cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô để phát triển kinh tế của gia đình mình", chị Giang chia sẻ.

Để có nguồn thức ăn ổn định cho trâu bò, vợ chồng chị tận dụng đất bờ, vạt nương trồng cỏ voi, tăng gia sản xuất thêm vụ 3 trồng cây ngô làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng mùa Đông, gia đình chị thực hiện tích trữ rơm, cỏ, lá ngô và ủ chua làm thức ăn cho trâu bò. 

Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh, chị luôn phải tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước về kinh nghiệm; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Mặt khác, chị chủ động trong việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại.

Chăn nuôi tổng hợp, hướng mới cho phụ nữ nông thôn - Ảnh 1.

Chị Giang đang chăm sóc đàn lợn

Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Giang phát triển với trên 40 con trâu, bò thịt; trên 1.000 con gà; 50 con lợn và 6 sào nuôi cá trê phi, ốc nhồi thương phẩm.

Trong quá trình chăn nuôi, chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua đọc sách báo, nghe đài, xem tivi, qua các lớp tập huấn kỹ thuật tại địa phương. Do àm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Vì thế, thu nhập trên bình quân mỗi năm gia đình chị thu về trên 400 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Chị Giang chia sẻ: "Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân và gia đình. Ở địa phương chúng tôi, muốn làm nghề nông thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng. Quan trọng hơn là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương mình.

Tích cực tham gia hoạt động Hội

Ngoài việc phát triển kinh tế của gia đình, chị Giang còn là hội viên phụ nữ tích cực. Chị nhiệt tình tham gia hoạt động Hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các chị em trong xã kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.

Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội, chị đã vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chị Bùi Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Áng (huyện Hạ Hòa), cho biết, chị Nguyễn Thị Giang là một hội viên trẻ, năng động, chăm chỉ, chịu khó. Đặc biệt, chị Giang luôn chủ động tìm tòi, học hỏi để có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu từ nghề nông. Vì thế, chị Giang xứng đáng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Giang không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên, phụ nữ và người dân trong xã học tập, làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Giang đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm