Chàng 'hậu vệ' vững chân của tổ ấm

02/10/2015 - 09:05
Tôi không hiểu vì sao Đức lại thích ôm quá nhiều việc vào mình như vậy, trong khi tài chính của gia đình dư sức để thuê người giúp việc…

Kể từ ngày lên chức, buổi sáng tỉnh giấc, tôi đã thôi thói quen biếng lười co ro trong chiếc chăn ấm áp thêm vài phút. Đến công ty, bao giờ cũng thế, tôi luôn có cảm giác những ánh mắt đang xét nét mình và như chỉ chờ 1 lần tôi phạm lỗi nhỏ thì chuyện có thể sẽ to bự lên. Có thể là do tôi nhạy cảm quá nhưng cẩn trọng không bao giờ là thừa.

10 năm cho một hành trình nỗ lực để tôi có thể leo lên được chức phó giám đốc của một công ty có tiếng trong thành phố không phải là điều dễ dàng. Tôi đã hơi e dè vào ngày nhậm chức, bởi tôi không muốn việc mình thăng chức trở thành áp lực đeo đẳng Đức sau này. Vì anh chỉ là một đầu bếp. Song, Đức bảo anh tự hào về tôi. Tôi vui vì điều đó.

 Anh là hậu phương vững chắc nhất của tôi. Ảnh minh họa.

Bữa nay tôi dậy rất sớm, ghé qua quán café gọi một cốc nâu nóng trước khi đến công ty. Đức là bếp trưởng trong một nhà hàng sang trọng và thường thì 8h30 anh mới rời khỏi nhà. Anh đảm nhận việc đưa bé Bông đi học, tôi sẽ đón con bé về nhà sau giờ tan sở. Tôi chuẩn bị bữa tối và chờ Đức.

Thế nhưng từ ngày tôi lên chức, công việc bận rộn hơn, những cuộc gặp gỡ đối tác dày đặc hơn khiến tôi không đủ thời gian để lo toan cho tổ ấm của mình. Có lần, tôi quên cả việc đón bé Bông vì cuộc họp quan trọng ở công ty. Đức phải bỏ dở việc ở nhà hàng để đón con bé. Đó cũng là lần đầu tiên anh nổi cáu với tôi.

- Em nghĩ, chúng ta cần một người giúp việc. Nếu không, em chẳng thể chắc chắn rằng chuyện hôm nay sẽ không tái diễn. Anh biết đấy, em quá bận.

- Từ mai, anh sẽ đón bé Bông.

Mẹ tôi bảo, việc nhà tôi không nhiều, gần như chỉ bận một chút vào buổi tối và chiều đón bé Bông, thuê người giúp việc có đáng không? Vậy nên, tôi chiều theo ý Đức.

***

Khi tôi đang trong cuộc họp cuối năm của công ty, bỗng nhận được cuộc gọi từ cô giáo chủ nhiệm của bé Bông. Tôi hơi chột dạ và lo lắng. Cô giáo bảo rằng con bé đang một mình ở cổng trường và chưa ai tới đón. Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ chiều. Tôi vội vàng gọi cho Đức thì không thấy nhấc máy. Tôi đành phải gọi điện nhờ cô bạn thân.

Trên đường về, tôi đã ấm ức rất nhiều chuyện của Đức chiều nay, về cả lần anh đã cáu bẳn với tôi. Nhất định sau lần này, Đức phải đồng ý thuê người giúp việc.

Tôi ghé qua chỗ cô bạn đón con gái rồi về thẳng nhà. Đức vẫn chưa về và điện thoại của anh vẫn chỉ đổ những hồi chuông dài. Đột nhiên, một số máy lạ gọi đến báo cho tôi biết Đức đã gặp tai nạn. Tôi sững người, run lẩy bẩy, tức tốc bắt taxi tới bệnh viện.  Khi tôi đến thì Đức vừa qua cơn nguy kịch. Suốt thời gian chờ đợi anh tỉnh lại, tôi đã tự dằn vặt chính mình, về nỗi ấm ức chiều nay tôi đã có.

***

May mắn thay, Đức nhanh chóng hồi phục và trở về với tổ ấm nhưng chưa thể đi làm ngay được. Hàng ngày, tôi vẫn đến công ty và một lần nữa, tôi phải bàn với chồng về chuyện thuê người giúp việc.

- Sáng em đưa con đi học, chiều anh sẽ nhờ bác xe ôm đầu ngõ đón về. Anh muốn tự chăm sóc tổ ấm này thay vì một người lạ nào đó. Em cứ lo cho công việc của mình đi, việc nhà anh sẽ đảm nhận.

Tôi không đôi co thêm với Đức về chuyện này, vì tôi nghĩ anh đã suy tính rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì có anh. Nếu tổ ấm này là một cái cầu gôn thì Đức chính là người hậu vệ vững chắc nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm