pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chàng trai xin hiến đầu cho y học kể về câu nói của mẹ khiến anh bừng tỉnh
Ảnh: Thi Anh
Chặng đường gian nan
Cái tên Phạm Sỹ Long (sinh 1988 tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được biết tới nhiều vào năm 2016. Khi đó, Long trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên khao khát được hiến đầu cho y học. Hành động của Long khiến cho nhiều người phải gai người khi nhắc tới, một số người còn cho rằng quá "điên rồ".
Sau 7 năm kể từ ngày đặt bút ký dứt khoát vào lá đơn hiến đầu, mô tạng và thân xác cho nền y học nước nhà, Long vẫn không từ bỏ nguyện vọng.
Nhìn Long của ngày hôm nay, trở thành một diễn giả truyền cảm hứng trên mạng xã hội, ít ai biết về hành trình lột xác đầy gian nan của anh. Anh chia sẻ: "Nếu chỉ ở trên bờ nhìn cá bơi dưới nước và ngưỡng mộ thì chẳng bao giờ biết bơi".
Long từng có giai đoạn rất khó khăn để thích nghi với số phận. Đó là thời điểm tai nạn ập tới vào năm 2003, Long đang là đứa trẻ 15 tuổi - độ tuổi đang muốn vươn lên khẳng định chính mình. Tai nạn đến đã ghim cuộc đời Long chỉ nằm một chỗ.
Ba năm đầu sau tai nạn, Long vẫn chưa thể chấp nhận được việc mình đã là một phế nhân. Long sợ - nỗi sợ của một kẻ ăn bám, đặt đâu nằm đó.
Mỗi khi nghe tiếng dắt xe đạp của bố, tiếng lê dép loẹt xoẹt của mẹ, trong lòng Long đầy bất an. "Bố mẹ sẽ không bỏ rơi mình chứ?", Long tự nói với chính mình.
Long nằm trong căn nhà yên tĩnh với 4 bức tường, anh khóc đầy chua xót cho số phận của mình. Chỉ khi ánh nắng hắt vào trong nhà, tiếng dép loẹt xoẹt quen thuộc vọng từ sân vào, Long mới ngừng sợ vì biết mẹ đã về.
Nằm một chỗ nhiều ngày, Long dễ nổi nóng hơn, khó điều khiển được cảm xúc. Long nhớ lại: "Chẳng hiểu vì sao thời điểm đó tôi lại tồi tệ tới vậy, tôi cư xử với mẹ như một đứa vô ơn. Máu điên trong người tôi sôi sùng sục. Tôi la mắng mẹ, chửi cho sướng mồm".
Tiếng chửi mắng của Long cứ vang vọng khắp căn nhà, không một ai đáp lại. Thương con, mẹ vội đi lấy cho Long cốc nước. Thay vì biết ơn bởi sự ân cần của mẹ, Long lại thấy tức hơn. Có lần sôi máu, Long chửi mắng, mẹ không nói lại, Long cố ý hất cốc nước, nhổ nước bọt vào mặt mẹ.
Thế nhưng mọi vết thương trong tâm hồn bé nhỏ của chàng trai 15 tuổi đều được mẹ "cân hết". Thay vì quát mắng, mẹ lại càng thương và yêu Long hơn.
Sau những hành động vô lý ấy vào ban ngày, khi màn đêm buông xuống, Long cảm thấy hối hận, anh lại khóc.
Long tự động viên mình sẽ kiểm soát "cơn điên", không chửi bới nữa. Nhưng Long không làm được, Long cứ chìm trong những suy nghĩ tiêu cực suốt 3 năm.
Tới một ngày, nghe tiếng dép mẹ bước đầy nặng nhọc, Long biết mẹ rất mệt nhưng vẫn vội về vì không muốn Long phải ở nhà một mình quá lâu. Long đã tự điều chỉnh cảm xúc của mình, thay vì khóc khi ở một mình thì anh ở nhà hát nghêu ngao. Tiếng hát giúp anh quên đi sợ hãi, yêu đời và có nhiều năng lượng tốt hơn.
Long tự tập viết chữ bằng miệng. Những ngày đầu khó nhọc, máu chảy ra ướt cả cây viết và nhỏ xuống giấy. Nhưng Long không nản, anh vẫn kiên trì, rồi anh cũng viết chữ bằng miệng thuần thục như viết bằng tay. Long sáng tác thơ, vẽ tranh và từ đó, anh thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa hơn.
Câu nói khiến Long bừng tỉnh
Tuy nhiên, đời không như mơ, khi Long cố gắng vực dậy khỏi đống bùn lầy thì tai ương lại đến. Đó là thời điểm năm 2012, cha của Long phát hiện ung thư dạ dày nhưng giấu cả gia đình. Ông không đi điều trị vì lo cho Long.
"Cha sợ nếu nằm viện sẽ phải có người đi theo chăm sóc, ở nhà sẽ không có ai chăm tôi. Cha giấu bệnh, âm thầm chịu đau. Cuối năm 2012, căn bệnh ung thư dạ dày đã hành cha tới cùng cực của đau khổ. Lúc đó, sức chịu đựng của cha cũng cạn, gia đình mới biết cha đau và đưa đi khám, nhưng ung thư đã ở giai đoạn cuối và cha mất", Long lạc giọng chia sẻ.
Sốc trước cái chết của cha, Long quay ra tự trách bản thân: "Vì mình mà cha chết sớm, mẹ thì ốm đau miết".
Đầu năm 2013, Long có một quyết định giải thoát cho chính anh bằng cách quyên sinh. Anh muốn mẹ sẽ được sống bình an, không còn gánh nặng phải chăm sóc một đứa tàn phế nữa. Long quyết định uống thuốc tẩy để tự tử, rất may chị gái phát hiện ra và đưa đi viện kịp thời.
"Đêm hôm đó, mẹ đi chăm tôi cấp cứu ở bệnh viện, cả 2 mẹ con không ai chợp mắt được. Tôi cáu, nói với mẹ 'Sao không để con chết đi. Mẹ hãy sống thay phần đời của con'. Mẹ khóc, chỉ nói: 'Mẹ còn sống là vì con. Con chết, mẹ cũng chết'".
Trước câu nói của mẹ, Long như bừng tỉnh. Từ ngày đó anh quyết tâm sống thật tốt. "Mẹ còn sống thì tôi còn sống", Long nói.
Long bắt đầu quan tâm tới mẹ hơn, vào ngày sinh nhật mẹ, anh mua bánh tổ chức sinh nhật cho mẹ. Đây là điều mà anh chưa thể làm được cho cha khi ông còn sống.
Với số tiền để dành ít ỏi, anh đã nhờ người mua một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ. "Ngày hôm ấy, mẹ còn không biết đó là sinh nhật của mình. Khi biết tôi tổ chức sinh nhật cho mẹ, mẹ vui nhưng vẫn quay sang mắng bày vẽ tốn kém", Long tâm sự.
Long cũng luôn tự nhủ với mình rằng mẹ còn sống bên cạnh anh ngày nào, anh sẽ trân trọng không muốn bỏ lỡ ngày đó. Và anh muốn nói lời xin lỗi thật nhiều với mẹ cho những cư xử trước đây.
Vẫn kiên định với mong muốn hiến đầu
Nói về tâm nguyện hiến đầu cho y học, Long chia sẻ trước khi đăng ký anh đã tìm hiểu rất nhiều. Có những ý kiến thuận chiều và có cả phản đối, anh cũng biết dù ghép thành công thì người sống cũng luôn phải chịu đựng nỗi đau đớn vô cùng. Nhưng anh vẫn mong chờ ngày Việt Nam làm được kỹ thuật đó tới gần.
"Quan điểm của tôi, nếu ca ghép đầu được thực hiện thành công thì tốt. Còn thất bại cũng là sự thành công với riêng tôi vì đóng góp cho những ca ghép sau được thành công", anh Long chia sẻ.