pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chấp nhận mang tiếng là người bố vô trách nhiệm với con
Anh trai tôi là một người đàn ông sống nội tâm và khép kín. Tôi và bố mẹ chẳng biết gì về cuộc hôn nhân của anh cho đến ngày hôm đó. Một buổi tối oi nồng, anh kéo theo chiếc vali cũ mèm từ thời du học từ bên Nga về nhà và thông báo chuyện ly hôn với khuôn mặt chẳng thể nhìn ra cảm xúc.
Gần 40 tuổi, anh tôi có cả sự nghiệp và địa vị. Bố mẹ tôi chưa từng phải phiền lòng vì anh về bất kỳ điều gì. Bởi vậy, chuyện anh ly hôn đã khiến ông bà vô cùng sửng sốt.
Thế nhưng, có lẽ vì thương con và luôn tin rằng anh làm gì cũng có lý do riêng của mình nên cả nhà tôi chẳng ai gặng hỏi nguyên nhân của sự đổ vỡ này. Hằng ngày, anh vẫn đi làm, vẫn sinh hoạt như chẳng có điều gì xảy ra. Anh tôi chưa bao giờ bộc lộ cảm xúc ra ngoài, lần này cũng không ngoại lệ.
Vợ chồng anh có một cậu con trai năm nay đã 8 tuổi. Sau khi ly hôn, anh để lại căn nhà và toàn bộ tài sản cho vợ. Đó chính là lý do vì sao ngày hôm đó anh trở về nhà với chiếc valy từ thời sinh viên và vài ba bộ quần áo.
Mỗi tháng, anh đều đặn gửi tiền chu cấp cho con trai mà điều kiện duy nhất anh đưa ra khi đứng trước tòa đó là phía bên vợ cũ không cản trở việc gặp gỡ giữa gia đình chúng tôi và thằng bé.
Một thời gian sau, tôi bắt đầu nghe được những tin đồn không hay ho về anh trai mình nhưng hầu như cả nhà tôi đều chẳng ai bảo ai mà lờ nó đi. Tuy vậy, với những gì anh tôi đã làm cho đến tận thời điểm này thì tôi chẳng thể nào vui vẻ với những điều đơm đặt về anh.
Cuối tuần, thằng bé được anh trai tôi đón về nhà chơi. Tôi thấy thằng bé có vẻ hớn hở lắm, cứ bám lấy bố. Tôi vẫy cu cậu ra ngồi cạnh bóc vải cho nó ăn, thằng bé bỗng nhiên trầm tư một lúc rồi mở lời với tôi:
- Cô ơi, bố con ở nhà một mình có buồn không cô?
Tôi bị câu hỏi này làm cho bất ngờ đến mức không biết phải trả lời thế nào, vô thức mà bật ra một câu hỏi ngược lại thằng bé?
- Sao con không hỏi trực tiếp bố con?
- Con sợ hỏi lại làm bố buồn thêm. Mấy lần bố gọi điện cho mẹ để đón con nhưng mẹ không đồng ý. Giọng bố buồn lắm, con cũng buồn nữa.
Tôi nhìn vào xoáy tóc nho nhỏ trên đầu thằng bé. Người ta thường nói những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn thường sẽ lớn hơn tuổi của mình. Đó là sự trưởng thành đau lòng làm sao!
- Vì sao mẹ không đồng ý cho bố đón con?
Thằng bé không trả lời câu hỏi của tôi. Cuối ngày khi thằng bé đã về, tôi mang chuyện hồi chiều kể lại với anh trai. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy trong mắt anh nhiều cảm xúc đến như vậy.
- Anh chẳng biết làm thế nào để trở thành một người bố tốt...
Tôi biết anh trai mình đã loay hoay thế nào để có thể bù đắp cho con trai, nhưng với anh dù có làm gì đi chăng nữa vẫn là không đủ. Người đàn ông dày dặn kinh nghiệm sống sau bao năm bon chen với đời vẫn ngờ nghệch chẳng biết trải lòng với đứa con trai nhỏ như thế nào cho đúng.
Người ngoài nhìn thấy anh là một người lạnh lùng, chẳng tình cảm với ai bao giờ. Vợ chồng anh ly hôn, người ta bắt đầu chê trách anh, nói anh thiếu trách nhiệm, nói anh vô tâm, nói anh chẳng lo lắng gì cho con cái.
Thế nhưng, khi hai vợ chồng anh bước chân ra đời tay trắng, anh lăn lộn đủ đường để đảm bảo được cuộc sống vật chất cho vợ con mình. Khi đường ai nấy đi, anh chẳng còn bất kỳ thứ gì trong tay, ai hỏi anh cũng chỉ cười trừ và nói rằng đến cuối cùng những gì anh làm cũng để cho con hết thì cần tranh chấp để làm gì?
May mắn làm sao mà thằng cháu tôi tuy còn nhỏ nhưng nó thậm chí còn hiểu rõ nỗi trăn trở của bố mình hơn rất nhiều người lớn. Và có lẽ với anh trai tôi như vậy là đủ, dù tất cả mọi người nói anh là ông bố vô trách nhiệm thì chỉ cần với con trai, anh là một người bố đáng kính là quá đủ rồi.