Sôi động không khí Tết ở Trung Quốc
Cuộc “di cư” lớn nhất thế giới vừa diễn ra tại Trung Quốc khi hàng trăm triệu người rời khỏi các thành phố lớn, lên đường về quê đoàn tụ gia đình trước dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Được biết tới với cái tên “Xuân Vận”, đợt giao thông cao điểm năm nay tại Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2 và kéo dài tới ngày 12/3/2018.
Cùng với sự trở về của hàng triệu người, làng nghề chuyên sản xuất đèn lồng ở tỉnh Hà Bắc của nước này đang ở những ngày bận rộn nhất trong năm khi Tết âm lịch sắp đến. Khoảng 80% số đèn lồng được treo ở quốc gia tỉ dân có xuất xứ từ ngôi làng này. Sản phẩm của làng là những chiếc đèn lồng được làm từ khung kim loại, bên ngoài bọc lụa đỏ và trang trí chữ vàng. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc ở Trung Quốc. Trong các dịp lễ tết quan trọng, đèn lồng đỏ là thứ không thể thiếu. Những chiếc đèn lồng này còn được xuất khẩu sau Đông Nam Á, Mỹ và các quốc gia châu Âu để phục vụ cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới. “Hạnh phúc”, “bình an”, “tài lộc”, “thọ”... là những chữ phổ biến thường được sơn bên ngoài đèn lồng.
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Người Trung Quốc ăn mừng năm mới với những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, bao lì xì màu đỏ rực rỡ tượng trưng cho may mắn, thái hòa suốt năm. Bắt đầu từ ngày mồng 8 tháng Chạp, những người con tha hương trên khắp Trung Quốc hay ở nước ngoài đều tìm về đoàn tụ với gia đình. Ngày 30 Tết, các gia đình bày bàn thờ cúng tế trời đất tổ tiên, cùng quây quần ăn cơm Tất niên. Tối 30 gọi là “trừ tịch”, người dân thường thức đón năm mới. Người Trung Quốc quan niệm, sau ngày 23 tháng Chạp, các thần đều về thiên giới, lúc Giao thừa quay trở lại nhân gian, nên có tục “tiếp thần”, tức là cả nhà bày hương án ra sân cúng tế hóa vàng đón các thần trở lại. Tết truyền thống thường kéo dài đến tận ngày Rằm tháng Giêng.
Cách đón Tết của người Hồng Kông (Trung Quốc) vô cùng đặc sắc khi pha trộn giữa nền văn hóa truyền thống phương Đông với nét văn hóa phóng khoáng của phương Tây. Ở đây có các lễ hội đặc sắc, thu hút người dân bản xứ và đông đảo du khách tham quan. Vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người tập trung ở cảng Tsim Sha Tsui xem các vũ đoàn nghệ thuật, các nhân vật Disney diễu hành trong tiếng nhạc rộn rã. Ngày mùng 2 Tết, mọi người lại rủ nhau đến cảng Victoria thưởng thức màn biểu diễn pháo hoa vô cùng đẹp mắt.
Tết ở Hàn Quốc với nhiều phong tục
Vào dịp Tết, ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc, mọi người luôn dành cho nhau những lời chúc tốt lành, cầu mong năm mới thuận lợi và gặp nhiều may mắn. Đặc biệt vào ngày 30 Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc sẽ đem các thanh tre ra đốt. Theo trang New Year Festival, phong tục này có ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiếng nổ của thanh tre sẽ làm cho ma quỷ e dè, sợ hãi mà bỏ chạy. Cùng với đó, họ sẽ đem treo những chiếc xẻng bằng rơm dùng để hót thóc gạo rơi vãi (có tên gọi là Bok jori) trên góc tưởng, góc phòng hay ngoài cửa với mong muốn nhận được nhiều phúc lộc quanh năm.
Sáng mùng 1 là thời khắc quan trọng nhất với mỗi người dân Hàn Quốc. Mọi người đều mặc trang phục truyền thống, uống gui ballo sool và tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do người con trai trưởng chủ trì. Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái sẽ cúi lạy ông bà, cha mẹ, chúc người lớn trong nhà sức khỏe trong năm mới. Với trẻ nhỏ, sau khi cúi lạy sẽ được người lớn mừng tuổi. Món đồ mừng tuổi khá đa dạng, thường sẽ là tiền nhưng nhiều nhà lại mừng tuổi bằng vàng, ngọc, đá quý hoặc món quà giá trị nào đó. Kết thúc buổi lễ, cả gia đình sẽ cùng quây quần bên nhau và thụ lộc vừa dâng lên tổ tiên.
Mọi việc xong xuôi, các thành viên trong gia đình sẽ đi chúc Tết hàng xóm, bạn thân, thăm mộ ông bà tổ tiên và du xuân. Trẻ em vào những ngày này sẽ được thỏa sức nô đùa và tham gia những trò chơi dân gian đầy hứng thú như: kéo co, thả diều, bập bênh, yut-nori (trò chơi trên ván gỗ và dùng gậy).