Cháu đích tôn siêu quậy

04/08/2015 - 01:24
Tôi hỏi thăm mấy người ở gần nhà ông Bình thì một người thông báo: “Con dâu ông ấy vừa sinh đứa con trai thứ hai. Mừng... xanh mặt đấy”.

Cháu đích tôn quá nghịch, ông bà phải bỏ hết mọi thú vui tuổi già (Minh họa: Thuần Phong)

Tôi có ông bạn tên là Bình cùng trong Câu lạc bộ Thơ. Ông Bình không những ham thơ phú mà còn rất tích cực chơi cầu lông, bóng bàn, bơi lội, chim cảnh… Thấy ông tham gia nhiều hoạt động như vậy, tôi tò mò hỏi: “Ông không phải làm việc gì giúp bà nhà hay sao mà suốt ngày đi thế?”. Ông Bình cười vô tư: “Bà nhà tôi cũng đi chứ kém gì. Sáng đi bộ thể dục, chiều đi tập thiền, tuần 3 buổi đi nhảy đầm. Còn việc tưới cây cảnh và cho lũ chim ăn thì tôi làm”. Tôi bình luận: “Nhà ông sướng thật đấy, thảo nào vợ chồng ông lúc nào cũng phơi phới”. Ông Bình cười nhăn nhó: “Tôi cũng có nỗi khổ chứ. Thằng con trai hơn 30 tuổi rồi, có nghề ngỗng đàng hoàng mà chẳng chịu lấy vợ cho ông bà có cháu bế. Thấy nhà người ta có cháu mà thèm”.

Ông Bình phàn nàn mới đầu năm thì cuối năm nhà ông đã có tin vui mời dự đám cưới con trai. Tôi mừng thay cho ông bạn: “Thế là vui trọn vẹn nhé. Từ nay ông phấn khởi chắc còn làm được nhiều thơ nữa”.

Nhưng rồi từ khi con trai lấy vợ, sinh con, ông Bình ít làm thơ hẳn. Một lần tôi nhắc: “Ông có cháu rồi, phấn khởi thì phải sáng tác nhiều thơ hơn chứ?”. Ông Bình lại cười nhăn nhó: “Còn thời gian đâu nữa mà làm thơ. Thằng cháu đích tôn suốt ngày nhèo nhẽo bám ông bà. Vợ chồng chúng nó giao con cho mình chăm bẵm rồi đi làm tối ngày”.

Bẵng đi 2 năm sau, không thấy ông Bình đến sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ. Một hôm tôi hỏi thăm mấy người ở gần nhà ông Bình thì một người thông báo: “Con dâu ông ấy vừa sinh đứa con trai thứ 2. Mừng... xanh mặt đấy”. Một người khác đế thêm: “Hôm nọ tôi đến chơi nhà, thấy ông ấy phàn nàn rằng thằng cháu đích tôn vừa làm gãy cây vợt cầu lông 500 ngàn đồng của ông, rồi xé cả tập thơ ông vừa làm. Thấy miệng ông ấy kể mà méo xệch”. Chúng tôi nghe mà ái ngại cho hoàn cảnh của ông Bình, một người năng nổ hoạt động như thế, giờ bỗng lặn mất tăm.

Năm nay, Câu lạc bộ Thơ của tôi phải tuyển in một tập thơ để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Tôi gọi điện cho ông Bình đến lần thứ 5 mà ông vẫn chưa mang thơ tới nộp. Tôi đành nhờ đứa cháu gái đến nhà ông nhận thơ mang về cho tôi. Cháu gái cầm về một tập giấy nhàu nhĩ, tờ thì bị viết nhằng nhịt bút bi, tờ thì rách cả một mảng: “Thơ đây ông ạ. May mà bà giúp việc thu gom được ở khắp nơi trong nhà đưa cho cháu”. “Thế ông Bình đâu?”, tôi hỏi. Đứa cháu bảo: “Ông Bình đi chợ hay sao ấy, vì hai thằng cháu của ông í cứ hét toáng lên, mở loa ầm ĩ, bà giúp việc nói nhưng con không nghe rõ”.

Cháu tôi còn kể thêm: “Con ngồi một lúc chờ bà giúp việc tìm các tờ giấy này cho ông mà chóng cả mặt vì 2 em nghịch lắm ông à. Chúng đuổi nhau khắp nhà, thằng lớn còn lấy cái ca nhôm đá bóng làm vỡ toang mặt gương, thằng em thì thò cả tay vào cốc nước con đang uống để trên bàn. Bà giúp việc luôn miệng nhắc mà chúng chẳng nghe. Một lúc thì thằng anh lấy cái dép đập vào đầu em làm nó gào khóc váng cả nhà. Con thấy bà giúp việc luôn mồm, luôn tay, đầu tóc bơ phờ vì trông 2 đứa nó”.

Buổi trưa, tôi gọi điện cho ông Bình để báo tin về việc đã nhận mấy bài thơ của ông, tiện thể hỏi thăm xem sáng nay ông và vợ đi đâu. Chẳng ngờ ông Bình bảo: “Tôi đến trung tâm đón bà giúp việc. Còn vợ thì đang ở nhà trông 2 thằng đấy chứ đâu?”. Tôi thảng thốt: “Ối giời, thế không phải bà ấy đang đi nhảy đầm hay tập thiền à?”. Ông bạn kêu lên: “Ông ơi, gần 3 năm nay chúng tôi biến mất khỏi các hoạt động văn hóa thể thao rồi. Hết hơi hết sức vì 2 thằng cháu quỷ sứ. Lồng chim cảnh của tôi treo cao thế mà chúng còn lấy gậy chọc. Đến thơ tôi để tít trên giá sách, chúng còn lôi xuống xé toạc. Bà nhà tôi vất vả vì chúng nên bây giờ trông già nua phờ phạc lắm, ốm mấy trận rồi đấy”. “Vậy ông bà chịu, không còn cách nào thoát ra khỏi cảnh đó được à?”, tôi hỏi móc. Nhưng ông Bình cười khà khà: “Có rồi, có rồi. Sáng nay tôi đã đón được một bà giúp việc về rồi. Chúng tôi tự bỏ tiền ra thuê người về gánh đỡ cho mình, chứ vợ chồng chúng nó lương ít, cứ ỷ lại ông bà mấy năm nay”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm