pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chảy máu mũi khi ngủ: Nguyên nhân và cách xử lý khi bị chảy máu mũi đúng tại nhà
Chảy máu mũi khi ngủ có thể do niêm mạc mũi bị kích thích, dị ứng hoặc nhiễm trùng. Tùy vào nguyên nhân là gì mà cách xử lý khi bị chảy máu mũi (chảy máu cam) có thể có một vài khác biệt.
1. Nguyên nhân gây chảy máu mũi khi ngủ
Bên trong khoang mũi có các hốc xoang với vai trfo điều hòa luồng không khí và ngửi mùi. Khoang mũi được phân chia nhờ vách ngăn mũi. Lót bên trong khoang mũi đó là các biểu mô đường hô hấp. Lớp biểu mô này có thể tiết ra chất nhầy, duy trì độ ẩm cho môi trường bên trong mũi, tránh những kích thích và tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Niêm mạc mũi là một một lớp lót ẩm bên trong khoang mũi. Lớp niêm mạc mũi có cấu tạo khá mỏng, có các mạch máu nằm gần bề mặt và rất dễ bị tổn thương. Ngay cả những tác động nhỏ ở các mô này cung có thể khiến mạch máu bị vỡ dẫn tới chảy máu mũi.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể gây chảy máu mũi khi ngủ mà bạn có thể tham khảo:
- Môi trường khô
Không khí khô hanh, độ ẩm của không khí không đủ để cung cấp cho niêm mạc mũi khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi trở nên nhạy cảm và dễ vỡ hơn, từ đó gây chảy máu mũi.
Để giảm tình trạng chảy máu mũi khi ngủ do không khí khô, bạn nên chuẩn bị thêm máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ vào ban đêm để tăng thêm độ ẩm cho không khí. Trước khi đi ngủ bạn cũng có thể sử dụng thêm bình xịt mũi bằng nước muối để giữ ẩm cho khoang mũi.
- Ngoáy mũi
Ngoáy mũi không phải là một thói quen tốt. Ngoáy mũi có thể gây chảy máu mũi và nhiều người có thể ngoáy mũi theo thói quen hay vô thức khi ngủ.
Để tránh việc ngoáy mũi gây tổn thương niêm mạc mũi thì bạn nên chuẩn bị khăn giấy ở gần giường để xì mũi hoặc làm bấc giấy ngoáy mũi khi cần. Chú ý tới việc cắt móng tay ngắn và gọn gàng để giảm nguy cơ bị thương.
- Viêm mũi dị ứng
Một số tình trạng dị ứng gây hắt hơi, sổ mũi và chảy nước mắt cũng có thể khiến bạn bị chảy máu mũi. Dị ứng có thể gây chảy máu mũi theo nhiều cách, chẳng hạn như ngoáy mũi (do ngứa mũi), xì mũi liên tục làm tăng áp lực cho mạch máu trong mũi hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc xịt mũi steroid có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng dị ứng, giảm dịch nhầy nhưng lại có thể khiến bên trong khoang mũi khô hơn.
Do vậy, khi bị dị ứng, hãy cố gắng không xì mũi quá mạnh và nên sử dụng các loại khăn giấy có chứa chất dưỡng ẩm để làm dịu niêm mạc mũi. Nếu chảy máu mũi có liên quan tới thuốc gây dị ứng, hãy nói chuyện với bác sĩ về một lựa chọn điều trị khác vừa giúp thông mũi mà không gây khô mũi. Đừng quên tránh các tác nhân có thể kích hoạt cơn dị ứng như phấn hoa, nấm mốc hay lông động vật,...
- Nhiễm trùng
Viêm xoang, cảm lạnh và một vài nhiễm trùng đường hô hấp khác có thể làm tổn thương lớp niêm mạc nhạy cảm ở khoang mũi. Cuối cùng niêm mạc mũi bị kích ứng tới mức khiến mạch máu bị vỡ ra và chảy máu. Triệu chứng sổ mũi khi bị cúm hay cảm lạnh cũng có thể khiến một người thường xuyên xì mũi mạnh cũng có thể gây chảy máu mũi.
Các triệu chứng nhiễm trùng có thể kể đến như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau họng, sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh.
Để giúp đường mũi dễ chịu hơn, bạn nên xịt mũi bằng nước muối sinh lý hoặc hít hơi nước từ vòi sen để giúp làm loãng dịch nhầy mũi; uống nhiều nước; nghỉ ngơi đầy đủ sẽ có lợi cho quá trình phục hồi. Nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị.
- Uống quá nhiều rượu
Uống rượu quá mức có thể góp phần tăng nguy cơ chảy máu mũi khi ngủ do rượu ức chế hoạt động của tiểu cầu trong máu (tiểu cầu có chức năng giúp đông máu) đồng thời lại làm giãn các mạch máu nông trong khoang mũi khiến chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu mũi.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng đông máu như thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid chẳng hạn như aspirin và ibuprofen, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hay thuốc xịt mũi chứa steroid làm tăng nguy cơ chảy máu mũi hơn.
- Một số bệnh lý tiềm ẩn
Chảy máu mũi mặc dù có thể ít nghiêm trọng nhưng có một số bệnh lý nhất định có thể thường gặp phải tình trạng chảy máu mũi hơn, chẳng hạn như: Huyết áp cao, bệnh Celiac, suy tim sung huyết, bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, rối loạn chảy máu, ung thư, suy gan,...
Mỗi một bệnh lại có các triệu chứng khác nhau, điều quan trọng là chú ý tới các biểu hiện bất thường của cơ thể và thăm khám sớm.
- Trẻ bị chảy máu mũi
Nguy cơ chảy máu mũi thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi và trẻ em từ 2 - 10 tuổi thường bị chảy máu mũi hơn. Sau 10 tuổi thì trẻ bị chảy máu cam ít hơn và rủi ro chảy máu mũi sẽ tăng lại ở người già trên 65 tuổi. Trong đó người trên 85 tuổi phải đối mặt với nguy cơ chảy máu mũi cao hơn và có khả năng phải nhập viện.
2. Cách xử lý khi bị chảy máu mũi tại nhà
Để cầm chảy máu cam, khi bị chảy máu hãy ngồi hoặc đứng dậy hơi nghiêng đầu về phía trước thay vì nằm hay nghiêng ra sau sẽ khiến máu chảy xuống họng.
Sau đó dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp phía trước mũi (ngay phía trên lỗ mũi và bên dưới phần gốc xương cứng) và giữ trong trong vòng từ 5 - 15 phút. Chườm đá lên sống mũi cũng có thể giúp co mạch máu và cầm chảy máu mũi nhanh hơn.
Sau khoảng 5 - 15 phút bóp mũi thì thả tay ra rồi kiểm tra xem máu còn chảy không, nếu máu vẫn còn chảy thì tiếp tục lặp lại bước trên.
Tuy nhiên nếu mũi chảy máu liên tục sau 30 phút được cầm máu đúng cách thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp. Các triệu chứng cho thấy chảy máu mũi cần khám bác sĩ bao gồm: Cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi khi bị chảy máu mũi; chảy máu mũi bắt đầu sau khi bị thương hoặc sau khi phẫu thuật; có các triệu chứng khác khi bị chảy máu mũi như đau ngực, khó thở; xuất hiện khối u bất thường ở mũi; dịch nhầy mũi có mùi hôi thối khó ngửi.
Hiếm khi chảy máu mũi khi ngủ là một dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm như giãn mao mạch xuất huyết di truyền khiến một người dễ bị chảy máu hơn, trong đó chảy máu mũi là một triệu chứng phổ biến với lượng máu chảy có thể rất nhiều. Người mắc hội chứng giãn mao mạch di truyền có thể có các triệu chứng khác như đốm có màu đỏ đến tía, đường ren đỏ sẫm xuất hiện ở da; giãn mao mạch ở những bộ phận khác của cơ thể đặc biệt là nửa người trên như: mặt, ở trong miệng, môi, tai, kết mạc mắt, cánh tay, bàn tay, ngón tay và cả móng tay rất dễ nhận ra;...
Để ngăn ngừa tình trạng chảy máu mũi khi ngủ, hãy hạn chế các thói quen xấu như ngoáy mũi hay xì mũi mạnh, bỏ thuốc lá, không uống nhiều rượu. Vào mùa khô hanh, nên sử dụng máy bù ẩm để giúp lớp lót khoang mũi không bị khô, tránh các tác nhân có thể gây dị ứng,...