Chạy thận 3 năm vẫn sinh được con

16/03/2016 - 10:45
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, một sản phụ đang chạy thận 3 năm nay tại Khoa đã sinh thành công bé gái. Đây là trường hợp thứ hai chạy thận sinh con thành công.
Sản phụ là Lê Thị Yến, 26 tuổi, ở Phú Bình, Thái Nguyên, lập gia đình năm 2014. Thời điểm này, chị phát hiện bị suy thận, phải chạy thận chu kỳ 2 lần/tuần. Khát khao có con, chị Yến đã đọc sách, tìm hiểu thông tin mang thai ở người chạy thận. Bên cạnh đó, chị nhờ vào sự giúp đỡ của các bác sĩ. Năm 2015, chị Yến có thai.

Qua các thông tin tìm hiểu, chị Yến được biết Bệnh viện Bạch Mai đã từng điều trị thành công cho phụ nữ chạy thận 7 năm đã được làm mẹ. Thay vì điều trị tiếp tại địa phương, chị Yến xin được chuyển xuống Hà Nội để nhờ các y, bác sĩ chăm sóc và theo dõi cho hai mẹ con.
THAI-PHU-SINH-CON.jpg
Bé gái sinh ra khỏe mạnh từ người mẹ chạy thận nhân tạo
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân. Ngày 26/2, khi mang thai ở tuần 31, chị Lê Thị Yến đã sinh con thành công bằng phương pháp mổ sinh, bé gái nặng 1,2kg. Sau 2 tuần nuôi dưỡng, bé gái đã tăng lên 1,5 kg, sức khỏe tiến triển tốt. Người mẹ quay lại chu kỳ chạy thận trong tình trạng sức khỏe ổn định.

TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, với phụ nữ chạy thận muốn sinh con, tỷ lệ có thai chỉ đạt 1%-7%. Hơn 40 năm qua, khoa Thận nhân tạo mới ghi nhận 7 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai, trong đó 3 trường hợp bị sảy thai hoặc phải đình chỉ thai nghén; 1 trường hợp có thai 30 tuần phát hiện suy thận, bệnh nhân được lọc máu 2 tuần thì sinh con; và 1 ca thành công. Sản phụ Lê Thị Yến là trường hợp thứ 2 thành công.

Ngay cả trên thế giới, Chương trình nghiên cứu đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh... chỉ ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo. Trong đó, 52% số trẻ được sinh ra và sống bình thường. “Bệnh nhân suy thận mạn tính phải lọc máu chu kỳ để giữ thai, độ rủi ro rất cao” - TS Dũng nói.

Theo giới chuyên môn, trước đây, bệnh nhân bị thận mạn tính (bệnh cầu thận, suy thận mạn, ghép thận...) thường được khuyên không nên có thai do những hậu quả không tốt đối với sức khỏe người mẹ cũng như ảnh hưởng của các loại thuốc đang dùng đối với thai nhi.

Trước đó, chị Hoàng Ngọc Yến (32 tuổi; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo 7 năm qua nhưng đã sinh con khỏe mạnh. Sau hơn 30 tuần thai nghén, bệnh nhân được điều trị và chăm sóc đặc biệt dưới sự giám sát của các y - bác sĩ nhiều chuyên khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai, bé trai đã chào đời với cân nặng 1,5 kg. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm