pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bị bệnh nóng gan
1. Bệnh nóng gan là gì?
Gan là cơ quan quan trọng, nằm ở vị trí bụng trên phía bên phải. Nó chịu trách nhiệm cho quá trình chuyển hóa thức ăn và lọc thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Nóng gan không phải là tên riêng của một bệnh, mà nó là thuật ngữ chỉ chung tình trạng gan bị tổn thương, chức năng gan bị suy giảm khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng. Đây là tình trạng phổ biến, rất nhiều người mắc phải, thường là kết quả của chế độ ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh.
2. Dấu hiệu của bệnh nóng gan
- Da bị ngứa, nổi mề đay và mẩn đỏ: Khi chức năng gan bị suy giảm, các độc tố không được đưa ra ngoài cơ thể, chúng sẽ tích tụ lại dưới da khiến da bị dị ứng hoặc tổn thương, biểu hiện là ngứa và phát ban.
- Vàng da: Trong máu luôn có bilirubin, sản phẩm của quá trình phá vỡ hồng cầu. Bình thường bilirubin được gan lọc và đưa ra ngoài cơ thể qua đường phân. Khi gan bị tổn thương, bilirubin không được đào thải ra ngoài mà ứ đọng dưới da. Mặt khác, bilirubin là sắc tố màu vàng cam, nên khi tồn dư ở dưới da sẽ khiến da chuyển sang màu vàng, rất dễ nhận biết.
- Phân nhạt màu, nước tiểu vàng đậm: Vì gan bị suy yếu, nên việc đào thải độc tố có thể bị "đẩy" sang thận, khiến cho phân có màu nhạt hơn, còn nước tiểu lại chứa nhiều chất thải hơn bình thường, màu đậm hơn.
- Hôi miệng: Vì độc tố bị tích tụ trong cơ thể, nên không khó hiểu khi khoang miệng của người bệnh nóng gan thường bị khô và có mùi khó chịu.
- Các triệu chứng khác: Vì gan chịu trách nhiệm đào thải độc tố cho toàn cơ thể, nên khi bị nóng gan, tất cả các cơ quan khác đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các triệu chứng có thể gặp là khô môi, khát nước, táo bón, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, mệt mỏi,...
3. Nguyên nhân gây bệnh nóng gan là gì?
- Thường xuyên ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng nhiều gia vị, các thực phẩm chế biến sẵn có chất bảo quản,... sẽ khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, gan bị quá tải sẽ dễ bị tổn thương và suy giảm chức năng, gây ra các triệu chứng nóng gan.
- Rượu bia và thức uống có cồn là tác nhân gây nóng gan nhanh nhất. Gan cần phải rất vất vả để chuyển hóa được hết cồn và ethanol có trong rượu bia. Mặt khác, cồn còn kích thích gan tích trữ chất béo, làm trầm trọng hơn tình trạng nóng gan.
- Sử dụng quá nhiều thuốc điều trị cũng có thể gây ra nóng gan. Bởi thận và gan là nơi chịu trách nhiệm chuyển hóa thuốc. Khi phải đảm nhận chuyển hóa thuốc liên tục, gan có thể bị quá tải và tổn thương. Các loại thuốc có nguy cơ cao là kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm.
- Nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng gan ở giới trẻ là do thức khuya, sinh hoạt không điều độ. Gan và túi mật hoạt động mạnh nhất là từ 23h đến 5h sáng. Nếu thời gian này cơ thể chưa được nghỉ ngơi, quá trình thải độc có thể bị ngưng trệ, độc tố tích tụ trong gan gây suy giảm chức năng.
- Gan bị tổn thương do các tác nhân khác như các bệnh lý có liên quan đến gan, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất độc hại, hít phải bụi mịn, thời tiết quá nóng bức,... cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng gan.
4. Phương pháp điều trị chứng nóng gan là gì?
Vì nóng gan thường liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống, nên các phương pháp điều trị thường tập trung vào cải thiện dinh dưỡng và thói quen sống khoa học.
Mặt khác, nóng gan là triệu chứng ban đầu báo hiệu gan đang gặp vấn đề nên việc thay đổi dinh dưỡng và sinh hoạt có thể giúp trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, trong các trường hợp bệnh không được cải thiện, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng các loại thuốc Đông - Tây y hỗ trợ.
4.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học
- Uống nhiều nước để hỗ trợ gan và thận thải nhanh độc tố ra khỏi cơ thể.
- Tăng cường rau củ quả tươi và thực phẩm giàu chất xơ để giúp giải độc gan, tiêu mỡ và giảm lượng cholesterol.
- Cơ thể cần protein để tái tạo tế bào và phục hồi chức năng gan. Ưu tiên các nguồn đạm lành mạnh từ đậu nành, cá, sữa, thịt trắng, nấm và các loại hạt. Hạn chế nguồn protein động vật bởi nó có thể là tăng acid uric trong máu.
- Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trà xanh, dầu cá, nghệ, cam, quýt,... có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa, bảo vệ tế bào gan.
- Kiêng hoàn toàn rượu bia. Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và gia vị.
4.2. Xây dựng lối sống lành mạnh
- Luôn đi ngủ trước 23h, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể có thời gian đào thải độc tố và tái tạo các tế bào hư tổn.
- Không nên làm việc quá sức, tránh để tinh thần quá căng thẳng, cần nghỉ ngơi hợp lý.
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe và duy trì cân nặng tối ưu.
- Không lạm dụng các loại thuốc điều trị. Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, cần dùng đúng liều và đúng hướng dẫn.
4.3. Điều trị bằng thuốc Tây y
Các thuốc Tây y điều trị bệnh nóng gan chủ yếu thuộc 3 nhóm:
- Thuốc bảo vệ nhu mô gan bao gồm nhiều hợp chất tổng hợp, có tác dụng ngăn ngừa gan bị tổn thương thêm, giúp tái tạo tế bào gan. Thuốc phổ biến thuộc nhóm này có thể kể đến Flumeciol, Essentia, Cianidanol, Biphenyl dimethyl dicarboxylat và Methionine.
- Thuốc giải độc gan như Liverite Liver Aid, Silymarin, Silibinin,... sẽ hỗ trợ chức năng gan, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Do đó, các triệu chứng như mẩn đỏ da, ngứa ngáy, nổi mụn,... sẽ được đẩy lùi nhanh chóng.
- Thuốc bổ gan giúp gan nhanh chóng tái tạo và khôi phục chức năng.
Việc sử dụng thuốc Tây y để điều trị nóng gan cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân nóng gan là do thuốc, rượu bia, nhiễm độc, nhiễm virus,... để kê các loại thuốc điều trị phù hợp. Tránh lạm dụng thuốc, sử dụng sai hướng dẫn bởi nó có thể làm trầm trọng hơn các tổn thương gan.
4.4. Phương pháp dân gian hỗ trợ giảm nóng gan
Trong Đông y, nóng gan là do can huyết nhiệt. Để điều trị nóng gan thì cần giải độc và bổ gan. Trong tự nhiên, có rất nhiều loại cây cỏ có tinh chất hỗ trợ giải độc và bảo vệ gan.
Một số cách hỗ trợ trị nóng gan theo dân gian đơn giản có thể tham khảo là:
- Đun hoa Atiso phơi khô hoặc trà xanh để uống thay nước hàng ngày, giúp mát gan và thải độc gan.
- Uống nước ép rau má hàng ngày giúp giải nhiệt, mát gan, thải độc, đẩy lùi nhanh các triệu chứng nóng gan trên da như nổi mụn, mẩn đỏ, ngứa ngáy,....
- Cà gai leo phơi khô, đun nước uống hàng ngày.
- Ăn rau mã đề nấu với thịt lợn hàng ngày trong khoảng 3 tuần sẽ hết các triệu chứng nóng gan.
Tuy nhiên người bị nóng gan tuyệt đối không được sử dụng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, bởi những bài thuốc trên chưa được khoa học công nhận.
5. Biến chứng của bệnh nóng gan là gì?
Nóng gan là biểu hiện ban đầu của việc gan bị suy giảm chức năng nên việc điều trị thường dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nóng gan tái diễn thường xuyên mà không được can thiệp thì có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan mãn tính, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan.
6. Phòng tránh
- Xây dựng lối sống lành mạnh, ngủ nghỉ đúng giờ, không lạm dụng thuốc.
- Chế độ ăn uống khoa học. Tăng cường ăn rau xanh và thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối và đường. Ưu tiên thực phẩm tươi sống, tránh đồ ăn chế biến sẵn.
- Tăng cường tập thể dục để nâng cao sức khỏe, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh gan nhiễm mỡ.
- Kiêng rượu bia và đồ uống có cồn khác.
- Tránh những nơi bị ô nhiễm không khí. Làm việc trong môi trường độc hại thì cần trang bị dụng cụ bảo hộ đầy đủ.
- Thăm khám gan định kỳ để phát hiện và điều trị các bất thường sớm nhất, giúp gan hồi phục hiệu quả hơn.
7. Chế độ dinh dưỡng cho người bị nóng gan
7.1. Nên ăn gì?
- Bưởi và chanh: Có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, hỗ trợ hòa tan chất độc trong nước và thải ra ngoài, giúp gan khỏe mạnh hơn.
- Hạt ngũ cốc: Các loại hạt ngũ cốc như gạo lức, ngô, yến mạch, đậu,... có chứa rất nhiều vitamin B và các khoáng chất giúp chuyển hóa chất béo ở gan, cải thiện chức năng gan.
- Bí đao: Có tác dụng mát gan, lợi tiểu nên giúp gan đào thải độc tố nhanh hơn, da dẻ mát mẻ, hết mẩn ngứa.
- Lòng trắng trứng: Trong lòng trắng trứng có chứa nhiều methionine, eystin, eytein và các acid amin có tác dụng tái tạo và phục hồi màng tế bào gan.
- Bắp cải, bông cải xanh: Các loại rau cải có chứa nhiều lưu huỳnh, là chất giúp tăng sản xuất glutathione. Glutathione là chất khử độc mạnh nhất của gan và nó có khả năng chống viêm mạnh mẽ.
- Nghệ: Thành phần curcumin trong nghệ có thể giúp lọc máu, làm sạch gan, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa.
7.2. Nên kiêng ăn gì?
- Nội tạng động vật: Chứa rất nhiều cholesterol, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, làm trầm trọng hơn các triệu chứng nóng gan.
- Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu,... thường chứa hàm lượng protein rất cao có thể gây chướng bụng, khiến gan quá tải, làm tăng tổn thương gan.
- Măng: Măng khó tiêu và chứa nhiều chất độc nếu không được sơ chế tốt. Gan rất khó khăn để chuyển hóa các độc tố ở măng.
- Lòng đỏ trứng: Nếu như lòng trắng trứng rất tốt cho người bị nóng gan, thì lòng đỏ lại nên kiêng do nó chứa lượng cholesterol rất lớn, gây hại cho gan.
- Đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị: Gan phải hoạt động vất vả hơn để trung hòa gia vị, đẩy muối và đường dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Chứa rất nhiều muối và chất bảo quản, không có lợi cho gan.
8. Các câu hỏi thường gặp về bệnh nóng gan
8.1. Nóng gan có nguy hiểm không?
Nóng gan là triệu chứng khởi phát khi gan gặp vấn đề và bắt đầu bị suy giảm chức năng. Do đó, nóng gan có thể cải thiện và chữa trị được, không hề nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cần can thiệp điều trị sớm để gan phục hồi nhanh, tránh để tình trạng nóng gan kéo dài có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan mãn tính, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn như viêm gan, xơ gan,...
8.2. Nóng gan có chữa được không?
Như đã biết, nóng gan là triệu chứng khởi phát khi gan gặp vấn đề và bắt đầu bị suy giảm chức năng nên tình trạng gan bị hư tổn vẫn còn nhẹ, có thể điều trị được. Thậm chí, người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học hơn là bệnh nóng gan có thể được đẩy lùi.
8.3. Bệnh nóng gan có lây không?
Nguyên nhân gây nóng gan thường là do lối sống kém lành mạnh, chế độ dinh dưỡng không khoa học, lạm dụng thuốc, chịu tác động từ môi trường ô nhiễm,... Do đó, nóng gan là bệnh không lây nhiễm.