pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chi tiền tỷ cải tạo nhà chỉ để nghỉ dưỡng
Mua nhà hay cải tạo nhà luôn là một quyết định cần phải suy nghĩ nhiều, tốn rất nhiều tiền bạc. Khi nhắc đến một căn nhà, mọi người thường nghĩ đến chuyện an cư lạc nghiệp, nơi cả gia đình sinh hoạt mỗi ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người trẻ lại quyết định đầu tư rất nhiều cho căn nhà để nghỉ dưỡng, đến ở với tần suất khoảng vài lần trong tháng.
Mua căn nhà đầu tiên chỉ để nghỉ dưỡng
Xuất hiện trong Là nhà tập 7 - chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà - Băng Ngọc (sinh năm 1991) đã quyết định chi 600 triệu (đã bao gồm 200 triệu đồng do chương trình Là nhà hỗ trợ) để cải tạo lại căn nhà đầu tiên ở Phan Rang.
Được biết đây là một căn nhà dành để nghỉ dưỡng của Băng Ngọc. “Hiện tại cuộc sống của mình vẫn gắn liền với thành phố vì công việc và các mối quan hệ. Ở thành phố, mình cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận đến văn hóa và nghệ thuật chất lượng cao. Căn nhà ở Phan Rang là nơi để mình thỉnh thoảng lui tới nghỉ ngơi thay đổi không khí, sống gần với thiên nhiên. Mình cũng có dự định biến nơi này thành một không gian để chia sẻ "cảm giác sống”. Theo Băng Ngọc, trong tương lai xa hơn, khi công việc nhẹ nhàng hơn, cô nàng cũng có dự định đây sẽ là nơi luân phiên sống lâu dài ổn định, cùng với căn hộ ở TP Hồ Chí Minh và nhà của bố mẹ ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo Băng Ngọc, cô đã mua căn nhà đầu tiên ở Phan Rang bởi vì giá nhà ở đây không quá cao như thành phố lớn cho nên đỡ áp lực tài chính hơn. “Có lẽ chi phí chỉ là một phần nguyên nhân. Mình nghĩ cuộc sống ở thành phố tuy sôi động nhưng ngột ngạt và nhiều áp lực. Điều này khiến nhiều người trong thế hệ trẻ chúng mình cảm thấy bị "thiếu ôxi". Khi hình dung về tương lai, nhiều người sẽ có xu hướng hình dung ra viễn cảnh được “thoát” khỏi những áp lực ở thành phố và tận hưởng cuộc sống dễ chịu, đơn giản và gần thiên nhiên”.
Căn nhà của Băng Ngọc ở Phan Rang
Cũng giống như Băng Ngọc, Tô Chu (30 tuổi, TP Hồ Chí Minh, Founder của một thương hiệu thời trang) trong năm qua đã có quyết định khá táo bạo là chi gần 1 tỷ đồng để cải tạo căn nhà ở ngoại ô để nghỉ dưỡng vào cuối tuần, chữa lành những tổn thương về tâm hồn.
Vốn dĩ, căn nhà này được anh chàng mua vào năm 2021, không gian mới trống, không có nội thất, và màu sắc cũ rất nhàm chán. Cho đến thời điểm năm 2022, Tô Chu gặp vấn đề về sức khỏe, bỗng dưng muốn có một không gian riêng để nghỉ ngơi, chữa lành cho tâm hồn. Vậy nên, anh chàng quyết định cải tạo lại căn nhà theo đúng sở thích. Đây là căn nhà nhỏ không ở thường xuyên, Tô Chu chỉ ghé qua chơi hoặc cùng bạn bè tụ tập ăn uống vào mỗi cuối tuần.
Lưu ý khi cải tạo nhà nghỉ dưỡng
Cả Tô Chu lẫn Băng Ngọc đều đã chi khá mạnh tay cho căn nhà nghỉ dưỡng của mình. Về phần chi phí cải tạo, Tô Chu chia sẻ rằng mọi người nên căn chỉnh kinh phí cải tạo cho phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tổng chi phí cải tạo căn nhà này khoảng 1 tỷ đồng. Phần tốn kém nhất của ngôi nhà là phần bếp với hệ tủ sử dụng chất liệu gỗ sơn PU. Anh chàng muốn lựa chọn vật liệu bền nhất nên khá đắt đỏ. Thêm đó, là chi phí vận chuyển đồ từ nước ngoài về cũng cao. Đây là phần mà Tô Chu nghĩ rằng các chủ nhà cần cân nhắc trong việc dự trù kinh phí nếu muốn cải tạo nhà.
Căn nhà xinh xắn sau cải tạo của Tô Chu
Mặt khác, đối với Băng Ngọc, cô bạn đã mua căn nhà cũ để cải tạo. Nhiều người cho rằng cải tạo nhà cũ sẽ tiết kiệm hơn, theo cô nàng thấy lựa chọn đó sẽ có một số lợi thế nếu có thể tận dụng lại kết cấu cũ của căn nhà mà không phải đập phá và xây thô lại quá nhiều. Nhưng ngược lại, nếu phải sửa lại quá nhiều vào phần khung và móng của căn nhà thì chi phí sửa nhà cũ có thể tương đương hoặc thậm chí cao hơn xây nhà mới, vì còn phải tính đến chi phí bốc dỡ và đổ phế liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, Băng Ngọc đã có 5, 6 lần chuyển nhà, do vậy cô bạn gần như nắm được những mong muốn của bản thân khi gặp KTS. Đối với cô nàng, để có những cuộc gặp gỡ mang lại hiệu quả cao, trước khi đến gặp KTS, chủ nhà cần chuẩn bị trước một số thứ cụ thể như:
- Sơ đồ thửa đất/căn nhà cùng với một số thông tin cơ bản như địa điểm, địa chỉ, tình trạng hiện tại, diện tích, môi trường xung quanh… nhằm giúp KTS phần nào hình dung ra bối cảnh thi công và thiết kế.
- Các hình ảnh hoặc ý tưởng về phong cách kiến trúc và nội thất bản thân mong muốn cho căn nhà.
- Cụ thể hóa nhu cầu công năng phù hợp với nhu cầu cá nhân. “Ví dụ như với căn nhà Phan Rang, mình có yêu cầu ngoài việc bố trí hợp lý các không gian cơ bản, KTS cần ưu tiên cho hai điều: vườn và sách. Mình cũng không có nhu cầu sử dụng tivi và không muốn có tivi trong nhà, điều này cũng phải được nhấn mạnh ngay từ đầu với KTS. Ngoài ra còn có các lưu ý nhỏ khác như nhà vệ sinh và nhà tắm cần tách riêng, mong muốn có bồn tắm, hệ thống tưới cây tự động, đèn vườn… cũng nên làm rõ từ đầu để KTS có thể dễ dàng đưa ra phương án thiết kế phù hợp”.
Mặt khác, Tô Chu đã “làm mới" căn hộ ở chung cư, do vậy quá trình cải tạo cũng gặp nhiều rắc rối một chút. Đầu tiên, là về mặt pháp lý, anh chàng nhấn mạnh rằng chủ nhà cần phải bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của ban quản lý. Thứ hai, là thời gian thi công kéo dài nên tốn kém về mặt chi phí. Ở chung cư chỉ được thi công theo giờ cố định, 1 ngày chỉ có mấy tiếng để cải tạo căn nhà. Chi phí nhân công do đó cũng độn lên nhiều hơn so với dự tính. Đây là những điều cần thật sự lưu ý khi làm mới để không bị vượt quá ngân sách quá mức cho phép.