Chiếc xe cà tàng chở ước mơ của 'cô bé đồng nát'

27/01/2017 - 17:25
Mỗi chiều cuối tuần, người dân Nguyên Xá (Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại bắt gặp Cúc gầy tong oằn mình chở hàng chục cân sách vở cũ, sắt vụn trên chiếc xe đạp cũ. Ít ai nghĩ rằng 'cô bé đồng nát' ấy lại là sinh viên giỏi của trường ĐH Công nghiệp.
Đi du học vẫn tìm “đối tác” đồng nát cho mẹ

Chiều cuối năm, những cơn gió mang theo cái lạnh tê tái thổi thông thốc khiến người con gái bé nhỏ trên chiếc xe đạp cà tàng cứ chênh vênh, xiêu vẹo. Cuối năm, cô bé như tất bật hơn, vội vã hơn với cuộc mưu sinh đầy gian khó của mình. Cô bé chúng tôi muốn nói đến ấy chính là nữ sinh Nguyễn Thị Cúc (SN 1995, quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
 Công việc vất vả nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi Cúc
“Cuối năm nên cũng nhiều gia đình cần thanh lý bớt đồ đạc cho gọn nên mẹ con em cũng nhiều việc hơn hẳn. Thế nhưng đợt này em đang bận thi, mẹ em lại yếu nên không đi xa để thu mua được”, Cúc bắt đầu câu chuyện với chúng tôi sau khi vừa cùng mẹ chở một xe đồ cũ về phòng trọ. Nhìn kỹ, đây là kho chứa đồ cũ, phải thu vén, sắp xếp lại mới có chỗ đủ để 3-4 người ngồi nói chuyện với nhau. Mẹ Cúc vẫn loay hoay sắp xếp, phân loại đồ đạc để chiều đi nhập hàng.

Với nhiều người, nghề buôn đồ nát là cái gì đó vất vả, nhọc nhằn đôi khi là bẩn thỉu vì tay chân suốt ngày lấm lem. Với Cúc, nghề này đã giúp mẹ con cô có cái ăn, trả tiền nhà và bám trụ lại thành phố theo đuổi con đường học hành. Nhớ lại cái duyên với nghề buôn đồng nát, Cúc kể: “Ngày mới ra Hà Nội học, nhà em khó khăn lắm nên mẹ cũng rời quê ra đây để kiếm tiền lo cho em học. Ban đầu, mẹ đi làm giúp việc nhà, trông trẻ. Thấy mẹ vất vả quá mà em lại không thể giúp được gì cho mẹ nên em khuyên mẹ nghỉ, về mua bán đồng nát để em còn tranh thủ phụ mẹ”.
Cúc và mẹ đã gắn bó với nghề đồng nát 4 năm nay 
Tuy nhiên, nghề đồng nát không dễ như Cúc nghĩ. Phải mất khá nhiều thời gian để hai mẹ con sống được bằng nghề này. Những ngày đầu, hai mẹ con Cúc đạp xe cả ngày nhưng không mua được cái gì. Cúc và mẹ phải đi nhặt phế liệu ở chợ đầu mối Đồng Xa, chợ Nhổn… Dần dần, hai mẹ con mới có khách bán đồ cũ, hàng thừa. Cứ thế, ngoài giờ học Cúc lại phụ mẹ đi khắp các con phố, ngôi làng khu vực Nam - Bắc Từ Liêm để tìm mua đồng nát. Dù đông hay hè, hai mẹ con đồng hành khắp ngõ xóm thu mua, đưa hàng về phòng trọ để phân loại.

Dù vất vả, thiếu thốn nhưng Cúc học rất giỏi và chịu khó tham gia các hoạt động của trường, lớp. Đến năm thứ 3, “cô bé đồng nát” được chọn là một trong 24 sinh viên ưu tú của trường ĐH Công nghiệp tham gia Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc trong vòng 1 năm. “Khi được chọn, em vui lắm nhưng lại lo cho mẹ ở nhà. Không có em phụ giúp, những chuyến hàng nặng mẹ em mang về bằng cách nào? Ai sẽ phụ mẹ đây? Nhưng được sang nước ngoài học là niềm ao ước của em, em không muốn mất cơ hội ấy”, Cúc nhớ lại.

Đúng như cô bé lo lắng, đó là quãng thời gian khó khăn nhất của gia đình. Bố Cúc phải bán trâu rồi vay tiền ngân hàng để Cúc sang Trung Quốc học tập. “Ở quê nhiều người dè bỉu, bảo em ích kỷ nhưng em vẫn chấp nhận”, Cúc chia sẻ. Đó là quãng thời gian vô cùng bổ ích và em không thấy hối hận vì quyết định của mình. Trong thời gian ở Trung Quốc, Cúc vẫn thường xuyên lên các diễn đàn sinh viên, nhất là diễn đàn sinh viên ĐH Công nghiệp để tiếp thị giúp mẹ. “Mẹ tớ mua bán đồng nát, các bạn có đồ gì không dùng thì bán cho mẹ tớ nhé”, lời rao của Cúc nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của các bạn sinh viên. Từ đó, ai chuyển phòng, có đồ thừa đều gọi cho mẹ Cúc đến mua nên việc mua bán cũng thuận lợi hơn.
Chưa bao giờ Cúc cảm thấy tự ti vì nghề này 
Nuôi ước mơ lớn

Sinh ra trong một gia đình có 6 chị em tại huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), Nguyễn Thị Cúc may mắn là 1 trong 2 người được đi học. Gia đình thuộc diện nghèo của xã, bố mẹ đã già yếu nên 4 chị gái đầu của Cúc đều không được học hành đến nơi đến chốn. Các chị lần lượt đi làm công nhân tại các xí nghiệp ở miền Nam rồi lập gia đình ở xa. Dù thương em nhưng các chị của Cúc cũng không hỗ trợ nhiều được cho bố mẹ. Thời Cúc học phổ thông, các chị chưa có gia đình, còn lo cho em chút tiền. Khi Cúc đi học đại học thì gần như hai mẹ con tự xoay sở. Những ngày đầu bước vào năm thứ nhất đại học, chị gái ruột của Cúc còn gọi điện khuyên nhủ em nghỉ học, hãy thương và nghĩ cho bố mẹ nhưng Cúc nhất quyết không nghe theo.
Không chỉ chịu áp lực từ người thân, Cúc còn phải đối diện với sự chỉ trích của không ít người hàng xóm xung quanh.“Nhà nghèo còn bày đặt học hành, ra trường cũng chắc gì đã xin được việc”. Đến giờ mỗi lần về quê mẹ vẫn "được" người ta hỏi han là Cúc học hành đến đâu rồi, có việc chưa? Đứng trước nhiều áp lực nhưng với sự động viên và quyết tâm của mẹ, Cúc vẫn cố gắng tiếp tục học hành.

"Nó chẳng ngại vất vả, hết đi làm ở siêu thị rồi đi dạy thêm kiếm tiền, giờ thời gian học hành choán hết chỉ có đi đồng nát giúp mẹ. Nhiều người biết nó đi làm nghề này đã rất ngạc nhiên và khen con bé chăm chỉ, chịu khó”, mẹ Cúc, bà Nguyễn Thị Tâm, tự hào nói về cô con gái của mình.

Ước mơ của Cúc là thành một biên dịch viên nổi tiếng. Ước mơ đó Cúc đã gần tới đích khi chỉ còn ít tháng nữa là cô ra trường. Chặng đường đời trước mắt của Cúc chắc chắn vẫn còn nhiều gian khó. Thế nhưng, với những gì Cúc đã trải qua, với sự tự tin của em tôi tin rằng Cúc sẽ thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm