pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiến tranh với loài mối giúp kiến có được nền y tế tương đương con người sau Thế chiến I
Nếu phải cố gắng tìm ra một khía cạnh nào đó tích cực của chiến tranh, thì đó là việc nó đã góp phần thúc đẩy nền y học của nhân loại phát triển. Bởi chưa bao giờ, nhu cầu cứu người bị thương lại trở nên cấp bách và quá tải như tại chiến trường.
Khi các quốc gia đang thi nhau chế tạo các loại vũ khí có sát thương cao hơn, thì ở sau chiến trường, các bác sĩ lại được giao nhiệm vụ cứu sống nhiều người nhất có thể. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra trong Thế chiến I để thấy:
Bom, mìn, đạn pháo, súng máy và nhiễm trùng trong các chiến hào ngập nước đã khiến 700.000 trên tổng số 7 triệu lính Anh phải rời chiến trường với thân thể không còn nguyên vẹn. Trong số đó có 42.000 người phải cắt một phần chân hoặc tay.
Con số ở mặt trận Đức thậm chí còn lớn hơn, 67.000 người. Tổng cộng cả hai phía chiến tuyến, đã có khoảng 300.000 - 500.000 ca cắt cụt chi được thực hiện.
Chiến tranh và cắt cụt chi không phải một điều gì đó mới mẻ với nhân loại. Cuộc chiến tranh đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử đã diễn ra giữa người Sumer và người Elam ở khu vực Lưỡng Hà vào năm 2700 trước Công Nguyên.
Ca cắt cụt chi đầu tiên đã được ghi nhận thậm chí còn sớm hơn thế, 31.000 năm trước trong một hang động thời kỳ đồ đá ở đảo Borneo, Indonesia ngày nay. Một cậu bé hái lượm có lẽ đã bị thương do thú vật tấn công, được đồng loại cắt cụt chân và tiếp tục sống thêm 9 năm nữa.
Thế nhưng, hầu hết các ca đoạn chi của loài người được thực hiện trước Thế chiến I đều dẫn tới một kết quả bi thương, bệnh nhân sẽ tử vong do mất máu hoặc nhiễm trùng. Số lượng bệnh nhân may mắn sống sót, thực sự chỉ là hãn hữu.
Sự thật đó chỉ thay đổi sau cuộc chiến ở đầu thế kỷ 20. Chưa bao giờ nhu cầu cắt cụt chi của loài người lại cao đến vậy. Thế chiến I đã mở ra một cơ hội thực hành không thể tốt hơn cho các bác sĩ trên chiến trường, giúp họ có được các cuộc đại nhảy vọt trong kiến thức y khoa, đặc biệt là thủ thuật cắt cụt chi.
Ngoài ra, xe cứu thương, thuốc sát trùng, các quy trình gây mê và truyền máu của con người cũng được phát minh ra trong khoảng thời gian này.
Nhưng đó là kinh nghiệm của loài người. Còn nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay là loài kiến.
Ít ai biết trong một cuộc thế chiến trường kỳ của chúng với loài mối, kiến dường như cũng đã đưa được nền y tế của chúng phát triển giống như những gì xảy ra với nền văn minh của loài người sau Thế chiến I.
Nhìn vào vào "phòng mổ dã chiến" của loài kiến bây giờ, chúng ta sẽ thấy những bác sĩ kiến, y tá quân y, và một phác đồ cắt cụt chi điển hình. Kiến thậm chí biết sử dụng cả thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Trong cuộc chiến giữa loài kiến và loài mối
Khi mặt trời còn chưa ló rạng trên một khu rừng thảo nguyên ẩm ướt ở Bờ Biển Ngà. Bên dưới những tán lá rậm rạp, giữa những lùm cây và thảm cỏ xanh mướt hiện ra lối vào khiêm tốn của một tổ kiến Megaponera analis, loài duy nhất thuộc chi kiến Megaponera.
Người dân địa phương gọi chúng là Matabele, cái tên được đặt theo tên của một trong những bộ tộc thiện chiến nhất Châu Phi trong thế kỷ 19. Và không phải không có lý do cho điều đó, bản thân kiến Megaponera cũng là những chiến binh bất khả chiến bại trên nền rừng thảo nguyên Châu Phi.
Đây là những con kiến Megaponera trinh sát đang làm nhiệm vụ đầu tiên của chúng trong ngày, đi tìm tổ mối. Kiến Megaponera ăn mối và đặc biệt, chúng thích ấu trùng mối như loài người thích ăn trứng.
Vậy là mỗi sáng sớm, những con kiến Megaponera trinh sát được cử ra khỏi tổ. Chúng sẽ di chuyển khắp nơi, càn quét qua một bán kính 50 mét xung quanh tổ kiến cho đến khi phát hiện một tổ mối.
Con kiến sẽ ngay lập tức quay đầu trở lại. Chúng lao về tổ với tốc độ nhanh nhất và trên con đường ngắn nhất có thể. Con kiến trinh sát lúc này bắt đầu tuyển quân. Nó di chuyển khắp tổ, chạm đôi râu của mình vào râu của những con kiến khác để thông báo về mục tiêu tiềm năng.
Cứ thế, râu con kiến này lại chạm vào râu con kiến khác. Chỉ khoảng 5 phút sau, hơn 500 con kiến Megaponera đã nhận được thông tin và tập trung trước tổ. Dưới sự chỉ huy của kiến trinh sát, một cuộc đại hành quân dưới tán rừng Châu Phi bắt đầu.
Đó là khoảng 6 giờ sáng, mặt trời bây giờ mới bắt đầu ló rạng, xiên chéo xuống nền rừng để xua tan màn sương giăng kín lối. Hơn 500 con kiến Megaponera đi thành một hàng phía sau kiến trinh sát. Chúng hành quân một cách kỷ luật và bí mật. Cho đến khi trở lại cách tổ mối khoảng 50 cm, đoàn kiến bấy giờ mới dừng lại.
Chúng tụ tập thành một vòng tròn xung quanh kiến trinh sát, và chờ cho đến khi con kiến cuối cùng tới nơi. Kiến trinh sát lúc này mới phát tín hiệu ra lệnh tấn công.
Hơn 500 con kiến Megaponera lao thẳng về phía tổ mối theo một đội hình mở và áp đảo. Những con kiến to hơn làm nhiệm vụ húc đổ tường tổ mối và chướng ngại vật. Những con kiến nhỏ hơn nhảy qua lỗ hổng đó, đột nhập vào tổ mối và bắt đầu cắn xé bất cứ kẻ thù nào chúng gặp.
Những con mối Macrotermes bellicosus, thường tự phụ về mê cung thành trì của mình, bấy giờ mới tá hỏa. Cho đến tận khi đàn kiến Megaponera lao được vào trong tổ của chúng thì mối lính M. bellicosus vẫn chưa kịp tập hợp.
Chúng đang phải chống trả cuộc đột kích của kiến Megaponera một cách bị động. Dẫu vậy, sức mạnh của mối lính M. bellicosus là không thể coi thường. Những con mối này sở hữu thân hình rắn chắc và vượt trội so với kiến Megaoonera. Hàm răng của chúng lớn và sắc bén đến nỗi có thể cắt đôi và nghiền nát cơ thể những con kiến.
Nhưng kiến Megaponera cũng có những chiến thuật của riêng mình. Với số lượng áp đảo và tinh nhuệ, chúng có thể đánh hội đồng những con mối lính. Một vài con kiến Megaponera ngoạm răng vào chân mối M. bellicosus trong khi những con khác tấn công nó từ phía trên và phía sau.
Chẳng mấy chốc, cả tổ mối đã phải thất thủ. Những con mối lính hoặc đã bị giết hoặc chỉ còn co cụm lại bảo vệ khu vực tổ mối chúa. Những con kiến Megaponera không cần thiết phải mạo hiểm tấn công nữa. Lúc này, chúng có thể đủng đỉnh nhu nhặt chiến lợi phẩm.
Những con mối chết trận bị kiến tha về tổ. Chúng cũng tha theo những ấu trùng mối nhỏ bé, mềm mại và ngon ngọt. Cả đàn kiến Megaponera lại xếp thành hàng một, ca khúc khải hoàn trên đường về khi ánh nắng xiên chéo xuống nền rừng.
Kiến vận chuyển thương binh của chúng rời khỏi chiến trường
Giống như hiện thân của bộ tộc Matabele anh hùng, trong đa số các cuộc đột kích vào tổ mối, kiến Megaponera đều sẽ giành thắng lợi. Nhưng chiến thắng đẫm máu đó không phải không có cái giá phải trả.
Trong số 500 con kiến Megaponera tham gia cuộc đột kích, có khoảng 50 con sẽ phải bỏ mạng chúng lại tổ mối. Khoảng 50-75 con kiến khác sẽ bị thương nặng khi đấu giáp lá cà với mối lính M. bellicosus.
Những con mối có thể tiết ra hóa chất làm bỏng kiến, chúng cũng có thể cắn rách bụng, gãy chân hoặc thậm chí gãy hàm và đứt đầu của kiến Megaponera. Nhưng cũng chính tại khoảnh khắc này, các nhà khoa học đã quan sát thấy một hành vi mà họ chưa từng thấy trong thế giới động vật.
Những con kiến đang vận chuyển thương binh của chúng rời khỏi chiến trường. Cảnh tượng trông giống như cuộc sơ tán từ sông Marne của liên quân Pháp trong Thế chiến I, nơi đoàn xe cứu thương đầu tiên của loài người chính thức ra đời.
Chuyện kể lại rằng khi quân Đức tiến tới biên giới Pháp vào tháng 8 năm 1914, người Pháp đã không thể phòng thủ biên giới của mình quá 11 ngày. Hơn 75.000 lính Pháp đã tử trận và 200.000 người bị thương trước khi lệnh rút về phòng thủ Paris được đưa ra.
Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là làm sao sơ tán được hàng trăm ngàn thương binh khỏi tiền tuyến? Người Pháp khi đó chỉ có xe ngựa và tàu hỏa. Họ tận dụng xe ngựa để chuyên chở thương binh từ chiến trường ra nhà ga. Nhưng số lượng thương binh nhiều đến nỗi cả la thồ đã được huy động.
Sau khi lên được tàu, lính Pháp đã phải nằm la liệt, họ bị dồn cả vào khoang chở gia súc, nằm trên cỏ khô, không có thức ăn nước uống và không được băng bó. Hậu quả là cứ 5 thương binh được sơ tán khỏi tiền tuyến thì có 4 người sẽ tử vong.
Để rút kinh nghiệm trong trận chiến sau đó ở phòng tuyến sông Marne, người Pháp đã tổ chức một đội xe cứu thương bằng ô tô. Những chiếc xe hạng nhẹ đã được trưng dụng để đi vào tận chiến trường, nơi trước đây người ta tin chỉ có ngựa mới tiếp cận được.
Thương binh vì vậy có thể được cấp cứu kịp thời, tăng tỷ lệ sống sót của họ lên gấp đôi. Thành công này khiến một loạt các hãng xe từ Forrd, Rolls-Royce, Fiat cho đến Crossley và Lanchester bắt đầu cải tiến những chiếc xe của họ thành xe cứu thương và gửi ra chiến trường.
Kể từ đây, những chiếc ô tô có dấu chữ thập đỏ mới ra đời và trở thành phương tiện cấp cứu chuyên dụng cho con người.
Thế nhưng, con người không phải là sinh vật duy nhất biết vận chuyển thương binh rời khỏi chiến trường. Trong những trận đánh của mình với loài mối, hóa ra kiến Megaponera cũng phát triển hoạt động nhân đạo đó.
Trong một nghiên cứu năm 2017, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Wuzburg, Đức do giáo sư, nhà côn trùng học Erik T. Frank dẫn đầu, đã quan sát thấy những con kiến Megaponera ở Bờ Biển Ngà cấp cứu cho đồng đội bị thương.
Sau những cuộc tấn công vào tổ mối, kiến Megaponera duy trì một đội hình "quân y" trên chiến trường, những con kiến sẽ đi kiểm tra từng con kiến khác trong đàn nếu chúng bị thương và cần giúp đỡ.
Có hai trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1: Nếu những con kiến Megaponera chỉ bị thương nhẹ, chúng có thể mất từ 1-2 chân và vẫn có thể đứng dậy. Những con kiến này sẽ tiết ra hai hợp chất pheromone trong tuyến hàm của chúng bao gồm dimethyl disulfide và dimethyl trisulfide. Những con kiến "quân y" sau khi ngửi thấy pheromone sẽ khênh những con kiến này trở về tổ để chăm sóc.
Trường hợp 2: Nếu những con kiến Megaponera bị thương nặng trong trận chiến với mối lính M. bellicosus. Chúng có thể đã bị mối lính xé đứt người, rách bụng hoặc cắn đứt từ 3 chân trở lên.
Những con kiến Megaponera này tự kiểm tra mình không thể đứng dậy và đi lại được nữa. Chúng sẽ không tiết pheromone để kêu gọi giúp đỡ. Những con kiến bị thương nặng sẽ tự hi sinh mình như những chiến binh samurai trên chiến trường.
Một hành vi chưa từng thấy trong thế giới côn trùng
Giáo sư Frank cho biết: "Kiểu hành vi cứu hộ này, tập trung cụ thể vào những cá thể bị thương và khuyết tật sau khi đi săn, là duy nhất ở các loài côn trùng xã hội".
Kiến Megaponera dường như đã tiến hóa để giải cứu những người lính bị thương của chúng. Chi phí cơ hội là rất lớn. Giáo sư Frank đã thực hiện các thí nghiệm quan sát tỷ mỉ cho thấy những con kiến bị thương không được cấp cứu kịp thời có tỷ lệ tử vong lên tới 32%.
Chúng có thể bị tụt lại phía sau, khi đã bị thương, nếu tự mình đi về tổ. Những con kiến này rất có thể sẽ trở thành mồi cho các loài săn kiến khác như nhện đang trực chờ để đục nước béo cò sau trận chiến giữa kiến với mối.
Vì vậy, mặc dù vẫn có thể đứng dậy và đi lại được, những con kiến Megaponera bị thương sẽ chấp nhận nằm im, co mình trong tư thế giống như những con nhộng, để những con kiến khác trong đàn của chúng giải cứu về tới tổ.
Tại đây, những con kiến Megaponera thương binh tiếp tục nhận được chế độ chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ tử vong của chúng sau đó giảm từ 32% về gần 0%. Tính toán của giáo sư Frank cho thấy tỷ lệ này có nghĩa là kiến Megaponera luôn duy trì được quy mô đàn lớn hơn 28,7%.
Điều này đặc biệt cần thiết bởi loài kiến này có tốc độ sinh sản thấp, và thường tổ chức từ 3-5 cuộc đột kích vào tổ mối mỗi ngày. Các nhà khoa học đã quan sát tổng cộng 53 cuộc đột kích của kiến Megaponera và đếm được tổng số 154 con kiến thương binh được giải cứu.
Trung bình có khoảng 15 con kiến Megaponera được cấp cứu từ chiến trường về tổ mỗi ngày. "Có một lợi ích rõ ràng đối với đàn kiến", giáo sư Frank nói. "Những con kiến bị thương này có thể tham gia lại vào các cuộc đột kích mối trong tương lai và vẫn là những chiến binh thiện chiến của đàn kiến".
Nghiên cứu quan sát cho thấy những con kiến bị mất từ 1-2 chân có thể nhanh chóng trở lại chiến trường. Chúng chỉ mất 24 giờ để hồi phục và tập làm quen với việc chạy bằng 4 hoặc 5 chân. Sau đó, tốc độ chạy của chúng sẽ hồi phục, tiệm cận gần như không đổi so với trước khi bị thương.
Những con kiến này ngay lập tức có thể trở lại chiến trường trong đợt tấn công vào một tổ mối mới.
Nhưng không phải tự nhiên mà những con kiến Megaponera có thể đạt được tốc độ hồi phục nhanh đến vậy. Giáo sư Frank cho biết điều thú vị khi nhìn vào nền y tế của loài kiến còn nằm ở trong "phòng phẫu thuật" của chúng.
Sau khi những con kiến bị cụt chi trở về tổ, chúng sẽ được chăm sóc bởi một đội ngũ "bác sĩ phẫu thuật". Giống như những bác sĩ quân y trong Thế chiến I của loài người, kiến cũng đã nghiên cứu được một phác đồ cắt cụt và bảo tồn chi hoàn hảo.
Sự kỳ diệu của nền y tế loài kiến có thể khiến con người phải bất ngờ tới cỡ nào? Mời bạn đọc đón xem phần II bài viết: