Chìm đắm trong không gian Tết người Mông

18/01/2016 - 23:16
Ai đã một lần lên bản nhấp chén rượu ngô thơm nồng, món thịt trâu gác bếp chấm mắc khén rồi cùng nghiêng ngả theo điệu khèn trầm bổng, mới cảm nhận được cái vui ăn Tết cùng bà con người Mông.

Tháng Chạp, nắng vàng như rót mật trải khắp miền sơn cước. Bầu trời trong xanh và sâu thăm thẳm tựa mắt người sơn nữ. Cây cối hai bên đường như hồi sinh sau một giấc ngủ đông dài. Sức sống của cả vùng núi non trập trùng như được bà Tiên vung cây đũa thần đánh thức. Dọc hai bên đường lên Hang Kia – Pà Cò (thủ phủ của người Mông ở Hòa Bình) nhuộm trắng bởi màu hoa mơ, hoa mận. Thứ màu trắng tinh khôi đã khiến bao người say đắm.

Mùa xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở nhuộm trắng cả cao nguyên Mộc Châu

Trên từng kẽ lá màn sương giăng lấp lánh. Cạnh bờ rào đá những thân đào xù xì, mốc thếch cũng bắt đầu hé nụ. Khí Xuân trong lành, khung cảnh đậm chất hoang sơ, người lữ khách như lạc vào một miền cổ tích đẹp đến mê hồn. Bao mệt mỏi của chặng đường dài tan biến thay vào đó là cảm giác yên bình và tự tại. 

Cả cao nguyên Mộc Châu như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài

Cảnh Xuân nơi bản Mông đẹp tựa như một miền cổ tích. Trăm hoa đua nở, lòng người hân hoan. Những ngày vui Xuân ở bản Mông dường như kéo dài không dứt. Nam, phụ, lão, ấu hồ hởi, nhiệt tình tham gia hội xuân. Đám trẻ thì đánh cù, lớp thanh niên say đắm bên điệu khèn, các cụ thăm hỏi, động viên nhau làm ăn.

Thiếu nữ người Mông xúng xính váy áo du xuân

Những thiếu nữ Mông với sắc phục rực rỡ, ngồi bên gốc đào mà cất lên những điệu dân ca Mông. Các bà, các mẹ tất bật với mẻ bánh dày được làm từ gạo nương còn thơm mùi lúa mới. Tất cả những âm thanh của miền sơn cước như hồ hởi, như là lời hiệu triệu mọi người hãy gác lại những tháng ngày vất vả trên nương, trễn rẫy tập trung vào đón năm mới.

Các gia đình tập trung làm bánh dày để đón Tết

Giữa nền trời trong xanh, bà con người Mông ai cũng khoác lên mình bộ quần áo đẹp nhất để vui xuân. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã xua tan cái tĩnh mịch nơi miền sơn cước. Với bà con người Mông có khách đến chơi nhà luôn là niềm vinh hành, khách đến thăm vào dịp Tết thì càng quý. Tính phóng khoáng của người miền núi như đã ăn vào tiềm thức của từng người Mông.

Trẻ em được thỏa sức vui đùa

Gặp nhau giữa bốn bề mây núi là mời nhau vào nhà uống rượu, chia sẻ những buồn vui của một năm cày cấy vất vả. Thứ rượu ngô, men lá được ủ ướp cẩn thận, gia chủ mang ra mời rót vào chiếc bát sóng sánh. Cùng uống, cùng ăn và cùng nắm tay nhau mà múa, hát. Khách đã đến là phải ăn, uống thực bụng. No, say thì ngủ lại. Chăn ấm, nệm êm… tốt nhất được gia chủ trải sẵn mời khách nghỉ.

Các gia chủ sửa soạn mâm cơm cúng gia tiên với lòngthành kính

Đêm giữa bản Mông, trăng sao sáng vằng vặc. Ngày Tết ở nơi đây dường như mọi người không ngủ. Tết cũng là dịp trai gái người Mông tìm hiểu, hẹn hò và cũng là mùa uyên ương xây tổ ấm. Sau cả tháng vui xuân, vui hội, đôi trai gái nào “ưng cái bụng” là cùng nhau kéo về nhà xin phép bố mẹ hai bên. Tình yêu của các đôi trai gái giản dị và chân thành là vậy. Tiếng khèn tìm bạn tình của các chàng trai Mông chẳng dứt. Cả bản Mông được bao phủ bởi những âm thanh trong trẻo của khèn môi, kèn lá. Bên bờ rào đá, các chàng trai vẫn kiên trì dầm sương thổi khèn đợi cho cô gái mà mình đã cảm mến từ lâu ra mở cửa cho mình. 

Trai gái người Mông nô nức vào hội

Những đêm tìm bạn tình tưởng như không dứt của các chàng trai Mông đó như một chất men xúc tác để vùng đất này thêm đẹp, thêm hấp dẫn. Đến các bản Mông ở Pà Cò ăn Tết còn được bà con mang thứ trà shan tuyết trứ danh ra mời. Ai đã uống một lần không thể quên.

Chơi ném pao

Nói như ông Sùng A Sa, già làng của xã Pà Cò: Trà shan tuyết phải được pha với thứ nước suối nguồn tinh khôi, chắt ra từ mạch đá núi nơi đây mới ngon. Cây trà ở đây ngon hảo hạng là bởi vì nó chắt chiu được những gì là tinh túy của trời và đất của Pà Cò cộng lại.

Những mái nhà của bà con người Mông yên ả dưới tán vườn mận

Hòa chung không khí rộn ràng tràn ngập màu sắc và tình yêu thương nơi bản Mông mới hiểu được tấm lòng hiếu khách của bà con người Mông. Trong các tập tục văn hóa ẩm thực đón tết của người Mông, ấn tượng nhất đối với tôi đó là món bánh dày, bánh dày được làm từ gạo nếp nương sau khi đồ chín và giã nhuyễn có sắc mầu trắng hồng, có thể ăn ngay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm