'Chính phụ nữ cũng tạo ra bất bình đẳng giới cho mình'

10/08/2019 - 16:13
Đó là ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia tại phiên thảo luận “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” do Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức mới đây ở Hà Nội.
Tại phiên thảo luận, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết, các chính sách pháp luật hình sự của Việt Nam về xử lý hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trẻ em gái và các chính sách, pháp luật hình sự về xử lý hành vi bạo lực trên cơ sở giới như các tội phạm về mua bán người, trẻ em, tấn công tình dục, các hành vi bạo hành phụ nữ trong hôn nhân gia đình, bóc lột lao động... đang ngày được hoàn thiện theo khung chuẩn quốc tế.
 
 
a2.jpg
Mục đích của phiên thảo luận nhằm hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

 

Tuy nhiên, theo ông Hiển, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy thực thi pháp luật về xử lý phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ, trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao.

 
“Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, đấu tranh chống bạo hành đối với phụ nữ, một mặt phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, mặt khác cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này”, ông Hiển kiến nghị.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng nhiệm vụ chống phân biệt đối xử và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi trách nhiệm chung và cam kết mạnh mẽ của tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, cần phải đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản pháp luật; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới...
 
Đáng chú ý, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, một trong những hạn chế lớn trong thực thi bất bình đẳng giới hiện nay lại đến từ chính phụ nữ do nhận thức chưa đầy đủ về quyền bình đẳng của mình.
 
“Tôi ví dụ trường hợp lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa qua, có một quy định rất tiến bộ và theo chuẩn quy định của công ước quốc tế về lao động đó là thu hẹp khoảng cách về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ. Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm, để phụ nữ vẫn có quyền được lao động và cống hiến như nam giới, nhưng cuối cùng khi đưa ra lấy ý kiến thì lại bị nhiều phụ nữ phản đối vì cho rằng tăng thêm thời gian lao động là không hợp lý, là gánh nặng cho phụ nữ. Nên đây cũng là điều rất khó, có những quy định của công ước quốc tế áp dụng được, nhưng cũng có quy định lại khó áp dụng do tính đặc thù văn hóa…”, ông Bình nêu dẫn chứng.
 
 
a1.jpg

 

Ngoài ra, cũng theo ông Bình, trong luật về lao động hiện hành có quy định là lao động nữ mang thai hoặc có con nhỏ thì các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động không được giao đi làm những công việc nặng hoặc khó khăn như đi công tác xa, trực đêm, lao động nặng… Tuy nhiên, vẫn có những lao động nữ làm được việc này và muốn làm, nhưng lại không làm được vì vướng luật quy định, nghĩa là họ bị tước quyền bình đẳng như những lao động khác. Khi dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động mới đây đưa điều khoản này ra để lấy ý kiến thì đã bị phản đối.
 
“Bất bình đẳng giới không chỉ là do đàn ông áp đặt, mà còn đến từ chính phụ nữ. Thực tế, nhiều phụ nữ đang tự tạo ra bất bình đẳng giới cho chính mình khi không nhận thức được đầy đủ tinh thần của các quy định trong các công ước về bình đẳng giới của quốc tế”, vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH nói.
 
shutterstock-221466097-1920x1280.jpg
Ảnh minh họa

 

Trong phần khuyến nghị cho Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng, cơ quan chức năng cần chú ý hơn nữa đến quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và vụ việc khi nhận được các thông tin từ nạn nhân là những phụ nữ và trẻ em bị xâm phạm.
 
“Điều then chốt để phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới là phá vỡ văn hoá im lặng đang cản trợ nữ giới và trẻ em gái, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trong việc tố cáo các trường hợp bạo lực. Khi nạn nhân tố cáo vụ việc với các cơ quan chức năng, cần đảm bảo rằng họ nhận được sự bảo vệ cần thiết thông qua các biện pháp khắc phục hiệu quả”, bà Caitlin Wiesen nói.
 
Đánh giá về thực thi pháp luật của Việt Nam về đảm bảo bình đẳng giới hiện nay, bà Axelle Nicaise, Đại diện lâm thời Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng Nhà nước Việt Nam trong những năm qua đã có sự quan tâm đến chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới bằng những hành động cụ thể và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. EU cam kết sẽ tiếp tục tài trợ và đồng hành với Việt Nam để đảm bảo bình đẳng giới được cải thiện tốt hơn nữa thông qua khuôn khổ dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE).
 
Việt Nam cam kết thực thi nghiêm túc quy định công ước quốc tế
 
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, mục đích của phiên thảo luận nhằm hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
 
Đồng thời, đây cũng là nơi chia sẻ thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước, cũng như tình hình thi hành các quy định này, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo vệ ngày càng tốt nhóm đối tượng có liên quan.
 
Cũng trong phiên họp này, đại diện phía Việt Nam đã đưa ra các cam kết quốc tế và thực thi các cam kết quốc tế về phòng chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trên nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ...
 
Được biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, từng bước hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm