Cho buýt thường cùng làn buýt nhanh càng thêm rắc rối

15/05/2017 - 07:00
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vận hành được hơn 4 tháng đạt trung bình 40 khách/lượt bằng 50% thiết kế. Để chữa cháy, Hà Nội dự kiến cho buýt thường chạy chung với buýt nhanh nhưng xem ra càng rắc rối.
buyt-nhanh-hn-brt-1.jpg
 Sau hơn 4 tháng hoạt động xe buýt nhanh BRT xuất hiện nhiều bất cập (ảnh TT)

Trong 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng khách đi xe buýt nhanh BRT đạt trung bình khoảng 40 khách/lượt; chỉ đạt 50% so với thiết kế. Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử về việc buýt nhanh chưa phát huy được tác dụng, thiếu sức hút, sản lượng hành khách còn quá thấp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, giải đáp: Hiện nay mới đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh được 4 tháng, “còn quá sớm để thấy được hay hay dở”.

Ông Hải lý giải: Hoạt động của tuyến tuân thủ đúng về vận hành, tổ chức giao thông với 100% chuyến được thực hiện an toàn; tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ trên 98%. Lượng khách tiếp tục tăng. Trong 1 tháng đầu miễn phí đạt trung bình 30 khách/lượt xe. Đến giai đoạn thu tiền 7.000 đồng/lượt thì lượng khách tiếp tục tăng trung bình 40 khách/lượt. Khảo sát có trên 23% lượng khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang xe buýt BRT.

Theo ông Hải, so với tốc độ gia tăng chung của toàn mạng thì BRT có tăng cao hơn, trung bình đạt 13.000 đến 14.000 khách/ngày; có ngày cao điểm trên 17.000 khách. So với cái đích đạt được 100% sản lượng của BRT thì chưa thể thỏa mãn với kết quả hiện tại.

lan-rieng-xe-buyt.jpg
 Các phương tiện cá nhân thường xuyên vi phạm lấn làn, xử phạt chỉ được 50 trường hợp trong 1 ngày rồi phải dừng lại vì người dân phản ứng dữ dội.

Một thực tế đang gây bức xúc của phần lớn người dân tham gia giao thông trên tuyến này là phần đường hỗn hợp bị thu hẹp, các phương tiện khác phải chen chúc, ách tắc trên phần đường quá nhỏ để nhường đường riêng cho xe buýt nhanh. Trong khi làn đường riêng cho xe buýt nhanh lại có nhiều khoảng trống với tần suất 10 phút mới có 1 chuyến, nên làn riêng chưa được tận dụng hết, gây lãng phí.

Một đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, cho biết: Từ bất cập nêu trên, hiện tượng xe máy, ô tô cá nhân vẫn thường xuyên vi phạm, lấn làn riêng cho xe buýt. Việc xử phạt chỉ được tiến hành trong một ngày, xử lý với 50 trường hợp vi phạm. Sau đó, việc xử phạt lỗi lấn làn đường riêng buộc phải dừng lại vì người dân phản đối quá mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, cũng nhìn nhận việc duy trì mức 10 phút/1 lượt buýt BRT sẽ “có những khoáng trống, nên mọi người sẽ thấy có những lãng phí của làn đường riêng”. 

Ông Hải cho biết thêm: UBND Hà Nội đã chỉ đạo “cho buýt thường chạy chung làn xe buýt nhanh”. Trung tâm này đang tiến hành khảo sát, triển khai thí điểm nhằm tăng cường năng lực của làn đường riêng hiện có. Theo ông Hải, buýt thường chạy chung đường riêng sẽ tạo điều kiện cho buýt thường chạy nhanh hơn và giảm xung đột với các luồng giao thông khác trên tuyến, tăng cường năng lực vận tải và giảm sự lãng phí làn đường riêng.

Tuy nhiên, một loạt các bất cập mới sẽ phát sinh, xe buýt thường không thể trả khách ở bến chờ của buýt nhanh vì cửa lên xuống không cùng chiều. Xe buýt thường vẫn phải trả khách ở bến cũ đường bên phải. Thực tế cho thấy, xe buýt thường tạt vào điểm chờ tạo ra xung đột với các phương tiện khác, gây nguy hiểm và xảy ra nhiều vụ tai nạn cho người điều khiển phương tiện cá nhân.

Ông Hải cho biết thêm: “Đầu tư vào vận tải công cộng không bao giờ thừa và quá muộn”. Hiện tại, nhìn vào số tiền đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng cho tuyến BRT “có thể là đắt”. Tuy nhiên, đầu tư không phải để kinh doanh thu lợi nhuận, mà là đầu tư vào cho bộ mặt giao thông và giải quyết những vấn đề giao thông của Thủ đô. “Đánh giá hiệu quả cần phải nhìn vào hiệu ứng xã hội. Trong khi giao thông tuyến này đã rất phức tạp, với số dân rất lớn, nếu không đầu tư thì tuyến này sẽ tắc từ sáng đến chiều. Giao thông Hà Nội sẽ... chết cứng”. Hướng phát triển giao thông công cộng vẫn là giải pháp hợp lý, bền vững, ông Hải khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm