Chợ Cháy huyền thoại của Thứ phi vua Lý Anh Tông

11/09/2016 - 08:00
Đó là bà Hoàng Thị Hồng, thứ phi của vua Lý Anh Tông. Bà đã có công lập chợ, đắp đường, khiến cho một vùng quê nghèo khó trở nên sầm uất, giàu có.

Hoàng Thị Hồng người làng Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tương truyền, cha mẹ bà sinh được 3 chị em gái, cả 3 đều xinh đẹp, giỏi giang, từ chăn trâu, cắt cỏ, cấy hái, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa việc gì cũng khéo léo. Riêng Hoàng Thị Hồng, trong lòng bàn tay bà có vân tay hình chữ vương.

Thần phả chép rằng bà thông minh tinh nghịch, thường khéo bày trò vui, trong các trò chơi luôn thắng cuộc, mỗi lần thắng bọn trẻ lại kiệu bà về tận nhà.

Mùa xuân năm Tân Mão 1171, vua Lý Anh Tông muốn tìm hiểu hình thế núi sông và đời sống của nhân dân nên tiến hành tuần du miền duyên hải. Khi ngang qua đất Cẩm Chế, thấy nơi đây non nước hữu tình, ruộng đồng tươi tốt, dân đông vật thịnh, cuộc sống thanh bình, đức vua liền dừng chân để thưởng ngoạn cảnh sắc phong vật. Trong lúc ông đang mơ màng ngắm cảnh, bỗng nghe một giọng ca trong trẻo vút lên từ ruộng dâu:

Vua cha lắm bạc nhiều vàng

Uy quyền cao thượng xin chàng chớ quên

Mong người tích đức tu nhân

Mai sau sự nghiệp ghi thành sử xanh.

Tiếng hát vô tình đã khiến nhà vua cảm kích, ông lệnh cho đi tìm người con gái có giọng hát hiếm có đó. Hình ảnh cô gái quê đang độ xuân sắc tràn căng sức sống với nước da mịn màng, cặp mắt thông minh đen láy trong buổi chiều trên bãi sông đã khiến bậc quân vương động lòng. Ông lệnh cho đưa cô cùng về kinh. Từ đó Hoàng Thị Hồng trở thành thứ phi trong hoàng cung nhà Lý.

n-th-b-hong-th-hng.jpg
 Đền thờ thứ phi Hoàng Thị Hồng ở Hải Dương.

Sống nơi kinh thành, được vua yêu chiều, kẻ hầu người hạ nhưng nỗi nhớ về cha mẹ và hai em, về cuộc sống tự do nơi miền quê yên ả khiến bà buồn phiền đến sinh bệnh. Bà xin phép được về thăm quê.

Về quê, thấy vùng quê mình chưa có chợ, dân phải đi rất xa mới mua bán trao đổi được hàng hóa nên cuộc sống nghèo khó, vất vả, bà đem toàn bộ số tiền bạc vua ban cho dân lập chợ. Bà lại cho bắc cầu, đắp đường, khơi thông con sông từ Đồng Bẽ sang Minh Đình, Ao Vang để việc chuyên chở hàng hóa lên chợ được thuận lợi.

Hết hạn cho phép, thứ phi vội vã rời quê về kinh. Trên đường về, phát hiện ra mình có thai, lọ sợ vua sẽ hiểu nhầm mình thất tiết trong thời gian về quê, và chuyện đó nếu không thanh minh được sẽ liên lụy đến rất nhiều người nên bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Khi đó bà mới tròn 20 tuổi.

Vua Lý Anh Tông được tin báo vô cùng tức giận, vừa giận bà hồ đồ non dạ, vừa thương tiếc người cung phi thông minh, xinh đẹp, hiền lành, đức độ. Trong lúc nóng giận, ông lệnh cho đốt trụi chợ Cẩm Chế để xóa đi hình ảnh của bà. Chợ Cẩm Chế cháy rụi trước sự bàng hoàng của dân cư trong vùng.

Một đêm, vua Lý Anh Tông mộng thấy bà về khóc lóc trách vua về việc đốt chợ, vua hối hận bèn ban lệnh cho xây lại chợ Cẩm Chế, đồng thời cho dựng đền thờ bà hướng ra chợ và phong tặng bà làm Hoàng thái hậu. Từ đó, trải các đời, bà đều được sắc phong là Lý triều Hoàng thái hậu.

Chợ Cẩm Chế sau đó được dân trong vùng gọi là chợ Cháy. Nhờ thuyền bè bộ hành qua lại thuận tiện, hàng hóa được thông thương nên chợ Cháy trở thành ngôi chợ nổi tiếng đông vui. Nghề buôn bán dần được mở rộng sang cả Cam Lộ khiến khắp vùng trở nên giàu có sầm uất.

Bà Hoàng Thị Hồng sau đó được dân làng thờ làm Thành hoàng. Đền thờ bà được dân trong vùng tu sửa mở rộng dần, đến nay đã thành một quần thể kiến trúc uy nghi. Hiện thần vị trong đền ghi rõ là Lý Thái hậu thần vị. Hàng năm vào tháng 2 âm lịch dân làng đề mở hội tế.

Cho đến nay chợ Cháy vẫn họp đông vui như suốt hàng trăm năm qua. Chợ họp liên tục vào các ngày trong tháng nhưng cứ 5 ngày lại có một ngày phiên. Vào ngày phiên, chợ Cháy như một ngày hội của nhân dân trong vùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm