Định mệnh đưa hai con người đó đến với nhau cũng giống như những câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết. Ngày ấy, cô gái vừa đi du học ở Mỹ về có buổi gặp gỡ tiệc tùng với bạn bè đến hơn 12 giờ đêm mới trở về nhà. Khi đi qua con đường vắng ven sông bất chợt có ba kẻ lạ mặt lao ra chắn đường cô. Họ là những thanh niên càn quấy, đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ, ăn mặc kỳ dị, miệng sặc sụa hơi men. Họ giữ xe cô lại, cười nhăn nhở, “mời” cô đi chơi cùng họ. Một kẻ trong số họ còn kéo mặt cô lại gần và hôn vào má cô. Phản ứng tự vệ, cô giang tay tát thẳng cánh vào mặt hắn hét lên: “Đồ khốn nạn”! Lập tức cả ba thằng lao vào đẩy cô ra khỏi xe, một thằng giằng lấy tay lái, một thằng định bế cô lên xe, ngồi kẹp đằng sau để cho thằng bạn kia chở đi. Đúng lúc ấy có một thanh niên đi xe đạp tới. Cô kêu thảm thiết: “Anh ơi cứu em với! Bọn nó định làm hại em”! Người thanh niên lập tức vứt xe đạp vào dệ đường, xông ra đấm đá giải cứu cho cô. Ban đầu cả ba thằng lao vào đánh anh, nhưng rồi chúng nhận ra đối thủ không phải tay vừa. Một thằng hét lên: “Nó có võ đấy, chuồn thôi”. Người thanh niên dựng giúp cô chiếc vespa 125 mầu trắng bị bọn kia xô đổ chỏng trơ giữa đường, nổ máy giúp và bảo cô hãy về đi. Nhưng toàn thân cô vẫn run như cầy sấy, chân vẫn như muốn khuỵu xuống, không sao bước lên xe được. Cô mếu máo bảo anh có thể đi cùng cô nốt đoạn đường về nhà không? Tất nhiên anh đã giúp cô. Trước khi vào nhà, cô đã kịp xin số điện thoại của anh để rồi mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Tình cờ, anh lại là kỹ sư mới được tuyển về nhà máy trong công ty của bố cô. Cô đã vô cùng động lòng trắc ẩn, đã khóc rất nhiều khi biết rõ hoàn cảnh của anh. Bố anh đã bỏ rơi ba mẹ con để chạy theo người tình khi anh mới ba tuổi. Mẹ đã tần tảo, “cắp” hai đứa con tha hương, làm đủ nghề để cho con được ăn học. Hàng ngày nhìn anh đi chiếc xe đạp cà tàng đến nhà máy làm việc, đến thăm phòng trọ tồi tàn, thiếu thốn mọi thứ của anh, không lần nào cô không rơi lệ. Dần dà, cô hay so sánh anh với chàng người yêu rất môn đăng hộ đối mà bố mẹ cô đã “chấm”. Người ấy rất sành điệu trong việc dùng hàng hiệu, rất quan tâm đến nhà lầu, xe hơi sang trọng nhưng câu cửa miệng luôn là: “Khi nào chúng mình cưới nhau, anh sẽ yêu cầu bố mẹ mua cho chúng mình”… Và chẳng biết từ lúc nào cô đã đem lòng yêu vị cứu tinh của mình.
Cô đã dứt khoát chia tay người yêu cũ mặc cho bố mẹ quyết liệt ngăn cản. Liều lĩnh hơn, cô đã cố tình làm chuyện “gạo đã nấu thành cơm” để bố mẹ vì sĩ diện mà buộc phải chấp nhận tổ chức đám cưới cho cô. Sau ngày cưới, đương nhiên vợ chồng cô được bố mẹ mua cho một căn hộ cao cấp với đầy đủ tiện nghi sang trọng. Cô đã bù đắp, “nâng cấp, lên đời” cho người chồng mà cô vô cùng ngưỡng mộ, biết ơn.
Cô vừa thương, vừa cảm động, khi chồng cô ban đầu tỏ ra khó thích nghi với cuộc sống của “tầng lớp trung lưu” trong gia đình cô. Anh có vẻ ngượng ngùng, thiếu tự tin khi mặc những bộ quần áo đắt tiền mà vợ sắm cho. Vào những nơi ăn uống, chơi bời sang trọng, đắt tiền anh rất ngại ngần. Nhưng rồi anh bắt nhịp với lối sống phong lưu rất nhanh chóng, thậm chí khiến cô thấy choáng. Anh mua sắm đồ hàng hiệu không tiếc tiền, thay xe máy liên tục rồi còn đòi mua chiếc xe đạp kiểu thể thao cả trăm triệu đồng cho hợp với trào lưu xã hội. Anh ra khỏi nhà nhiều hơn. Sau ngày cưới, của hồi môn bằng tiền mặt bố mẹ cho cô cả tỷ đồng mà chưa đầy hai năm đã hết sạch. Cô lại phải tìm lý do cần mua sắm thứ nọ thứ kia, lại tỷ tê, nũng nịu để bố “bắn” thêm vào tài khoản cho cô con gái cưng. Tất nhiên chuyện chồng tiêu pha hoang phí, ăn chơi quá đáng cô đều giấu nhẹm, không cho bố mẹ biết.
Anh mua sắm đồ hàng hiệu không tiếc tiền, thay xe máy liên tục rồi còn đòi mua chiếc xe đạp kiểu thể thao cả trăm triệu đồng cho hợp với trào lưu xã hội (ảnh minh họa)
Rồi cô sốc thực sự khi bọn xã hội đen đến nhà cô đòi nợ. Lúc đó chồng cô đành phải khai anh đã vay nợ lãi của chúng trong những lần chơi bài bạc thua lỗ. Anh ta đã cầu xin cô hãy cứu anh và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Nhưng rồi đã có lần hai, lần ba. Anh ta không chỉ bài bạc, cá độ bóng đá mà còn cả gái gú tùm lum. Có lần trong khoảng hơn một tuần, cô không sao sống yên ổn được vì bị một ả giang hồ gọi điện đến quấy phá, nói rằng chồng cô đã làm cô ta có thai rồi bỏ của chạy lấy người. Nhưng chồng cô một mực chối cãi, nói rằng cũng có chơi bời với cô ta nhưng không thể có con với cô ta được. Chẳng qua là cô ta muốn tống tiền anh ta mà thôi. Đúng là khi cô đành bỏ ra năm mươi triệu đồng đưa cho cô ta thì từ đó cô ta không gọi đến đến nhà chửi bới, đe dọa nữa…
Người vợ ấy khóc rất nhiều, nói với Thanh Tâm rằng đây là lần thứ ba cô có quyết định ly hôn. Hai lần trước chồng cô đều quỳ xuống xin cô tha thứ. Anh ta còn nói rằng nếu cô không tha thứ thì anh chỉ còn con đường tự sát mà thôi. Và lần này cũng như vậy. Cô nói rằng cô đã khinh bỉ anh đến tận cùng rồi. Vì cô nghĩ anh năn nỉ, van nài cô tha thứ chẳng qua là anh không thể quay lại sống cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn trăm bề như trước đây được nữa mà thôi. Cô nói tại sao một người mạnh mẽ, có nghĩa khí như anh lại trượt dốc không phanh như thế? Phải chăng trong người anh ta có gien di truyền dòng máu bất lương của bố anh ta? Phải chăng anh ta được hưởng thụ quá dễ dàng những thứ mà không phải anh ta khó nhọc làm ra nên mới đổ đốn như thế? Thanh Tâm cũng băn khoăn tự hỏi một người như vậy liệu còn thay đổi được nữa không? Vả lại khi đã khinh bỉ nhau đến tận cùng rồi thì làm sao còn cố sống với nhau được nữa? Ơn cứu mạng không phải để rồi phải chịu dày vò, khổ nhục cả một cuộc đời. Xem ra ở đời để vẫn là chính mình trước những cám dỗ vật chất, những thứ từ trên trời rơi xuống quả là quá khó.