Những trang phục không phù hợp với lứa tuổi đôi khi trở thành thảm họa (Ảnh minh họa)
Dù đã qua tuổi băm, song cô vợ lúc nào cũng “nhí nhảnh như cá cảnh” bằng trang phục rất teen. Ai đời, ngày Chủ nhật đến thăm thầy cũ, cô “chơi luôn” một cái áo sơmi trắng, dài vừa đủ che khuất cái quần lửng bó sát (theo mốt giấu quần)! Nhìn từ phía sau, phía trước, chồng có cảm giác như vợ quên mặc… quần! Thật ra gu ăn mặc này không xa lạ với các bạn trẻ, họ vẫn tung tăng ngoài phố mà ai cũng thấy bình thường. Thế nhưng ở lứa tuổi của vợ mình, anh thấy cứ như đang “cưa sừng làm nghé”.
Thật vậy, đến một lứa tuổi nào đó nhưng nhiều người cứ muốn “mãi mãi tuổi hai mươi”. Vào mỹ viện “mông má”, “tút” lại nhan sắc xem ra tốn kém tiền bạc và nhiều bất trắc quá nên ưu tiên hàng đầu vẫn là chọn cách ăn mặc. Chẳng hạn, khi đối diện người phụ nữ thì cặp mắt của đàn ông chăm chú nhất ở vòng nào? Sau khi tự hỏi, bà xã nhà tôi sắm luôn những bộ áo rộng cổ như muốn khoe đôi “gò bồng đảo” vẫn còn thanh xuân chán! Cái sự “khoe” này chẳng lạ, qua cách ăn mặc đó, họ chỉ muốn khẳng định, muốn chứng minh họ vẫn xuân xanh 18! Ấy cũng là một cách ngấm ngầm nhắc nhủ rằng ta đây còn trẻ, còn đẹp nên những ai đó trẻ hơn cũng đừng hòng có thể nhảy xổ vào “một nửa” của họ đang đứng bên cạnh!
Ngược lại, có nhiều người đàn ông bao giờ cũng nghĩ mình luôn luôn trẻ, còn thừa sức hấp dẫn phụ nữ nên họ chọn cách ăn mặc không khác gì… trai mới lớn. Đã thế, nhằm khoe bộ giò còn “ngon” nên hễ xuất hiện ở cơ quan vợ, anh luôn diện quần lửng, áo thun bó sát người như để khoe luôn body cuồn cuộn! Lúc thể hiện sự trẻ trung “quá cỡ thợ mộc” này, người đàn ông muốn gì? Câu trả lời chung nhất là họ muốn chứng tỏ cho các cô nàng trẻ tuổi, mơn mởn hơn… vợ mình thấy rằng họ vẫn còn “phong độ”, “ngon cơm ngọt canh” chứ không phải “trên bảo dưới không nghe”. Tha hồ cho các nữ đồng nghiệp của vợ trố mắt nhìn rồi thán phục nhá!
Ăn mặc trẻ trung đến độ “bất cần tuổi tác” là một lẽ, nhưng vấn đề còn quan trọng không kém là chọn mặt hàng gì? Không phải ngẫu nhiên có câu thành ngữ hiện đại: “Quen sợ dạ, lạ sợ hàng hiệu”. Nhiều người đã “khóc ròng” bằng cách nhại thơ T.T.Kh nhằm than thở cái sự đời: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui/Bảo rằng: Em chỉ… mê “hàng hiệu”/Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”. Đúng quá, sau nhiều lần cãi cọ với vợ bất phân thắng bại, anh bạn tôi đã quyết định “cấm vận” tài chính, chỉ vì tiếc tiền. Ai đời, khi có dư dả một chút, có đồng ra đồng vào lập tức cô vợ thay đổi quần áo. Phải là “hàng hiệu”! Cô lý sự: “Anh có thấy các cô gái trẻ ngày nay ăn mặc các loại hàng gì không? Chẳng lẽ anh bảo em không còn trẻ trung như họ à?”.
Thiết nghĩ, trang phục dù “hàng hiệu”, dù hàng bình thường thì điều cốt lõi vẫn là phép ứng xử trong từng trường hợp cụ thể. Trao đổi với tôi, một hoa hậu cho biết cô cảm thấy áy náy, thậm chí xấu hổ lúc tham gia từ thiện phát quà cho trẻ nhỏ vùng sâu vùng xa, thăm bệnh nhân nghèo trong bệnh viện… Đứng trước cảnh đời bất hạnh ấy, hình ảnh sao mà tương phản bởi trang phục diêm dúa, lộng lẫy như bà hoàng của hoa hậu giờ trở nên kệch cỡm quá!
Tương tự, nhiều đôi có khi lại dằn dỗi chỉ vì chuyện ăn mặc cực kỳ lãng xẹt! Anh Lưu, bạn tôi, đưa người yêu về thăm quê, “ra mắt” bố mẹ. Muốn tạo ấn tượng nên nàng chưng diện như dự dạ hội. Vậy mà, trong mắt bố mẹ chồng tương lai, nàng lại “mất điểm”. Tại sao? Quần áo nàng đang chưng diện “chỏi” với khung cảnh xung quanh. Sau “sự cố” đó, dù chẳng ai nói ra nhưng anh Lưu khôn khéo nhắc người yêu thay đổi trang phục khi về quê. Nhờ vậy, nàng dần dà mới lấy được tình cảm của phụ huynh khó tính.
Nhiều chuyên gia thời trang cho rằng, đừng nghĩ chỉ “hàng hiệu” mới tạo nên hình ảnh trẻ trung mà trang phục phải hợp vóc dáng, tuổi tác và người mặc cảm thấy phù hợp, thỏa mái. Trang phục cũng cần phải thay đổi tùy theo lúc xuất hiện trong không gian nào, ý nghĩa của cuộc gặp gỡ ra sao. “Đẹp vì lụa” nhưng cũng phải tùy vào khả năng tài chính và tuổi tác của mỗi người.