pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chốc mép là bệnh gì? Chốc mép có lây không?
Chốc mép (tiếng anh là Angular Cheilitis - viêm môi vùng mép) thường bị nhầm lẫn với bệnh Herpes môi với nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào nguyên nhân là gì mà vết chốc mép có thể kéo dài vài ngày hoặc dễ tái phát.
1. Chốc mép là bệnh gì?
Chốc mép hay còn gọi là lở mép, là tình trạng viêm các góc của miệng, có thể hơi lan lên môi hoặc da nhưng chủ yếu vẫn là viêm tại các mép (khóe) miệng.
Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bản thân bệnh không lan ra ngoài khu vực mép miệng nhưng nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn và không được điều trị thì nhiễm trùng có thể lây lan sang các vùng khác.
2. Triệu chứng của chốc mép
Một người bị chốc mép thường gặp các triệu chứng xảy ra ở hoặc xung quanh khóe môi và miệng, bao gồm:
- Các vết nứt ở khóe miệng
- Sưng tấy
- Cảm giác đau, rát, đặc biệt khi há miệng rộng hoặc nói chuyện
- Sưng đỏ, rộp
- Chảy máu
- Đóng vảy, bong tróc da.
Một số trường hợp bị chốc mép cũng báo cáo các triệu chứng khác bao gồm miệng có vị khó chịu, cảm giác môi và miệng nóng rát như bị bỏng, môi khô hơn.
Các triệu chứng sẽ có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Với người bị chốc mép mãn tính, các vết nứt thường đau dữ dội, khó chịu và có những giai đoạn lành bệnh theo chu kì rồi sau đó các triệu chứng lại quay trở lại bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
3. Nguyên nhân gây chốc mép
Có nhiều nguyên nhân gây chốc mép và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến mà bạn cần chú ý:
- Nhiễm nấm, đặc biệt là nấm Candida là nguyên nhân phổ biến nhất gây chốc mép và cũng là nguyên nhân khiến chốc mép tái phát.
- Nhiễm khuẩn, thường là do vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus phổ biến gây chốc mép ở trẻ em.
- Thiếu hụt dinh dưỡng, như thiếu vitamin B2 (riboflavin), B3 (niacin), B6, B9 (acid folic), B12, sắt và kẽm.
- Hành vi như liếm môi/liếm mép thường xuyên hoặc mặc răng giả không vừa vặn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị chốc mép có thể kể đến như: đang niềng răng hoặc dùng răng giả; người bị tiết nước bọt quá mức; khớp cắn lệch; da môi chảy xệ do tuổi tác hoặc giảm cân; thói quen mút ti giả hoặc mút ngón cái; có chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng; các tình trạng sức khỏe cụ thể, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, viêm da dị ứng, bệnh crohn, bệnh viêm ruột, hội chứng Sjögren, các bệnh ung thư thận, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy hoặc các vấn đề về miễn dịch như hội chứng lupus ban đỏ, HIV.
4. Chốc mép có chữa được không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến bạn bị chốc mép là gì mà cách chữa trị cũng khác nhau. Chẳng hạn:
- Nếu do nhiễm nấm, bác sĩ có thể kê đơn các loại kem chống nấm hoặc thuốc uống để loại bỏ nhiễm trùng do nấm cũng như giữ cho vùng khóe miệng bị ảnh hưởng không bị nhiễm trùng trong tương lai. Nếu bạn đang thắc mắc bệnh chốc mép bôi thuốc gì thì một vài loại kem chống nấm điều trị chốc mép phổ biến có thể kể đến như nystatin, clotrimazole, minonazole, ketoconazol.
- Nếu do nhiễm khuẩn, điều trị có thể bao gồm thuốc kháng sinh đường uống và đường bôi da. Thuốc kháng sinh cho bệnh chốc mép phổ biến là mupirocin và axit fusidic. Kết hợp với kháng sinh bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm thuốc bôi kê đơn là steroid liều thấp để giảm viêm.
- Đối với trường hợp liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin B complex, sắt và kẽm có thể được khuyến nghị.
Ngoài ra, người bị chốc mép cần chú ý đến việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt và tránh thói quen liếm môi để vùng bị tổn thương luôn được khô rát, tốt nhất đừng để nước bọt đọng lại ở khóe miệng. Các loại son dưỡng ẩm cũng có thể hỗ trợ kiểm soát và giảm nhẹ cảm giác nứt nẻ ở khóe miệng.
Trong trường hợp răng giả không vừa vặn, có thể cần phải điều chỉnh lại để giảm nguy cơ tái phát.
Mất bao lâu để vết chốc mép lành lại?
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà thời gian vết lở mép lành lại sẽ có sự khác biệt. Có thể mất tới hai tuần để da khóe miệng lành lại cũng như các triệu chứng chốc mép biến mất.
5. Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan tới tình trạng chốc mép:
- Chốc mép có lây không?
Chốc mép không phải bệnh lây nhiễm, theo Very Well Health. Tuy nhiên, nếu chốc mép do nhiễm nấm Candida hoặc nhiễm khuẩn, thì vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp dưới một số điều kiện nhất định. Việc tránh chia sẻ đồ dùng cá nhân như khăn mặt, cốc, hoặc đồ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ lây lan các mầm bệnh.
- Chốc mép có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, tình trạng chốc mép có thể kéo dài hoặc tái phát, dẫn đến nứt nẻ và chảy máu ở khóe miệng hoặc nặng hơn là gây ra nhiễm trùng thứ phát. Với chốc mép do thiếu hụt dinh dưỡng, nếu kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe tổng thể.
- Chốc mép có phải một dạng Herpes miệng?
Không. Chốc mép và Herpes miệng là hai tình trạng khác nhau. Herpes miệng hay còn gọi là rộp môi. Virus herpes simplex là tác nhân chính gây nên bệnh Herpes môi. Virus này có 2 dạng là herpes simplex type 1 (HSV-1) gây nên vết lở ở môi thậm chí cũng có thể ở vùng kín hình thành nên bệnh, herpes simplex type 2 (HSV-2) làm xuất hiện mụn rộp sinh dục.
Bệnh lây truyền qua việc sử dụng chung đồ mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân như cốc nước, hôn môi và quan hệ tình dục bằng miệng. Bệnh này có thể kiểm soát nhưng không hoàn toàn chữa khỏi.
Thay vì vết nứt và bong/đóng vảy ở khóe miệng như chốc mép thì Herpes miệng chủ yếu hình thành ở viền môi (vùng ranh giới giữa môi và da) với các vết rộp như mụn nước và khi vỡ ra thành các vết loét.
- Chốc mép có phải bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) không?
Không. Như đã nói ở trên, chốc mép thường không lây và cũng không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp. Chốc mép khiến da bị kích thích và nứt nẻ, có thể dễ bị nhiễm trùng hơn, nhưng STI không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này (STI đề cập đến nhiễm mầm bệnh lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch âm đạo hoặc các chất dịch cơ thể khác khi quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục với bạn tình bị nhiễm bệnh).
- Chốc mép có tái phát không?
Có. Chốc mép hoàn toàn có thể tái phát và tái phát nhiều lần, đặc biệt nếu bạn không điều trị dứt điểm hay nguyên nhân cơ bản gây chốc mép không được giải quyết. Với chốc mép nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới nhiều đợt tái phát và cần được điều trị suốt đời.
Nhìn chung, chốc mép có thể phòng ngừa được bằng cách giữ cho môi khô ráo, tránh các thói quen như liếm mép/liếm môi và thực hành vệ sinh răng miệng tốt. Nếu đang có các bệnh lý cần điều trị thì cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh gây ra các rủi ro sức khỏe liên quan.