Chọn đối tác và mô hình chuẩn, VinUni dễ thành công

10/04/2018 - 15:24
Bên cạnh việc công bố đối tác là các trường đại học hàng đầu thế giới, Đại học VinUni thuộc Tập đoàn Vingroup tiếp tục khiến nhiều chuyên gia đặt niềm tin bởi lựa chọn mô hình phi lợi nhuận. Đây là mô hình được đánh giá mang tính đột phá trong bối cảnh hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam.
anh-vinuni_size-nho.jpg Phối cảnh dự án Trường đại học VinUni 
“Cái nôi” gặt giải Nobel đặt nền móng cho VinUni

VinUni sẽ hợp tác và liên kết với Đại học Cornell là thông tin gây sửng sốt cho hầu hết những người công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam, bởi Cornell là một trong những “cái nôi” của giải Nobel với 46 gương mặt gồm giáo sư và sinh viên từng học ở Cornell (công bố trên website của trường).

Bên cạnh đối tác danh tiếng thuộc top 20 trường Đại học hàng đầu thế giới, VinUni còn gây bất ngờ bởi mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới (world - class university).

“Để đạt được mục tiêu đóng góp cho Việt Nam một trường đại học đẳng cấp thế giới, chúng tôi xác định VinUni cần có những đối tác ở đẳng cấp cao nhất hỗ trợ xây dựng chiến lược dài hạn, chuyển giao năng lực quản trị đại học cũng như năng lực giảng dạy và nghiên cứu hay xây dựng đội ngũ”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bà Lê Mai Lan chia sẻ.

Nhận xét về sự hợp tác “chưa từng có” tại Việt Nam trong giáo dục đại học này, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT đánh giá: “Đây là điều tuyệt vời, bởi về nguyên tắc, không thể xây dựng trường đại học tốt nếu không chấp nhận toàn cầu hóa”

Đi sâu phân tích vào giá trị của sự hợp tác đối với VinUni, ông Trần Đức Cảnh, cố vấn Hội đồng tuyển sinh của Đại học Harvard, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, với các trường khoảng top 50 thế giới thì nhu cầu liên kết của họ không nhiều. Chính vì vậy, sự hợp tác này cho thấy Đại học Cornell đã thấy được “điều gì đó” từ VinUni, có thể là tầm nhìn, sứ mệnh hay những giá trị mà VinUni hướng tới.

Với 3 lĩnh vực đào tạo là kinh doanh , công nghệ và khoa học sức khỏe, VinUni sẽ được đối tác chiến lược là Đại học Cornell hỗ trợ trong việc thẩm định chất lượng chương trình, các giáo sư Đại học Cornell trực tiếp dạy một số môn. Sinh viên VinUni cũng có cơ hôi học tập một số môn, thậm chí tùy vào ngành học , họ có thể học một học kỳ tại Cornell hay Penn. Trong thời gian học tập, sinh viên VinUni được quan tâm, đối xử như các sinh viên chính khóa của hai trường này, tín chỉ và kết quả học tập được trường đối tác công nhận và xác thực.

Bên cạnh đó, đối tác cũng giúp kết nối VinUni với những giáo sư hàng đầu trong các lĩnh vực trường đào tạo.

Phi lợi nhuận - đường vào top đại học tinh hoa

Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại Harvard, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới, ông Trần Đức Cảnh đánh giá việc VinUni phát triển trường theo mô hình phi lợi nhuận là lựa chọn rất phù hợp và có thể nói là mang tính đột phá trong bối cảnh hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam.

“Như tại Mỹ, 20 trường đại học hàng đầu nước này đều hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận đã chứng minh tính ưu việt của mô hình này trong việc hướng đến chất lượng đào tạo ở mức cao nhất”, ông Cảnh nêu dẫn chứng.
anh-hop-tac.jpg
Tổng Hiệu trưởng (Provost) ĐH Penn đón tiếp đoàn Vingroup

Đồng quan điểm, Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, cho rằng, giáo dục có đặc thù ở chỗ sản phẩm là con người nên nếu đặt mục tiêu trường đại học đẳng cấp quốc tế thì phải là mô hình phi lợi nhuận.

Bởi trường phi lợi nhuận có điều kiện tài chính tốt hơn do không phải chia lợi nhuận cho các cổ đông, từ đó có khả năng cấp học bổng cao hơn cho học sinh, sinh viên giỏi thuộc các gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó trường sẽ tuyển, đào tạo, duy trì được một lượng học sinh, sinh viên giỏi, có mức độ cạnh tranh cao, sẽ nâng cao vị thế của trường. Đó là ý do tại sao về lâu dài các trường theo mô hình phi lợi nhuận có khả năng sẽ phát triển tốt hơn các trường khác.

Làm rõ hơn khái niệm phi lợi nhuận của VinUni, bà Lê Mai Lan cho biết: “Theo luật hiện hành, công ty phi lợi nhuận chỉ cần dành ra trên 51% lợi nhuận để nghiên cứu, đầu tư, phát triển hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ… nhưng VinUni cam kết sẽ dành toàn bộ 100% lợi nhuận thu được cho các hoạt động tái đầu tư”.
Cũng theo bà Lan, với việc không chia lợi nhuận, trường sẽ được liên tục đầu tư nâng cấp toàn hệ thống, từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… đến các chế độ học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, hướng đến chất lượng đào tạo ở mức cao nhất.
Khởi đầu tốt sẽ tiến đến thành công

Vingroup cho biết sẽ đầu tư xây dựng VinUni dựa trên các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế. Chi phí đầu tư giai đoạn một của trường (đến năm 2030) ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác quản lý giáo dục đại học, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, nhận xét tiền chỉ là một yếu tố.

“Ngoài tiền, cơ sở vật chất còn cần nhiều yếu tố khác như đội ngũ giảng viên, công tác quản lý, môi trường, chính sách tuyển sinh… Vingroup là một tập đoàn lớn và tổ chức bài bản, tôi đánh giá họ có thể làm tốt khi xây dựng thương hiệu VinUni, giống như các thương hiệu khác họ đã làm”, ông Lập nói.

Cũng đánh giá cao những nỗ lực của Vingroup nhưng nhìn một cách toàn diện hơn, ông Trần Đức Cảnh cho rằng VinUni đã có một bước khởi đầu rất tốt: “Với những gì VinUni đã làm được đến thời điểm này, cả về mức độ đầu tư lớn, cơ sở vật chất tốt, hợp tác với những trường hàng đầu, thu hút được nhân tài, cả người dạy lẫn người học đều giỏi, là điều kiện thuận lợi rất lớn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm