Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội tư vấn về phương pháp “Bơi tự cứu” gồm 4 bước rất đơn giản, không tốn kém, có thể tập dượt thành thạo trước trên cạn để khi bị rơi xuống nước thì sử dụng:
Thực hành bơi tự cứu |
Thứ nhất: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên. Muốn bình tĩnh được thì phải tập nín trước ở trên cạn hoặc tập thở ra bằng cách úp mặt vào chậu nước.
Thứ hai: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu. Thực chất đây là thả nổi nhờ lực đẩy nổi Archimedes của nước. Nhớ rằng bình tĩnh thì nổi - hoảng loạn thì chìm.
Thứ ba: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn. Nhớ rằng quạt hay đạp nước phải có lực và có nhịp như dancing. Đạp quạt không có lực thì không bơi được, nhịp mà loạn xạ thì lực và phản lực triệt tiêu nhau cũng không bơi được.
Thứ 4: Khi chuyển động lên xuống, hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
Theo TS Tuấn, mọi người có thể học bơi tự cứu mọi lúc mọi nơi. Trước hết có thể bắt đầu học chữa bệnh sợ nước và học cách thở ngay trên cạn với nguyên tắc: Trên mặt nước há to miệng thở vào, còn dưới mặt nước, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng miệng. Có thể tập chay - không có nước, hoặc có thể úp mặt vào chậu nước để tập. Lưu ý là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi chỉ được tập thở với chậu nước khi có người lớn trông coi, giám sát.
Tiếp đó, học cách nín thở dưới nước, cũng với một chậu nước nhỏ. Có thể tập thở khi tắm sen, khi dội nước lên đầu; có thể tìm ra cách quạt nước hiệu quả giúp nhô đầu lên thở khi rơi xuống nước bằng cách nhúng và chuyển động bàn tay trong chậu nước với hướng, tốc độ chuyển động, tiết diện bàn tay khác nhau; có thể kéo và thả dây chun, lò xo... để biết thế nào là cương, là nhu...
Để phòng chống chết đuối, theo TS Tuấn, người lớn và trẻ nhỏ nên:
1 – Biết nguyên nhân đuối nước/chết đuối: Sặc nước sẽ dẫn tới ngạt thở. Ngạt thở lâu thì đuối nước/chết đuối. Biết bơi vẫn đuối nước/chết đuối như thường.
2 – Nhận biết và loại bỏ/tránh xa các mặt nước hở nguy hiểm: Hồ, ao, sông ngòi chậu, xô, chum vại, giếng, bể cá, máy giặt, chum vại đựng/chứa nước mà không đậy.
3 – Biết cách nín thở, giữ hơi thở, thở ra khi rơi xuống nước.
4 – Luyện tập bơi tự cứu thành thạo trước trên cạn để khi gặp nguy là vận dụng.
5 – Học cách cứu người đuối nước (xem xét các khả năng cứu người mà không cần xuống nước, nếu xuống nước thì phải cứu như thế nào…).
6 – Học cách sơ cấp cứu người đuối nước (xóc nước, hà hơi thổi ngạt, nhấn tim ngoài lồng ngực).
TS Tuấn cũng khuyến cáo: Học bơi có nhiều lợi ích, nhưng biết bơi không đủ để phòng chống chết đuối. Nhiều người bơi giỏi vẫn chết đuối. Trẻ em có thể bị đuối nước ngay trong xô nước, chum vại... ở chỗ nước nông không bơi được. Khi lên đò thuyền chở nặng, không an toàn về kỹ thuật, không mặc áo phao, nếu thuyền bị đắm, lật, khả năng sống sót của người biết bơi và không biết bơi trong khối đông hoảng loạn đó là như nhau.
Để không bị chết đuối thì phòng chống chết đuối, tránh xa nơi nguy hiểm, tuân thủ luật giao thông đường thủy quan trọng hơn học bơi.