pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng nghiện rượu, phá tán tài sản, vợ phải làm gì để hạn chế thiệt hại?
Ảnh minh họa
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thụy Hân (Thư viện Pháp luật) tư vấn như sau:
Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác (như rượu, bia...) dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Nếu chồng bạn nghiện rượu đến mức thỏa mãn điều kiện nêu, bạn có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố chồng bạn bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ tình hình thực tế, nếu sự việc là đúng, tòa án sẽ chấp thuận, đồng thời ra quyết định ai là người đại diện theo pháp luật của người chồng cùng phạm vi đại diện. Trong trường hợp này, khả năng cao người vợ sẽ là người đại diện theo pháp luật.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, khi bị tòa án ra quyết định tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, chồng bạn không được tự ý giao dịch dân sự liên quan đến tài sản như mua xe máy, ô tô, đặt cọc mua nhà đất... Mọi giao dịch nếu được xác lập đều bị coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý; trừ các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (như mua cơm để ăn, mua nước để uống...).
Căn cứ khoản 3 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015, khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.