Chồng quê vợ tỉnh

05/08/2015 - 08:42
Nhiều người tỏ ý ngưỡng mộ tôi vì tôi là trai nhà quê mà lại ”cưa đổ” được cô gái xinh đẹp, giỏi giang, là người thành phố. Thực tế, nhiều lúc chính cái sự ”giỏi giang” và ”nguồn gốc thành phố” của vợ lại làm tôi cảm thấy cô ấy quá xa cách.

Lấy chồng chỉ biết có chồng

Hồi đang yêu, tôi từng biết tính tình cô ấy rất là ”tiểu thư”. Tôi đã băn khoăn về việc 2 đứa khó có thể hòa hợp và cô ấy khó mà chấp nhận hoàn cảnh sống của gia đình tôi. Nhưng tình cảm cô ấy dành cho tôi luôn tự nhiên, chân thật và nồng nhiệt nên tôi tin tưởng rằng: Nếu nàng yêu mình như thế thì cũng sẽ dễ dàng học cách làm quen, thân thiện với mọi thứ khác biệt ở chồng và nhà chồng.

Sau ngày cưới, trong mối quan hệ vợ chồng hàng ngày, vợ vẫn cư xử với tôi tương đối hài hòa, dễ chịu, ổn thỏa. Song, thứ tình cảm tốt đẹp, gần gũi, sự quan tâm mà tôi mong mỏi vợ sẽ dành cho gia đình chồng thì không hề có. Mặc dù chưa bao giờ nói ra bằng lời nhưng mọi hành động của vợ luôn thể hiện: ”Em lấy anh là chỉ biết anh thôi! Em sẽ chỉ yêu thương, lo lắng, có trách nhiệm với anh, còn mọi người khác trong gia đình anh thì... không liên quan”.

Mỗi khi nhà có khách từ quê ra vợ tôi thường tỏ thái độ rất khó chịu

Mỗi lần bố mẹ, anh chị em chồng từ quê ra chơi, thăm khám bệnh... vợ tôi thường rất thờ ơ. Lấy lý do bận việc, cô ấy đi tuốt luốt, mặc kệ tôi ở nhà tiếp mọi người thế nào thì tùy. Còn nếu chạm mặt nhau ở nhà, cô ấy chỉ chào hỏi mọi người một cách xã giao. Trong mâm cơm, khi mọi người nói chuyện cùng nhau vui vẻ thì vợ tôi thường không cần che giấu thái độ chán nản. Những suy nghĩ, lời nói của cô ấy coi thường, miệt thị người ở quê của cô ấy thỉnh thoảng lại xuất hiện.

 

Xa lạ với nhà nội

Ở quê, dòng họ nhà tôi là họ lớn. Một năm, các cụ trong họ thường tổ chức giỗ chạp, liên hoan, tụ họp con cháu linh đình. Mỗi lần có điện thoại gọi, tôi rủ vợ về cùng nhưng đa phần cô ấy từ chối. Những lần ”bắt buộc” phải về như ngày giỗ ông nội, ngày Tết thì việc phải sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, giường ngủ... là điều vô cùng khó khăn với cô ấy. Vợ tôi cho rằng những thứ ấy không sạch sẽ, không hợp vệ sinh. Ở quê, mọi người hay chào hỏi nhau một cách thân tình, cứ đi xa về là phải đến lần lượt từng nhà người thân chơi để trò chuyện, hỏi han... Song, với vợ tôi, cách ấy thật phiền hà, tốn thời gian, rắc rối và vô duyên.

Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau về gia đình tôi, quê tôi, bố mẹ, anh chị em tôi

Trong các cuộc trò chuyện, chúng tôi có thể nói với nhau về mọi việc, riêng chủ đề ”ở quê”, ”bố mẹ anh”, ”anh chị em nhà anh”… thì y như rằng câu chuyện bị tắc lại. Vợ tôi chưa bao giờ hứng thú lắng nghe để chia sẻ, để biết thêm những thông tin về các mối quan hệ ấy. Chúng tôi cưới nhau gần 4 năm rồi nhưng đến giờ, vợ tôi vẫn chưa một lần chủ động mua được một món quà nho nhỏ nào đó để biếu mẹ chồng. Vợ tôi chưa biết được chính xác tên và số lượng của các cháu ruột trong gia đình tôi. Cô ấy cũng chưa rõ về nghề nghiệp của các anh chị chồng…

 

Xung đột

Nhiều lúc, tôi đã tặc lưỡi bỏ qua. Tôi từng đặt mình vào vị trí của vợ, lấy tính cách ”kiêu kỳ” của cô ấy ra để bao biện và không đổ lỗi. Tôi biết giữa vợ và gia đình chồng không có ”máu mủ” gì. Sự khác biệt giữa nhà quê và thành phố là những thứ đương nhiên dễ tạo ra mâu thuẫn... Nhưng có lần tôi không kiềm chế được và xung đột vợ chồng nổ ra. Tôi sợ, nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống hạnh phúc lứa đôi. Tôi sẽ phải góp ý để cô ấy thay đổi! Chắc chắn vợ tôi sẽ nhận ra, cưới nhau không chỉ là nhận trách nhiệm làm vợ, làm chồng mà còn là phải làm con dâu, con rể. Đã là vợ chồng thì rất cần tôn trọng và đối xử với gia đình ngoại/nội một cách hài hòa, công bằng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm