Chống rửa tiền qua kênh bất động sản - vấn đề "nóng" ở Bình Thuận

Hưng Long
01/05/2020 - 12:45
Chống rửa tiền qua kênh bất động sản - vấn đề "nóng" ở Bình Thuận
Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã công bố Kết luận Thanh tra số 867/KL-SXD về việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh Bất động sản (BĐS), phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn.

Kết luận Thanh tra số 867/KL-SXD do ông Xà Dương Thắng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ký và ban hành. Tính đến thời điểm ngày 01/9/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 70 dự án kinh doanh BĐS được chấp thuận đầu tư. Trong đó, có 32 dự án khu dân cư, khu đô thị và 38 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh.

Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường BĐS; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, các nhà đầu tư thứ cấp.

Hàng loạt dự án Bất động sản vi phạm phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố - Ảnh 1.

Dự án Nhà ở Thương mại Aloha Beach Village.

Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu minh bạch

Kết luận Thanh tra liệt kê hàng loạt các dự án vi phạm, trong đó, nổi lên 6 dự án có liên quan đến phòng chống rửa tiền và phòng chống tài trợ khủng bố. Sở Xây dựng căn cứ nội dung Kết quả thanh tra để thực hiện đúng các quy định pháp luật trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, phòng chống rửa tiền trên địa bàn.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận yêu cầu các doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, sai phạm. Các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới, sàn giao dịch phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Các doanh nghiệp tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn; hình thức công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh không phù hợp. Công tác quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong dự án BĐS chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.

Theo Kết luận, các doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định  tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014.

Trong quá trình tham gia hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trường hợp các doanh nghiệp không nghiêm túc triển khai, thực hiện các yêu cầu trên Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

BĐS là kênh rửa tiền hiệu quả nhất

Trao đổi với PV Báo PNVN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc rửa tiền qua BĐS xảy ra ở tất cả mọi nơi. Ngay tại Mỹ - nước kiểm soát rửa tiền rất chặt, người ta rửa tiền bằng cách dùng tiền từ những nguồn tiền bất hợp pháp, không trong sạch. Cụ thể, tiền thu từ mại dâm, ma túy, tham nhũng cho đến trốn thuế.

Những nguồn tiền này được nhận từ tiền mặt do tiền "bẩn" không ai nhận qua ngân hàng. Cũng bởi, nếu nhận qua ngân hàng thì cơ quan an ninh điều tra sẽ xác minh và tóm gọn. Các đối tượng rửa tiền mang số tiền rất lớn để đi mua BĐS. Sau khi mua xong, các đối tượng này sẽ bán BĐS và bắt người mua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Hàng loạt dự án Bất động sản vi phạm phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố - Ảnh 2.

Dự án Khu du lịch vui chơi biệt thự nghỉ dưỡng Royal Ruby Villa Mũi Né.

Lúc này, tiền mua BĐS của người thứ 2 được chuyển vào ngân hàng cho người bán và trở thành tiền sạch. Tiền bán BĐS có số lượng rất lớn nên đây là công cụ phổ biến và hữu hiệu, rất khó truy cập để phục vụ điều tra, truy tố tội phạm rửa tiền. Mặc khác, hành vi rửa tiền còn làm khó khăn cho cơ quan điều tra trong vấn đề xử lý đối tượng tham nhũng và trốn thuế.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra giải pháp để ngăn chặn hành vi rửa tiền thì tất cả các giao dịch BĐS có số tiền lớn bắt buộc phải qua hệ thống ngân hàng. Người bán không thể nhận được số tiền đó bằng tiền mặt. Nếu người bán nhận bằng tiền mặt cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với giao dịch có số tiền từ 300 triệu trở lên là có thể bắt buộc phải qua hệ thống ngân hàng.

Nếu người bán nhận tiền mặt thì phải làm tờ khai với Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng nhà nước. Người bán BĐS phải khai nhận được tiền từ đâu để Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng nhà nước giám sát và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi nguồn tiền có dấu hiệu phạm pháp.

6 dự án được nêu trong Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận

1- Dự án Khu Trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát

5- Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố phan Thiết

8- Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2

9- Dự án Nhà ở Thương mại Aloha Beach Village

11- Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né

12- Dự án Khu du lịch vui chơi biệt thự nghỉ dưỡng Royal Ruby Villa Mũi Né

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm