Chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 6% trình Chính phủ

Hồng Kiều
20/12/2023 - 14:01
Chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 6% trình Chính phủ

Ảnh minh họa

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ 1/7/2024.


Sáng 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp phiên thứ 2 thảo luận và thông qua phương áp án khuyến nghị Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024.

Kết thúc phiên họp, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% để trình Chính phủ. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 (cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước).

Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu theo tháng có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2024, cụ thể: Vùng 1 tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); Vùng 2 tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng 3 tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng 4 tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 6% trình Chính phủ- Ảnh 1.

Tương tự, với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng cũng thống nhất phương án tăng thêm 6%. Cụ thể, Vùng 1 tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng 2 tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ; Vùng 3 tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; Vùng 4 tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 6% trình Chính phủ- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết các thành viên hội đồng đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 ở mức 6% để trình lên Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, trong phiên thảo luận, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 ở mức 6,48% và 7.3%. Liên đoàn Thương mại-Công nghiệp Việt Nam đề xuất tăng ở mức 4-5% và Hội đồng kỹ thuật đưa ra 3 phương án tăng 4%, 5% và 6%.

“Tất cả các thành viên hội đồng đều đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng ở mức bình quân 6%. Đây là sự chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động,” ông Lê Văn Thanh cho hay.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, phương án tăng lương được đánh giá dựa trên những khó khăn kinh tế, biến động của thế giới, các rào cản thương mại phức tạp... và cả tình hình đời sống khó khăn của người lao động trong thời gian qua do biến động của giá cả, doanh nghiệp thiếu các đơn hàng...

Lần gần nhất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là từ ngày 1/7/2022, với mức tăng bình quân cũng là 6%. Sau điều chỉnh trước, mức lương tối thiểu Vùng 1 đến nay đang duy trì mức 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng 2 mức 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng 3 mức 3,64 triệu đồng/tháng; Vùng 4 mức 3,25 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá từ năm 2015 tới nay, Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng lên 168 USD/tháng hiện hành. Tính chung giai đoạn 2015-2022 lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là số ít giữ được việc tăng lương giúp tăng giá trị thực tế cho người lao động (tăng thêm 0,7%); do nhiều nước mức tăng lương thấp hơn lạm phát, nên giá trị thực tế của tiền lương giảm, đặc biệt giai đoạn từ dịch COVID-19 tới nay.

ILO khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của việc tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình để thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều chỉnh lương cũng cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động.

Nguồn: TTXVN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm