Paul Beatty - tác giả người Mỹ đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này |
Nhút nhát, cao lêu nghêu và làn da đặc trưng cho người Mỹ gốc Phi, Paul Beatty trông không giống một nhà văn nổi tiếng. Nữ diễn viên hài độc thoại đồng thời là nhà văn Sarah Silverman nhận xét về cuốn sách giúp đồng nghiệp lên ngôi tại giải văn chương Man Booker 2016 - “như thể các thiên thần loạn trí đã viết nó”. Cô cũng không tiếc lời ca ngợi tài năng của Paul Beatty đã “sử dụng sự hài hước như một bác sĩ phẫu thuật sử dụng gây mê, một nhà ảo thuật sử dụng trò ảo thuật của bàn tay, hay một kẻ móc túi điệu nghệ. Chỉ chừng vài phút, bạn nhận ra tuyến tụy đã bị can thiệp, cơ thể bạn đã bị xẻ làm đôi và ví tiền không cánh mà bay…”.
Ngay cả đối thủ của Paul Beatty, cũng là ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Man Booker năm nay là Madeleine Thiên cũng không giấu diếm thiện cảm dành cho “The Sellout”: “Tôi thích The Sellout. Cuốn sách đã mê hoặc tôi…”.
Không phải ngẫu nhiên mà Paul Beatty làm được điều đó với tác phẩm The Sellout. Ông vốn tốt nghiệp ngành tâm lý, sáng tác văn học và còn có tài sáng tác thơ. Trí tưởng tượng bay bổng cùng khả năng phân tích tình huống và tâm lý cho phép nhà văn thỏa sức sáng tạo với tác phẩm của mình. “Cuốn sách cho tôi được sống thêm một cuộc đời nữa”, Paul Beatty phát biểu khi nhận giải.
Paul Beatty bất ngờ khi nhận giải thưởng |
Việc đề cập tới nạn phân biệt chủng tộc bằng một vỏ bọc hài hước đã cho thấy sự cao tay cũng như sâu sắc trong tư tưởng của tác giả. Ông đã dành tới 5 năm để “vật lộn” với các nhân vật của mình. Paul Beatty đã lùng sục ở một thư viện tại New York, lục lọi những tờ báo cũ từ những năm 1930 để tìm tư liệu cho The Sellout. Trải nghiệm về cách nhìn nhận nguồn gốc chủng tộc cũng là một trong những yếu tố thôi thúc tác giả viết tác phẩm này. Nhưng ông đã không chọn cách viết thông thường. Bởi lẽ Paul Beatty chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì màu da của mình.
Paul Beatty thích được gọi là một nhà văn da đen hơn là nhà văn người Mỹ gốc Phi. Rời quê nhà từ khi mới là một chàng trai 17 tuổi, Paul Beatty tự lập từ sớm và thành danh ở New York hoa lệ nhưng dù trở thành quán quân Man Booker, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người nổi tiếng.
Dường như điều Paul Beatty quan tâm nhất vẫn là tác phẩm của mình. Ông không có nhiều bạn văn thân thiết. Và đáng ngạc nhiên hơn là ông không phải là ứng cử viên nặng ký nhất nhì cho Man Booker năm nay. Có lẽ chính tác giả người Mỹ cũng bất ngờ khi đăng quang giải thưởng văn chương danh giá này.
Trở thành chủ nhân Man Booker có nghĩa là Paul Beatty sẽ đứng trước “nguy cơ” trở thành một nhân vật nổi tiếng như những ngôi sao Hollywood (đây vốn là tiền lệ của giải thưởng). |
Thử thách làm người nổi tiếng có vẻ sẽ “làm khó” Paul Beatty bởi ngay trên bục trao giải, ông đã thể hiện sự vụng về, nhút nhát khi suýt bật khóc và phát biểu khá lúng túng. Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, niềm yêu nghề viết và tài năng là điểm mấu chốt khiến người đọc trân trọng ông.
Mặc dù đa phần người đọc đều cho rằng “The Sellout” là một tiểu thuyết trào phúng hài hước về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, tuy nhiên, Paul Beatty lại không nghĩ như vậy. Ông nói rằng mình chỉ viết theo bản năng và nên gọi đây là tác phẩm bi - hài thì đúng hơn.
Ít người biết rằng tác giả của “The Sellout” bước đầu đến với sáng tác không hề thuận lợi. Giáo sư dạy sáng tác từng khuyên ông từ bỏ nghiệp văn chương vì cho rằng ông không thực sự có năng khiếu. “Tôi từng không thích sáng tác. Việc ấy quá khó khăn. Tôi là một người cầu toàn nhưng không tránh khỏi nhiều lúc bất mãn và chán nản khi sáng tác”, tác giả người Mỹ chia sẻ.
Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn quyết định đi đường dài với văn chương nhờ được một giáo sư khác khuyến khích theo đuổi sáng tác. Paul Beatty sẽ phải cảm ơn vị giáo sư đáng kính vì đã nhìn thấy được khả năng của mình. Cùng với lòng kiên trì, thành công mà ông gặt hái ngày hôm nay thật xứng đáng.
Câu chuyện trong “The Sellout” bắt đầu khi một vùng ngoại ô ở phía nam của Los Angeles bị gạch tên khỏi bản đồ trong công cuộc giữ hình ảnh cho bang California. Lúc này, chàng trai da màu Bonbon phải hầu tòa vì có hành vi cố gắng phục hồi chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc tại một ngôi trường trung học trong vùng. Bà Amada Foreman, chủ tịch hội đồng giám khảo, nhận xét The Sellout là tác phẩm “moi móc toàn bộ những điều cấm kỵ trong xã hội”. Trước tác phẩm này, Paul Beatty từng ra mắt 3 tiểu thuyết và 2 tập thơ. Đăng quang Man Booker, ông nhận giải thưởng trị giá 50.000 bảng (tương đương hơn 1,35 tỷ đồng). |
Được sáng lập từ năm 1969, giải Man Booker thời gian đầu chỉ được trao cho các nhà văn Anh, Ireland và khối Thịnh vượng chung. Năm 2014, giải thưởng bắt đầu mở rộng tới các nhà văn viết tiếng Anh. Nhiều người từng lo ngại rằng các nhà văn Mỹ sẽ thống trị giải thưởng khi có sự thay đổi này. Nhưng năm 2014 và năm 2015, giải thưởng đã thuộc về nhà văn Australia Richard Flanagan và Marlon James của Jamaica, trong khi trước đó giải đã được trao cho các nhà văn Salman Rushdie (Anh), Ben Okri (Nigeria), Margaret Atwood (Canada) và Hilary Mantel (Anh). |