Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: Người tiêu dùng có thể yên tâm về vải thiều

An Khê
31/05/2021 - 19:05
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: Người tiêu dùng có thể yên tâm về vải thiều

Vải thiều Bắc Giang được trồng trọt, chăm sóc ở "Vùng vải an toàn dịch bệnh", không bị tác động bởi Covid-19

Cùng với những khó khăn về kiểm soát dịch bệnh, Bắc Giang cũng đang vào mùa thu hoạch vải thiều - loại nông sản mang giá trị kinh tế chủ chốt của tỉnh. Trước những lo lắng về khả năng tiêu thụ vải thiều, Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, người tiêu dùng yên tâm về vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trên thị trường.

Lên 3 phương án tiêu thụ vải thiều Bắc Giang khi chưa bùng phát dịch

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, thuộc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, 6 vùng trồng vải thiều Bắc Giang tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế và Lạng Giang. Hiện nay, vải thiều Bắc Giang mới đang ở thời điểm đầu vụ, vải thiều chín sớm chưa nhiều. 

Vụ vải năm 2021, tỉnh Bắc Giang có diện tích 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; thời gian thu hoạch từ 20/5-20/7/2021 (vải thiều chín sớm thu hoạch từ 20/5-10/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10/6-20/7). Do thời gian thu hoạch ngắn, vải chủ yếu được tiêu thụ tươi, số còn lại được chế biến đóng hộp, bóc cùi cấp đông hoặc chế biến sấy…

Cũng theo ông Thọ, ngay từ những ngày đầu năm 2021, nhận thức được những tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đối với kinh tế và xã hội, Tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất và Kế hoạch tiêu thụ vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: Người tiêu dùng có thể yên tâm về vải thiều  - Ảnh 1.

Để triển khai thực hiện tốt, đáp ứng các kịch bản tiêu thụ vải thiều tỉnh đã chỉ đạo hai huyện trọng điểm về vải thiều là Lục Ngạn (120.000/180.000 tấn) và huyện Tân Yên vải sớm 14.000 tấn. Theo đó, tỉnh yêu cầu huyện xây dựng các kế hoạch, phương án chi tiết bảo đảm cho các vùng vải thiều "Sạch- Không bị tác động của dịch bệnh Cvid-19" đó là: Đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều của huyện; Tuyên truyền, vận động người dân trong vùng Vải thiều không ra khỏi địa bản, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; Lập các Tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung bảo đản quy định phòng dịch Covid 19; Kiểm tra y tế các mã vũng trùng, chủ vườn chồng vải thiều; các cơ sở sơ chế, đóng gói, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao dộng tham gia thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng Covid 19...

Chủ động tìm thị trường cho vải thiều Bắc Giang

Để đáp ứng việc tiêu thụ vải theo các tình huống, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối bán lẻ, các Tập đoàn, siêu thị lớn: Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart&Vinmart+, Aeon, Lotte, Sai Gon Coop; các chợ đầu mối nông sản, hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), bán hàng online. Đặc biệt năm 2021 tổ chức gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang qua "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các Sàn thương mại điện tử.

Đối với thị trường nước ngoài: đã phối hợp với tất cả các tham tán thương mại tại các quốc gia xuất khẩu vải thiều và mở rộng trao đổi, làm việc với các Tham tán thương mại ở các nước, lãnh thổ mới. Việc thiết lập phương thức giao nhận mới đã được sớm chuẩn bị và triển khai để phục vụ giao hàng, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc tại các của khẩu, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng. Đây cùng là những kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Tính đến thời điểm hiện nay, việc tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu cơ bản được thuận lợi, quả vải hiện chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai và được chính quyền, các cơ quan chức năng của hai tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ lưu thông, xuất khẩu thuận lợi. Cụ thể, hai tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ cho tiêu thụ vải được xuất qua "Luồng xanh"-luồng ưu tiên. Ban Quản lý cửa khẩu đã chỉ đạo, cử cán bộ làm trước giờ hành chính để ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho quả vải thuận lợi, nhanh chóng, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin.

Vải thiều Bắc Giang an toàn trong mùa dịch - Ảnh 3.

Tính đến ngày 29/5/2021 tại Bắc Giang, tổng sản lượng vải tiêu thụ ước đạt 14.419 tấn, giá bán trong ngày, bình quân dao động từ 22.000 - 32.000đ/kg. Giá vải tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGap từ: 30.000 - 35.000đ. Thị trường tiêu thụ trong nước ước đạt 9.993 tấn. Thị trường xuất khẩu ước đạt 4.395 tấn

Ngày 26/5/2021, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản 20 tấn cho 3 doanh nghiệp xuất khẩu 20 tấn bằng đường Hàng không (Công ty Cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất 10 tấn, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu xuất 8 tấn, Công ty Cổ phần quốc tế Bambo xuất 2 tấn).

Không có chuyện "giải cứu"

Gia đình ông Lường Văn May, thôn Hóa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 1,5ha trồng vải thiều, mỗi năm thu hoạch được từ 12 - 15 tấn vải, với giá bán khoảng 35.000đ/1kg. Năm nay, ông ước tính thu hoạch từ 17-20 tấn. Vải được sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, lượng vải xuất khẩu ra nước ngoài không được nhiều, chủ yếu vẫn là tiêu thụ trong nước. Tại thời điểm này, vải nhà ông May vẫn chưa chín, ước chừng đến cuối tháng 6 mới có thể thu hoạch. Ông May cho biết, hiện nay đã có một số công ty gọi điện trao đổi thu mua vải, tuy nhiên, gia đình ông vẫn đang chờ quy trình cụ thể của chính quyền địa phương.

Bắc Giang đã có kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch Covid-19: Nếu dịch cơ bản được kiểm soát: sản lượng tiêu thụ là 50% tiêu thụ nội địa, 50% xuất khẩu; dịch vẫn phức tạp sản lượng tiêu thụ là 70% tiêu thụ nội địa và 30% xuất khẩu; kịch bản xấu nhất là sản lượng tiêu thụ nội địa 90%, xuất khẩu 10%.

"Vải của bà con tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn nông sản, không phun thuốc bảo vệ thực vật, cho nên khi vải chín nếu không tiêu thụ ngay thì sợ bị sâu đục cuống. Vòng thu hoạch chỉ diễn ra nhiều nhất là 60 ngày, nên bà con cũng có người lo lắng tiêu thụ sẽ khó khăn khi có dịch Covid-19. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng vào kế hoạch của Tỉnh hỗ trợ nông dân trong tình hình hiện nay", ông May cho biết.

Trước những lo lắng của bà con và sự quan tâm của cả nước đối với vùng dịch Bắc Gang, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết: "Bắc Giang đã chuẩn bị kế hoạch rất chi tiết, có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cùng Bộ Công Thương phối hợp để kết nối tất cả các hệ thống bán buôn, bán lẻ. Vải Bắc Giang khi đưa ra thị trường đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã có những chứng nhận kiểm dịch, kể cả lái xe cũng phải có chứng nhận kiểm tra Covid-19 khi vận chuyện vải".

Vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở "Vùng vải an toàn dịch bệnh", không bị tác động Covid-19. Thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng vải Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - thông tin.

Tại các địa phương vùng vải, Bắc Giang cũng đã khoanh vùng để kiểm soát và bảo vệ vùng vải sạch, an toàn dịch bệnh, lập chốt bảo vệ khu sản xuất vải thiều không có F1, ca mắc mới. Tuyên truyền vận động người dân không ra khỏi khu vực trồng vải để đảm bảo vải sạch giúp sản xuất và tiêu thụ được vải. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 cho người dân trồng vải. Lập danh sách thương nhân, thương lái, vận chuyển, sơ chế, đóng gói… để kiểm dịch. 

 * Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm