Năm 2012, tình trạng lấy chồng nước ngoài ở địa phương tăng mạnh. Qua tìm hiểu địa bàn, chị Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nhận thấy có sự xuất hiện của một nhóm đối tượng chuyên tổ chức cho các chú rể Hàn Quốc trực tiếp xem mặt cô dâu Việt để cưới hỏi.
Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo huyện, chị Hằng đã đề xuất ý kiến đóng giả cô dâu để nắm rõ quy mô, cách thức hoạt động của nhóm đối tượng này.
Để thực hiện kế hoạch, Hằng bắt mối với một số chân rết trong đường dây và được thông báo ngày giờ để ra mắt. Sau đó, Hằng cùng hàng chục cô gái trẻ khác phải so sắc với nhau để được chàng rể chọn. Thậm chí, không ít cô gái còn được cha mẹ ngồi ngoài cổ vũ.
Chị Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ
Trong cuộc tuyển chọn, Hằng bất ngờ được một chàng rể Hàn Quốc khoảng 50 tuổi “chấm” để “rước về bển”, với sính lễ hơn 20 triệu đồng. Hằng thon thót lo sợ nhưng vẫn phải đóng tròn vai, cố gắng bộc lộ niềm vui.
Lấy lý do sính lễ quá “bèo”, Hằng tìm cách rút êm rồi báo cáo toàn bộ lại sự việc cho lãnh đạo huyện Cờ Đỏ để xử lý.
Khi cảnh "mua bán" cô dâu Việt đang diễn ra, cơ quan chức năng ập vào bắt giữ những người tổ chức, và sau đó mở rộng chuyên án để triệt phá đường dây môi giới này.
Hiện nay, tình trạng cô dâu Việt "xuất ngoại" ở huyện Cờ Đỏ đã giảm đáng kể.
Chị Hằng chia sẻ: “Câu chuyện đóng giả làm cô dâu Việt để “vào hang bắt cọp” của tôi tuy là nguy hiểm nhưng rất bổ ích và hiệu quả. Nó giúp tôi có nhiều sáng kiến, mô hình thiết thực để “níu” phụ nữ ở lại quê nhà. Hội LHPN huyện ngoài vận động, tuyên truyền, tư vấn về các rào cản, khó khăn, cả những bi kịch khi làm dâu xứ người, còn đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể địa phương trong việc tổ chức đào tạo nghề miễn phí, hỗ trợ vay vốn để chị em làm ăn, sản xuất. Khi đời sống kinh tế ổn định thì họ sẽ không còn tư tưởng vọng ngoại nữa”.