'Chữa cháy' với mẹ vợ

18/09/2015 - 09:59
Các cụ đang sống ở quê quen, giờ khăn gói lên thành phố trông cháu, chắc gì mẹ tôi đã chịu được.
Tôi nghỉ sinh thằng Tũn đã 5 tháng, chỉ còn 1 tháng nữa là phải đi làm trở lại mà chưa tìm được người trông Tũn. Bàn với chồng thuê người trông con, chồng không chịu: “Anh không thể để người lạ trong nhà mình. Vợ chồng đi làm cả ngày, nhỡ họ cuỗm hết đồ đạc rồi ôm luôn thằng Tũn đi thì kêu ai?”. “Hay nhờ bà nội lên mấy tháng?”, tôi đề xuất. Chồng gắt: “Bà nội già thế, chân tay lẩy bẩy, bế nó nhỡ rơi thì sao. Mắt bà lại mờ, biết đường nào mà pha sữa? Tốt nhất là em cứ nghỉ không lương, 3 tháng cũng được, rồi tính sau”. “Em không nghỉ!”, đến lượt tôi gắt. “Thôi ngủ đi, mai nghĩ tiếp”, chồng vừa nói xong đã ngáy khò khò. Hết một đêm bàn bạc chẳng nghĩ ra cách.
Đêm hôm sau, rồi nhiều đêm hôm sau nữa, cứ chui vào giường lại chủ đề “Ai trông thằng Tũn?” mà vẫn chưa thấy ai. Cuối cùng, lão chồng thông minh và khó tính của tôi đã tìm ra một giải pháp khá hay: “Thuê người trông ông ngoại ốm ở quê để bà ngoại lên chăm thằng Tũn”. Tôi đồng ý với cách đó nhưng vẫn cảnh báo: “Nhỡ ông không cho bà đi thì chịu”. Thực ra thì ông bị tai biến 2 năm nay, chỉ nằm vô cảm nên ai chăm sóc cũng được.
***
Thế rồi ngày đầu đi làm đã đến. Trước khi đi, tôi đã nấu cháo, dặn bà pha sữa, giờ giấc cho cháu ăn… Bà ừ ờ và bảo: “Kệ bà cháu tôi. Không phải dặn”. Chiều tôi về sớm. Mọi việc bà làm đúng như mọi khi tôi ở nhà. Không những thế, bà còn cho thằng Tũn ăn hết cả phần cháo bữa tối. Tôi chỉ dặn mẹ: “Từ mai xoong cháo chia làm 4 bữa bà nhé. Bà đừng cho cháu ăn hết kẻo bữa tối lại phải nấu”. Mẹ cười bảo: “Cha bố nó, nó cứ ăn thun thút, dừng lại bà sợ cháu bà đói”. Thế mà chồng tôi gắt: “Vậy bà có sợ cháu bà béo phì không?”. Nghe thế, tôi vội lườm lão để lão biết cách nói như thế là phật lòng mẹ vợ. Nhưng may mà mẹ tôi cười với Tũn bảo: “Chưa ăn thua gì nhỉ? Cháu bà nhỉ? Cái thằng bố mày chỉ lo hão nhỉ?”.

 Có bà lên chăm cháu, bố mẹ yên tâm đi làm 

Rồi từ hôm ấy, ở nhà chỉ có 2 bà cháu nhưng mẹ tôi làm được rất nhiều việc. Chăm cho thằng Tũn ăn uống đầy đủ. Lúc nó ngủ, bà tranh thủ giặt tã lót, quần áo, lau nhà cửa. Lúc nó thức chơi, bà đặt trong cũi ngồi cạnh nhặt rau, gấp quần áo… Có hôm bà còn bế cháu ra chợ mua thức ăn, về lại tranh thủ cắm nồi cơm điện cho cả nhà. Tôi có mẹ lên chăm con như vậy thì sướng vô cùng, nhiều lần kể chuyện với đồng nghiệp ở cơ quan, họ đều bảo: “Vợ chồng cậu sướng như tiên, không ai bằng. Nhưng phải biết chiều bà kẻo bà tự ái thì nguy”.
***
Đồng nghiệp vừa cảnh tỉnh tôi hôm trước thì hôm sau xảy ra sự cố. Đi làm về thấy thằng Tũn đang cởi truồng bò ở sàn nhà, chồng tôi liền gay gắt: “Sao bà để cháu bẩn thỉu thế kia? Nó cảm lạnh thì sao? Nó không phải trẻ con nhà quê đâu mà lăn lê bò toài lấm lem đất cát được”. Tức thì mẹ tôi tự ái: “Con anh đái suốt ngày nên hết quần trong tủ, tôi chưa kịp lên sân thượng lấy cho nó quần khô đang phơi trên ấy. Anh đừng chê trẻ nhà quê. Trẻ nhà quê bây giờ cũng bò lê sàn đá hoa bóng loáng cả rồi, đâu chỉ nhà anh”. Tôi vừa về, bước vào cửa nghe thấy mẹ nói thế là biết chồng tôi đã làm gì phật ý bà. Nhưng vừa thấy tôi, bà đã nói to: “Mẹ thằng Tũn mai ở nhà trông con cho bà về quê mấy hôm nhé. Bà nhớ ông quá”.

 Câu trách cứ của chồng tôi khiến mẹ phật ý, bà tủi thân muốn về nhà

Nguy rồi! Tôi giả bộ không biết gì cười rõ tươi: “Con biết ngay bà sẽ nhớ ông nên con đã bàn với nhà con đón cả ông lên đây chăm sóc luôn mẹ ạ”. Mẹ tôi giãy nảy: “Không lên đây được. Ở nhà quê mát mẻ, ông ấy có làm sao thì có họ hàng làng xóm”. Chồng tôi liền nhanh trí bảo: “Nhưng bà cứ về luôn vì nhớ ông thì chúng con biết làm sao? Nói thật, có bà là chúng con có phúc đức hơn người, chẳng ai bằng”. Tức thì, mẹ tôi phì cười rồi mắng yêu: “Mẹ bố chúng bay chỉ được cái dẻo mỏ. Thôi cuối tuần vợ chồng nghỉ thì cho mẹ về thăm ông 2 ngày, rồi bà lại lên kẻo bà cũng nhớ thằng Tũn lắm”. Nghe thấy vậy, chồng tôi liền gọi to: “Tũn, bố con mình hoan hô bà ngoại nào!”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm