Chừa lại bến thuyền, bờ biển Sầm Sơn cho ngư dân

07/03/2016 - 15:57
Sáng 7/3, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến đã có cuộc đối thoại với ngư dân liên quan đến vụ qui hoạch bờ biển Sầm Sơn. Cuộc đối thoại kết thúc bằng sự hò reo của người dân khi người đứng đầu tỉnh cam kết để lại bờ biển, bến thuyền để dân mưu sinh

Mấu chốt của cuộc đối thoại đã được "chốt" lại bằng việc ông Chiến nhận trách nhiệm về việc để người dân tập trung phản ứng gây mất an ninh trật tự trong thời gian qua, đồng thời cho biết trước mắt bà con được tiếp tục ra khơi, tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi bến thuyền. 

ong-Chien.jpg
Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại buổi đối thoại với ngư dân (Ảnh: Quách Dương)

Tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền, phát biểu: "Sầm Sơn là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Trước đây Sầm Sơn từ chỗ chỉ tắm được 1 mùa, nay thành 4 mùa để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nâng cao đời sống thu nhập cho ngư dân. Riêng dự án Khu du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, mục đích là để phát triển 3,5 km đường bờ biển. Đây là bãi tắm nổi tiếng miền Bắc và là lợi thế của Thanh Hóa, của Sầm Sơn. Dự án sẽ cải thiện hình ảnh, cảnh quan du lịch, đưa Sầm Sơn thành khu du lịch hiện đại, chất lượng tốt".

Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” có tổng mức đầu tư 316 tỷ. UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất làm theo hình thức BOT và giao cho tập đoàn FLC triển khai, kinh doanh ki ốt và các dịch vụ trên bãi biển. Toàn bộ các hạng mục của Dự án phải xong trước 1/4 để đưa vào phục vụ mùa du lịch Hè 2016.

Ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tháo dỡ, phá bỏ các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng...

Tuy nhiên, người dân đã phản đối kịch liệt. Họ cho rằng, nghề đi biển đã gắn bó với người dân từ hàng chục năm qua. Việc dự án lấy hết mặt biển sẽ khiến người dân mất kế sinh nhai. Những hỗ trợ của tỉnh chỉ giải quyết được tình hình trước mắt. Đỉnh điểm là hơn một tuần qua, hàng trăm người dân đã tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hoá để phản đối. Nhiều tuyến đường trọng điểm bị người dân làm cho tê liệt...

nguoi-dan-2.jpg
Hàng trăm người dân đã tham dự buổi đối thoại (Ảnh: Quách Dương)

Tại buổi đối thoại sáng nay, sau khi nghe các ý kiến phát biểu thể hiện nguyện vọng được giữ lại một phần bờ biển của ngư dân, ông Chiến nói: "Bờ biển của đất nước ta, của người dân, trong đó có bãi biển Sầm Sơn phải được Nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, đưa lợi ích của người dân là trọng. Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho doanh nghiệp nào đó, nếu như không đúng theo quy định của pháp luật... Tỉnh sẽ để lại cho bà con ngư dân bờ biển để mưu sinh, thấp nhất 300m và cao nhất là 1.500m. Để lại bến thuyền dưới chân đền Độc Cước".

Trước thông tin nay, hàng trăm người dân có mặt tại Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn đã vỡ oà trong sung sướng. Buổỉ đối thoại kết thúc trong tiếng cười và những khuôn mặt rạng rỡ của người dân. Như vậy, căng thẳng kéo dài suốt thời gian qua đã chấm dứt.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm