Kế hoạch lần này sẽ rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của các ngành, địa phương nhằm đảm bảo tính toàn diện, thuận lợi các ngành, lực lượng thực hiện. Trong đó, sẽ thực hiện việc cao điểm tuyên truyền, nhắc nhở trong 1 tuần, sau đó duy trì việc xử phạt vi phạm.
Kế hoạch cũng sẽ nêu rõ vai trò giám sát thực hiện, trong đó có Đài PT-TH, Mặt trận Tổ quốc các địa phương của các ngành, đơn vị sau thời gian cao điểm nhằm đảm bảo duy trì kết quả.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em năm 2015 đã giúp tăng tỷ lệ đội MBH ở trẻ vào thời gian cao điểm đạt mức gần gấp đôi so với thời gian trước. Đồng thời, vận động được hơn 100.000 MBH cho trẻ em, người nghèo, tạo được sự chuyển biến quan trọng của toàn xã hội trong việc thực hiện quy định về đội MBH cho trẻ em.
Nhiều bậc phụ huynh “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ. |
Quy định xử phạt việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã thực hiện được 1 năm. Tuy nhiên, tại Hà Nội, tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm đang rất phổ biến.
Vào giờ tan trường tại một trường Tiểu học ở quận Cầu Giấy, khoảng 90% học sinh tại đây không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy. Trong vòng 10 giây, hơn chục chiếc xe máy với trẻ em không đội mũ bảo hiểm xuất hiện. Tại một trường Trung học của quận Đống Đa, việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại đây có khá hơn nhưng cũng chỉ khoảng 20% là có đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện. Ở một trường Tiểu học khác cách đó không xa, cũng có hơn 60% các bậc phụ huynh không trang bị mũ bảo hiểm cho con em mình.
Đối với những học sinh lớn hơn có thể tự đi học đến trường bằng xe máy, xe đạp điện, việc không đội mũ bảo hiểm là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điều này đã nói lên mức độ phổ biến của việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ hiện nay.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, mỗi năm có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Theo nghiên cứu, nếu trẻ em Việt Nam được đội mũ bảo hiểm cài quai đúng cách một cách đầy đủ, con số tử vong này sẽ giảm xuống còn gần một nửa.