Chung cư mini mang tiếng oan "dễ cháy"

04/04/2018 - 21:37
Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo người dân không nên mua và tẩy chay chung cư mini. Tuy vậy, hàng trăm tòa chung cư mini đã và đang tồn tại giữa Thủ đô, ai có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, PCCC cho họ?

 

ong-hoang-quoc-dinh.jpg
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội - ảnh H. Hòa

 

Tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 3/4, trước câu hỏi của báo giới về trách nhiệm kiểm tra, thẩm định an toàn phòng cháy chữa cháy của hàng trăm tòa chung cư mini trên địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội (PCCC), thừa nhận việc quản lý tại Hà Nội còn nhiều kẽ hở như thủ tục xây dựng, cấp phép, bán, cho thuê, đưa vào hoạt động của các tòa nhà tái định cư, chung cư cũ, chung cư mini.

Riêng với chung cư mini tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng cần tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về điều kiện an toàn PCCC của loại hình nhà ở này. Đồng thời, ông khuyến cáo người dân cần tẩy chay, không nên mua chung cư mini. “Căn hộ chung cư mini có diện tích vừa vừa; người dân lại hiểu biết rất thấp, thấy giá thành rẻ là mua. Đề nghị cần tuyên truyền để người dân tẩy chay, không mua chung cư mini”, ông Định nói.

Không tán đồng với ý kiến của Giám đốc Cảnh sát PCCC, chị Nguyễn Thị Hoa hiện đang sinh sống tại tòa chung cư mini số 66, ngõ 306 Tây Sơn (Hà Nội) cho biết gia đình chị chuyển về sinh sống tại chung cư này đã 5 năm. Ngay từ khi nhận căn hộ đã được chủ đầu tư bàn giao hệ thống phóng cháy chữa cháy gồm bình xịt cứu hỏa, vòi nước chuyên dụng, chuông báo cháy. Ở mỗi tầng đều có bảng chỉ dẫn các bước chữa cháy, số điện thoại cứu hỏa và các lưu ý trong PCCC. Thậm chí, mỗi năm ban quản lý tòa nhà tự đứng ra tổ chức buổi thực hành PCCC cho các hộ dân.

Chị Hoa cũng tỏ ra băn khoăn, không chắc chắn về các hạng mục, phương tiện PCCC liệu có hoạt động được hay không nếu xảy ra cháy. Chị Hoa bày tỏ: Mức độ vi phạm của chủ đầu tư về đảm bảo PCCC, dù ở chung cư thương mại, hay chung cư mini, thì người chịu thiệt thòi, lo lắng mất ăn mất ngủ vẫn chính là những hộ dân đang sinh sống trong đó. “Người dân mong mỏi cơ quan quản lý chặt chẽ hơn với chủ đầu tư từ khi cấp phép, quá trình xây dựng và thẩm định, nghiệm thu về chất lượng công trình, hệ thống PCCC. Đặc biệt là cần cơ quan PCCC thường xuyên kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn PCCC, chứ không phải là việc hô hào tẩy chay”, chi Hoa bức xúc.

thuc-hanh-phong-chay-chua-chay.jpg
Diễn tập phòng cháy chữa cháy - ảnh minh họa

 


Trả lời PV Báo PNVN, anh Tr. H, chủ đầu tư chuyên xây dựng chung cư mini (đề nghị giấu tên) cho biết: Thực tế xây dựng các công trình chung cư thương mại, cao cấp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong PCCC. Minh chứng là đã xảy ra nhiều vụ cháy với các chung cư lớn vừa qua. “Tôi đã xây dựng hàng chục chung cư mini ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy suốt 20 năm qua. Công trình nào cũng xây dựng, lắp đặt hệ thống PCCC như: Mỗi tầng có ít nhất từ 3 đến 5 bình xịt cứu hỏa; vòi nước cứu hỏa; chuông báo cháy; cầu thang bộ thoát hiểm…”. Thậm chí, các lưới thép bảo vệ tại khu vực lan can, ban công (vẫn hay gọi là chuồng cọp) cũng được lắp đặt một cửa khóa làm lối thoát hiểm cho từng căn hộ.

Anh Tr. H bày tỏ quan điểm: Nếu khẳng định mọi chung cư mini đều vi phạm về PCCC rồi tẩy chay là chưa khách quan. “Để khẳng định có vi phạm hay không tại các chung cư mini về đảm bảo quy chuẩn PCCC theo quy định hay không tùy thuộc vào việc tuân thủ ở từng công trình, không nên đánh đồng tất cả”. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào quá trình sử dụng, vận hành hệ thống PCCC và ý thức sử dụng của cư dân mỗi tòa nhà.

he-thong-pccc-chung-cu-mini-2.jpg
Phương tiện PCCC tại một chung cư mini trên địa bàn quận Đống Đa - Hà Nội - ảnh H. Hòa

 


Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn (Hà Nội), cho biết: Tồn tại các loại hình nhà ở như chung cư thương mại, tòa nhà cao tầng, tòa nhà văn phòng, chung cư mini hay nhà ở riêng lẻ… thì đều phải tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn PCCC của Nhà nước. Đồng thời pháp luật cũng không có sự phân biệt đối xử và kỳ thị với các loại hình nhà ở.

Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Cảnh sát PCCC được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC tới cấp Sở, phòng ban, đội để quản lý từng loại hình công trình và theo từng địa bàn trong thành phố. Việc người đứng đầu cơ quan cảnh sát PCCC của Hà Nội hô hào tẩy chay một loại hình nhà ở đang tồn tại trong thực tế đời sống, thì phải đặt lại vấn đề: “Cơ quan quản lý về PCCC đã làm tròn trách nhiệm chưa?”. Nếu công trình nào yếu kém, chưa đảm bảo về PCCC, thì biện pháp khắc phục, hỗ trợ, giúp đỡ với những loại hình này là gì? Nếu chỉ hô hào tẩy chay, kỳ thị, thì có nghĩa “cơ quan Nhà nước về lĩnh vực này không vào cuộc kiểm tra, không xử phạt hay sao? Trong khi đó, hàng trăm các hộ dân vẫn đang sinh sống trong các căn hộ chung cư mini bị… mặc kệ?

he-thong-pccc-chung-cu-mini-3.jpg
Các phương tiện phòng cháy tại chung cư mini - ảnh H. Hòa

 


Luật sư Trương Anh Tuấn nêu quan điểm: Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra quản lý, hỗ trợ người dân để xử lý các sai phạm của chủ đầu tư nếu có liên quan tới PCCC, không phân biệt chủ đầu tư chung cư mini hay chung cư thương mại, chung cư cao cấp. Thực tế hiện này, việc duy trì kiểm tra PCCC chưa được thường xuyên, nên mới xảy ra vụ việc chung cư Carina ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Đặc biệt với loại hình chung cư mini nếu có yếu kém trong đảm bảo PCCC thì phía cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực này càng cần phải vào cuộc hỗ trợ người dân, chứ không phải lên tiếng mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử với một trong các loại hình nhà ở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm